Hãy cất lên tiếng nói của mình

Khi xem bộ phim The Fugitive (Kẻ trốn chạy) hồi mới phát hành năm 1993, tôi nghĩ rằng Hollywood đã cường điệu quá mức về khả năng cũng như thái độ hành xử của một bác sĩ ngoại khoa.

Phim do Harrison Ford thủ vai chính, BS Kimble. Bác sĩ này bị khép tội giết vợ. Ông bị oan, và đã vượt ngục ra ngoài, vừa trốn tránh sự săn đuổi của cảnh sát, vừa cố gắng tìm hung thủ thực sự. Cuối cùng, ông đã tìm ra hung thủ thực sự giết vợ mình, và cả người thuê chúng, để từ đó, ông được minh oan.

Khi ấy tôi nghĩ, giống như tôi, hầu hết các bác sĩ đều hết lòng vì bệnh nhân, rất kiên quyết trong chuyên môn, nhưng lại khá ngây thơ với các vấn đề xã hội, dễ bị lừa, dễ bị lợi dụng. Và một điều quan trọng là hầu hết các bác sĩ đều an phận.

Đa số các bác sĩ, khi đi làm, lỡ gặp bệnh nhân hơi quá quắt: thì thôi, họ bệnh tật, chấp làm gì. Chẳng may sếp khó tính: thì đàn anh mà, kệ sếp, sếp có ngồi đó mãi đâu. Lương ít: thì có sao, làm phòng mạch được rồi… Gặp bác sĩ nào hơi aggressive một chút, hay phát biểu, hay ý kiến, thì sợ, tránh xa.

Khi bị đồng nghiệp chơi khăm, hoặc gặp bệnh nhân càn rỡ, làm quá, thì bực mình, than thở. Nếu gặp chuyện chẳng lành, tai biến hay xui xẻo, lại cắn răng chịu đựng, không dám nói ra vì nghĩ rằng đâu có ai muốn giúp đỡ, chia sẻ với mình, vì ai mà rỗi hơi lo chuyện bao đồng. Khi điên quá thì bất mãn, chửi rủa, nghiệt ngã.

Trong câu chuyện của tôi, khi bệnh nhân kiện, báo chí đăng một cách ác ý, lại có đồng nghiệp chọc khuấy, ban đầu tôi “phớt tỉnh”, sau đó buồn bã, chán nản. Khi hàng loạt tờ báo đăng câu chuyện của tôi, một số bệnh nhân biết được, nhắn cho tôi những lời an ủi, động viên, có bệnh nhân còn viết hẳn một truyện ngắn, dưới dạng kí sự, kể về việc tôi đã mổ cho cô ấy thế nào. Một số bạn bè, đồng nghiệp cũng vậy. Tình cờ, tôi phát hiện website Diễn đàn Y khoa. Khi viết câu chuyện của mình lên đó, tôi mới biết còn nhiều người ủng hộ mình.

Tôi ra Tòa với tư thế hoàn toàn bất lợi, khi Thẩm phán bỏ qua mọi nguyên tắc xét xử, mặc định là tôi sai, và đứng hẳn về bên nguyên một cách không cần dấu giếm. Khi vụ án sắp sửa mang ra xử, tôi được tiếp cận với hồ sơ. Thì ra họ đã tìm mọi cách để đưa tôi vào thế bí. Hàng loạt các công văn chất vấn, bắt bẻ Sở Y tế, các cơ quan Giám định, các chuyên gia của từng lĩnh vực, được gởi đi gởi lại.

Và mọi cơ quan, cá nhân đều ủng hộ tôi bằng những văn bản rất vô tư, những câu trả lời hoàn toàn khoa học, thẳng thắn, ngay cả với những câu bắt bẻ rất lắt léo. Trước đó, tôi hoàn toàn không biết những việc này. Ngoài ra, một số công ty nước ngoài cũng đã nhiệt tình hỗ trợ tôi trong việc xác nhận cho những yêu cầu hóc búa do một đồng nghiệp tư vấn cho bên nguyên.

Với những động viên, giúp đỡ như vậy, tôi thấy rằng mình cần phải có trách nhiệm lại với đồng nghiệp, với bệnh nhân, và với cộng đồng. Những nhân viên y tế bị hành hung, hoặc bị kền kền xâu xé đều không có quan hệ quen biết gì với tôi. Chỉ có trường hợp mới đây, khi trao đổi trực tiếp với BS Hòe, tôi mới biết trước đây chúng tôi có một thời gian học chung với nhau. Gần đây, khi tình cờ xem lại The Fugitive, tôi đã có một nhận thức khác về người bác sĩ, và tin rằng câu chuyện ấy hoàn toàn có thể có trong đời thực.

Trong quá trình tìm hiểu những vụ việc, tôi nhận thấy, nhiều bác sĩ và nhân viên y tế của chúng ta còn dè dặt, còn có tư tưởng sợ rắc rối, coi những sự cố liên quan là câu chuyện của người khác. Có người còn khá ngạc nhiên khi thấy tôi làm một việc bao đồng, và một câu hỏi xuất hiện, liệu tôi có lợi ích gì sau câu chuyện đó không?

Ai trong chúng ta cũng đều có nguy cơ rơi vào những tình huống như vậy, nếu chúng ta không dũng cảm lên tiếng, không dũng cảm bảo vệ lẽ phải, thì một lúc nào đó, lẽ phải sẽ rời bỏ chúng ta. Ngay cả khi chúng ta có Y Sĩ đoàn, mà nếu mọi người đều an phận, thì sẽ chẳng có gì có thể tốt đẹp hơn lên được.

Matin Luther King từng nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”.

Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn