Có nên chúc tết nhân viên y tế phát tài không?

Đầu xuân năm mới, người Việt chúng ta thường chúc nhau những điều tốt lành như khỏe mạnh, thành đạt, hanh thông, phát tài, phát lộc… Ngày nay không còn mấy người chúc Tết một cách sáo rỗng như Tú Xương đã từng giễu cợt, những câu chúc thường được nói ra một cách thực lòng hơn dù đôi khi vẫn có những kiểu chúc khách sáo, chung chung cho mọi đối tượng.

Chúc phát tài ở đây được hiểu là chúc cho có nhiều tiền. Và mỗi khi chúc Tết nhân viên y tế, người ta lại ngập ngừng khi dùng câu chúc này. Đơn giản vì người ta cho rằng ngành y là ngành nhân đạo, bạn càng có nhiều tiền càng chứng tỏ y đức của bạn kém. Ngày nay, một số người cho rằng điều đó đúng với những nhân viên y tế trong hệ thống công lập, còn đối với nhân viên y tế ngoài công lập thì có thể “dzu dzi”. Đa số những người ngoài ngành y nghĩ như vậy, rất nhiều nhân viên y tế cũng nghĩ như vậy và bản thân tôi trước đây cũng đã từng nghĩ như vậy.

Trên quốc kì của chúng ta có ngôi sao vàng 5 cánh. 5 cánh tượng trưng cho 5 thành phần nhân dân theo các ngành nghề khác nhau, có nghĩa là người dân được thượng tôn. 5 cánh sao to bằng nhau, có lẽ biểu trưng cho sự công bằng giữa các thành phần nhân dân. Trừ một số rất ít làm quan, tuyệt đại đa số nhân viên y tế đều là những người dân, đều bình đẳng với công nhân, nông dân, thương nhân… về quyền lợi và nghĩa vụ đối với xã hội. Vậy tại sao những thành phần khác được phép phát tài mà nhân viên y tế lại không được phép?

Trong khi những nông dân giỏi trồng trọt, chăn nuôi, tăng vụ, đạt năng suất cao, làm giàu nhiều thì được vinh danh, những người thợ giỏi, sản xuất ra những sản phẩm đặc biệt, có thu nhập cao, làm giàu nhiều thì được vinh danh, còn những nhân viên y tế giỏi, chữa được nhiều bệnh khó, mang lại nhiều hạnh phúc cho người khác, làm giàu thì lại bị lên án.

Nghề y là một nghề liên quan đến việc cung cấp dịch vụ, cung cấp cho mọi đối tượng khách hàng dịch vụ khám chữa bệnh. Nhân viên y tế là những người thực hiện dịch vụ, trừ một số rất ít là chủ doanh nghiệp dịch vụ y tế tư nhân, còn lại đều là những người làm công ăn lương. Những người làm công ăn lương là những người thực hiện các dịch vụ và được trả tiền công cho việc thực hiện các dịch vụ đó. Những người chủ doanh nghiệp y tế tư nhân là những người bỏ vốn ra, tạo ra các cơ sở y tế tư nhân, kinh doanh và thu lợi từ dịch vụ y tế.

Khác với các ngành nghề khác, đối tượng cung cấp dịch vụ của ngành y là sức khỏe, là tính mạng của con người. Nghề y có những chuẩn mực nhất định mà các ngành nghề khác không có, ví dụ như khi cấp cứu thì không được phép trì hoãn dù người bệnh có khả năng thanh toán phí dịch vụ hay không.

Đối với xã hội chúng ta, câu chuyện sẽ rất phức tạp nếu chúng ta xử sự đúng theo mối quan hệ thị trường đối với những trường hợp không cấp cứu: tiền trao cháo múc. Nhưng bản chất của nền kinh tế thị trường là như vậy, bản chất của việc cung cấp và thụ hưởng dịch vụ là như vậy. Thế có nghĩa là trong khi cả xã hội ta đi theo kinh tế thị trường thì ngành y không được phép, ngành y không được có mối quan hệ thị trường.

Trên thế giới có rất nhiều nước, mà lại là các nước tư bản, các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, người dân ở đó được chăm sóc y tế không mất tiền. Điều này làm cho chúng ta nghĩ rằng việc cung cấp dịch vụ y tế không được phép tuân theo qui luật của kinh tế thị trường. Đấy là một suy nghĩ sai. Nó vẫn được vận hành theo qui luật của thị trường, chỉ khác ở chỗ ai là người trả tiền mà thôi.

Đối với các xã hội phát triển, quĩ an sinh xã hội phải đứng ra gánh vác một phần, đặc biệt cho người nghèo, các công ty bảo hiểm gánh vác phần còn lại. Ở tất cả các nơi người dân không phải trả tiền cho các dịch vụ y tế, kể cả ở những nơi như Bắc Âu hay Bruney, không có gì là miễn phí cả, kể cả cấp cứu. Nhân viên y tế vẫn được trả công cho những dịch vụ mà họ thực hiện, và vì vậy, họ vẫn được phép làm giàu. Ở những nơi đó, sự giàu có của nhân viên y tế khẳng định khả năng thực sự của người được trả công.

Ở xã hội chúng ta, nhà nước chỉ trả một phần rất nhỏ nếu so với công sức của nhân viên y tế bỏ ra để thực hiện các dịch vụ. Bảo hiểm y tế thì luôn giành phần lợi cho mình, đẩy khó khăn cho các bệnh viện và các nhà đầu tư y tế. Song song đó, nhà nước lại định ra một mức giá rất thấp cho các dịch vụ y tế mà các bệnh viện được phép thu thêm. Việc làm này thể hiện tính nhân đạo của chế độ ta nhưng lại đẩy toàn bộ nhân viên y tế trong hệ thống công lập phải sống trong cảnh đói nghèo nếu không muốn phải bươn chải, phải vi phạm luật lao động vì làm thêm giờ quá nhiều.

Với mức giá và mức sống của nhân viên y tế trong hệ thống công lập thấp như vậy, hệ thống y tế tư nhân có muốn đột phá cũng rất khó khăn. Đa số người dân sống trong tinh thần nhân đạo cứ luôn luôn đòi hỏi nhân viên y tế phải hy sinh, hy sinh và hy sinh, trong khi ngay cả các quan chức cao cấp nhất cũng thừa biết là đồng lương theo tinh thần nhân đạo đó không đủ để sống nhưng không ai dám làm những việc cần thiết để cải tạo nó, chỉ vì sợ mất đi cái tiếng nhân đạo. Từ đó, tham nhũng trở thành cần thiết đối với nhiều công chức. Những nhân viên y tế không tham nhũng hoặc không có điều kiện tham nhũng thì phải bươn chải kiếm sống, một số người có điều kiện giàu lên thì bị nghi kị, bị lên án là không có lương tâm.

Song song với việc yêu cầu nhân viên y tế phải hy sinh, nghi kị và lên án những nhân viên y tế giàu có (tạm gọi là giàu có), cả xã hội xúm vào lên án và vùi dập những nhân viên y tế. Táo quân năm nay để cho giao thông không có lỗi trong khi có bao nhiêu là hố tử thần, bao nhiêu là con đường gồ ghề, dằn xóc, tai nạn giao thông dẫn đến số người chết còn nhiều hơn các vụ khủng bố đẫm máu nhất. Vậy mà họ sẵn sàng xúc phạm ngành y, cái ngành luôn phải kiệt sức vì “đổ vỏ” cho các ngành khác như giao thông, chế biến thực phẩm, môi trường… Họ coi người đại diện của ngành y như một con điếm, đưa phòng bì là cởi. Đau đớn hơn, họ ở đây không phải những người dân bình thường, họ ở đây là bộ máy tuyên truyền của Đảng, tiếng nói của họ đại diện cho tiếng nói của Đảng. Họ xúc phạm ngành y với cách xúc phạm nặng nề nhất mà người Việt nam có thể dùng để xúc phạm người khác.

Thôi thì cả xã hội đã như vậy, cả bộ máy lãnh đạo, bộ máy truyền thông đã như vậy thì chúng ta đành phải đánh bài AQ, “nó chửi tao cũng như chửi bố nó” vậy. Và những nhân viên y tế cứ việc chúc nhau phát tài, miễn là đừng làm gì gây hại cho người bệnh, miễn là giữ cho tâm hồn được thanh thản, miễn là không ăn cắp, ăn trộm, không bớt xén của dân của nước. Nhân viên y tế xứng đáng được nhận những điều đó khi họ là những người phải vất vả nhất để lọt qua cửa vào trường y, khi họ đã miệt mài đèn sách với thời gian dài hơn những người khác, luôn bất chấp hiểm nguy, không nề hà gian khổ. Nếu xã hội này không chấp nhận được điều đó, xã hội này sẽ phải thay đổi cho phù hợp, vì đó là điều tất yếu.

Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn