You are currently viewing Hysteria

Hysteria

Câu chuyện xảy ra cách đây 30 năm, khi tôi còn là một sinh viên, tập tễnh đi trực đêm thêm ở bệnh viện.

Phòng cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy về đêm rất đông so với các bệnh viện khác thời bấy giờ. Hồi đó giới nghiêm ban đêm, các bệnh viện ở thành phố thỉnh thoảng mới có bệnh cấp cứu. Riêng bệnh viện Chợ Rẫy thì vẫn đông bệnh nhân từ các tỉnh chuyển lên, chủ yếu là chấn thương sọ não và sốt rét ác tính thể não, những bệnh nhân thường hôn mê khá sâu.

Thỉnh thoảng có một chuyến xe chở những bệnh nhân tỉnh táo, tương đối khỏe mạnh. Bên dưới ghế hoặc băng ca của những bệnh nhân đó là gạo, khô, thịt heo, thịt bò… Ở cái thời ngăn sông cấm chợ, cứ có cách gì là con người ta phải tận dụng ngay để duy trì sự sống.

Có một bệnh nhân nữ trạc tuổi trung niên được chuyển đến trên một chuyến xe chất đầy “nhu yếu phẩm” với chẩn đoán “Mệt chưa rõ nguyên nhân”. Thời nay ai mà chẩn đoán như vậy thì bị ném đá ngay nhưng lúc đó nhan nhản những chẩn đoán tương tự. Có khi chẳng phải là bệnh cần chuyển, chẳng qua chỉ vì số “nhu yếu phẩm” cần chuyển mà thôi. Thời đó bệnh nhân cũng chẳng phải trả tiền gì cả. Xe của bệnh viện đưa lên thì rồi lại chờ xe của bệnh viện đó rước về.

Bác sĩ trực nội đêm hôm đó là một anh cựu Nội trú Nội. Lứa của các anh là những người cực kì năng nổ. Các anh vừa khám bệnh, vừa lật những trang sách chép lại bằng tay ra xem, vừa ra chỉ định, vừa trực tiếp đi cùng bệnh nhân đến phòng chụp Xquang, tự đưa bệnh nhân lên bàn, tự bật máy và soi chiếu… Các anh tận dụng hết các xét nghiệm có thể, khi không có người đi lấy kết quả xét nghiệm, các anh tự chạy lên phòng xét nghiệm để lấy về. Có anh còn tự kéo lam để tìm kí sinh trùng sốt rét… Anh nào cũng có một đám sinh viên đệ tử đeo theo sát rạt.

Người bệnh nhân nữ mà tôi nói đến có một cậu con trai khoảng 18 – 20 đi nuôi. Bà luôn than mệt. Tất cả những gì làm được khi đó đều được người bác sĩ trực năng nổ làm cho bệnh nhân. Tất cả đều bình thường. Mặc dù một đám sinh viên sau khi khám đưa ra kết luận là bệnh nhân bị hysteria nhưng anh vẫn cứ trăn trở, đăm chiêu với người bệnh này.

Gọi là đông bệnh nhưng lúc ấy vắng hơn bây giờ nhiều. Chúng tôi cứ đi ra đi vào uống cà phê. Mỗi lần trở vào phòng lại đi xem hết tất cả bệnh nhân. Thường thì đối với những bệnh nhân nhẹ, anh bác sĩ trực giao cho tôi xem và báo cáo lại, khi nào có gì đặc biệt hoặc báo cáo của tôi có vẻ không hợp lí anh mới tới xem. Riêng bệnh nhân này anh không giao cho tôi mà đích thân thăm khám rất nhiều lần.

Đến khoảng 1h30 sáng, trong khi bác sĩ trực đang bận với một ca bệnh sốt rét ác tính thể não vừa được chuyển đến, tôi đến thăm bệnh nhân. Bệnh nhân xin tôi sáng hôm sau cấp cho bà giấy xác nhận con trai bà đi nuôi bà để còn trình với địa phương vì hôm sau là ngày con bà đi nghĩa vụ quân sự. Ồ, thì ra là thế.

Chờ bác sĩ trực giải quyết xong trường hợp bệnh nặng, tôi hí hửng báo cáo chiến tích với anh, giống như một phát hiện lớn. Anh đăm chiêu một lát rồi gật đầu đi ngủ. Tôi đảo một vòng nữa rồi tìm một cái ghế trong phòng giao ban ngả lưng.

Khoảng gần 4 giờ sáng, các chị điều dưỡng đánh thức chúng tôi dậy. Bệnh nhân mệt của chúng tôi đã ngừng tim, ngừng thở. Sau hơn 1 giờ xoa bóp tim, chích adrenaline vào tim, bóp bóng… không có hiệu quả. Chúng tôi đành ngậm ngùi rút lui.

Kể từ hôm đó, cứ mỗi lần đọc được chẩn đoán hysteria, người bác sĩ trực ngày hôm đó lại nhíu mày và nhắc tôi nhớ đến bệnh nhân mệt ngày trước.

Hơn một năm sau, người bác sĩ ấy đi vượt biên.

Lần đầu tiên gặp lại anh sau nhiều năm xa cách, anh đã trở thành một bác sĩ Việt kiều, còn tôi cũng đã là một bác sĩ. Anh em mừng rỡ tíu tít, kéo nhau ra quán cà phê Ba Chí trước cửa bệnh viện. Anh nhắc lại ca bệnh cũ. Anh nói anh đã nghiên cứu nhiều sách vở để xem đó là bệnh gì, nhưng vì khi đó chúng ta nghèo quá, chẳng có cơ sở gì để kết luận được. Anh còn nhắc đến những xét nghiệm nếu khi đó có đã có thể giúp cứu được người bệnh kia.

Nhiều năm trôi qua, những câu than mệt của bệnh nhân hoặc chẩn đoán hysteria của một bác sĩ nào đó đều làm tôi nhớ đến câu chuyện của người bệnh xấu số ngày hôm đó cùng với người bác sĩ đã không thể quên được bà dù đã đi đến một phương trời xa xôi.

Theo TS. BS Võ Xuân Sơn.