You are currently viewing Có dễ dàng để trở thành lương y không

Có dễ dàng để trở thành lương y không

Trước khi quyết định nghỉ bệnh viện Nhà nước, ra tư nhân làm việc, có một điều khiến tôi khá băn khoăn, đó là việc xử trí một loại bệnh mà tôi đã bỏ ra khá nhiều công sức nghiên cứu và đạt được một vài thành quả nhất định.

Ra tư nhân, điều kiện để thực hiện những phẫu thuật như vậy sẽ rất khó khăn. Đấy là những phẫu thuật có tỉ lệ tử vong rất cao, tỉ lệ tai biến cũng vô cùng lớn, trong khi kết quả đạt được thì lại rất nghèo nàn. Trong nghiên cứu của mình, tôi đã từng phải viết, rằng đối với đa số các loại bệnh, sau mổ, phục hồi hầu hết các chức năng mới được coi là thành công, còn đối với loại bệnh này, nếu giữ được tình trạng người bệnh giống như trước mổ đã được coi là thành công rực rỡ. Áp lực về việc kiện tụng sẽ làm cho các nhà lãnh đạo bệnh viện tư không sẵn sàng đón nhận những ca “xương xẩu” như vậy. Đồng thời, áp lực đó cũng đè nặng lên các bác sĩ tư, làm cho họ không đủ tỉnh táo và bình tĩnh để thực hiện những ca phẫu thuật vừa lâu, vừa khó khăn, vừa đầy nguy cơ rủi ro như vậy.

Chỉ một lần vô tình thổ lộ điều này, tôi được cho là quá tự cao tự đại, tôi không mổ thì có người khác mổ, cứ làm như chỉ có một mình mình mới có thể mổ được. Có người còn bảo tôi diễn, muốn ra tư nhân thì cứ việc ra để kiếm tiền, còn màu mè lương tâm, y đức… Đành ngậm ngùi tự an ủi, rằng đâu ai có thể có được mọi thứ, có xôi thì thôi ba bò chín trâu, tôi quyết định ra tư nhân và tập trung vào phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu. Tuy vậy, tôi vẫn không hoàn toàn rời bỏ căn bệnh kia và vẫn cố gắng để thực hiện được vài ca mổ như vậy tại các bệnh viện tư nơi tôi làm việc.

Phong trào kiện tụng cùng với sự quan tâm đặc biệt của truyền thông đối với ngành y đã làm cho các bệnh viện tư phải hết sức cẩn thận. Ước mơ, hoài bão, cống hiến, vươn lên… phải dừng lại, nhường bước cho sự an toàn của nhà đầu tư, an toàn cho phẫu thuật viên và an toàn cho cả ngành y. Cho đến thời gian gần đây thì chẳng còn một bệnh viện tư nào đồng ý cho tôi mổ những ca như vậy cả. Bệnh viện mà tôi hằng mơ ước xây dựng thì vẫn đâu đó ở thì tương lai xa, không hẳn chỉ vì vốn liếng, tài chính.

Một lần tình cờ gặp một bác sĩ đầu ngành của một chuyên ngành, anh ấy tâm sự rằng anh ấy đang gặp khó khăn đối với nghiên cứu về một loại bệnh của mình. Đó là một loại bệnh ăn rỗng hết tủy xương, do vậy sau khi chữa nội khoa xong, xương không còn tiếp tục bị ăn rỗng nữa thì người ta sẽ bơm xi măng vào đốt sống để khỏi gãy xương, anh ta tìm hiểu thì không có bệnh viện nào làm việc ấy cả.

Tôi nói cho anh ấy biết là chỗ tôi đã thực hiện kĩ thuật đó rất nhiều rồi nhưng sau gần cả năm không thấy anh ấy giới thiệu bệnh nhân nào đến. Tôi nói chuyện này với một vài bác sĩ khác cùng chuyên ngành của anh ấy, họ cho biết, họ (và cả anh ấy) không thể giới thiệu bệnh nhân của bệnh viện công cho bệnh viện tư. Tôi thật sự thông cảm với các bác sĩ đó, chỉ buồn cho những người bệnh không may mắc căn bệnh ngặt nghèo như vậy ở Việt nam mà thôi.

Nhưng rồi ngay tại các bệnh viện công, các bác sĩ cũng không thật sự “mặn mà” với căn bệnh mà tôi nói lúc ban đầu. Một số bệnh nhân đến với tôi sau khi các bệnh viện công từ chối mổ. Là một bác sĩ tư nhân, tôi biết rằng không một bệnh viện công nào cho phép tôi mổ ở đó cả. Hiểu sâu sắc điều này nên trước khi rời bệnh viện công, tôi đã dành khá nhiều thời gian cho khu phòng mổ, nơi mà tôi sẽ không còn bao giờ được bước chân vào với tư cách là phẫu thuật viên nữa.

Thật may mắn là một bệnh viện công đã cho tôi mổ. Tôi đã thực hiện được một số ca mổ khó khăn nhất của loại bệnh “xương xẩu” nói trên tại đó. Cũng đã có biến chứng xảy ra nhưng may mắn là bệnh nhân vượt qua được. Nói chung là mọi việc diễn ra vô cùng tốt đẹp, cho bệnh nhân và cho cả tôi, vì tôi không còn phải áy náy về quyết định nghỉ khỏi bệnh viện công của mình.

Vụ án Bầu Kiên được đưa ra xét xử, và quan điểm căn bản của Tòa án Việt nam đã được xác lập, đó là chỉ được làm cái được cho phép, còn làm cái không cấm vẫn có thể bị tù. Không ai cấm bác sĩ tư mổ ở bệnh viện công, nhưng đồng thời cũng không có ai cho phép việc đó, và mặc định từ bao giờ không biết, chỉ một vài bác sĩ về hưu được bệnh viện ưu ái, thường là những bác sĩ đầy thế lực, mới được mời làm cố vấn và mới được mổ ở bệnh viện công sau khi về hưu.

Sau khi vụ án Bầu Kiên kết thúc, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện này. Tôi liều mạng thì đã đành, nhưng tôi không được phép làm hại anh em đồng nghiệp. Nếu xảy ra một vụ kiện, sẽ không phải một mình tôi gánh chịu. Ban Giám đốc, đặc biệt là Giám đốc bệnh viện sẽ phải chịu nhiều phiền hà, rắc rối, trong khi ở bệnh viện công, đó là cái ghế mà rất nhiều người muốn ngồi. Câu chuyện sẽ không chỉ đơn thuần là việc cho phép hay không cho phép, mà có thể được “nâng cấp” thành quan điểm, lập trường, tư tưởng… hay gì đó tương tự.

Rất may là mấy ngày gần đây tôi đã tìm được một bệnh viện tư có cùng quan điểm với tôi, có đủ khả năng về trang bị, kĩ thuật, có đủ khả năng gây mê và hồi sức để thực hiện những ca mổ như vậy. Duy chỉ có một trở ngại: chi phí.

Thực ra thì những anh em ở bệnh viện công mà tôi nói đến vẫn luôn nhiệt tình và tận tâm với những bệnh nhân mà tôi có ý định mổ, chưa bao giờ tỏ ra bất cứ điều gì làm cho tôi ngại ngùng. Nhưng để giảm bớt nguy cơ biến các anh em đó thành những kẻ mất quan điểm, lập trường không vững vàng, tư tưởng không đúng đắn… tôi sẽ phải chuyển bớt những bệnh nhân có đủ khả năng tài chính tới bệnh viện tư để mổ, dù rằng việc đó sẽ làm tăng nguy cơ cho tôi.

Không biết như vậy có phải tôi tự cao tự đại hay không? Nhưng thôi, việc tôi như thế nào không quan trọng. Tôi chỉ muốn thổ lộ với các bạn một điều mà tôi vẫn đang áy náy: tôi đã hoãn một ca mổ dù đã được chuẩn bị, ban đầu chỉ vì tôi đột ngột bị cảm, nhưng sau đó, khi phân tích kết quả của vụ xử Bầu Kiên, tôi, một kẻ liều mạng, đã phải chùn tay.

Theo TS. BS Võ Xuân Sơn.