Bài báo về BS Võ Xuân Sơn

bai-bao

BS Võ Xuân Sơn luôn tin vào chân lí, tin vào những người bạn, những đồng nghiệp ở khắp nơi, những người bệnh đã, đang và sẽ luôn sát cánh, luôn chia sẻ. Mong rằng mọi người sẽ nói lên tiếng nói của mình.

Đọc bài “Tranh cãi vụ mổ bướu mỡ bị liệt chân” trên Báo Thanh niên Chủ nhật 23-09-2012, người đọc hình dung ông Võ Xuân Sơn chính là người đã gây ra tình cảnh bi đát cho ông Nghệ. Chắc là cái ông Võ Xuân Sơn này trình độ yếu kém, lại còn câu bệnh nhân ra bệnh viện tư để mổ.

Ông Nghệ bị một u mỡ ở tuỷ. Đây là một loại u bẩm sinh sinh ra do khiếm khuyết trong quá trình hình thành bào thai của người bệnh, nó làm tuỷ bị dính và bị cột chặt vào thành ống sống. Khi người ta lớn lên, tuỷ bị kéo dãn ra, với tác động của thời gian, càng ngày tuỷ càng bị hư hại dẫn đến các biến chứng thần kinh. Có nhiều phương pháp điều trị nhưng tất cả các phương pháp đều chỉ có xác xuất thành công rất thấp.

Ông Nghệ đi khám ở nhiều nơi và đến năm 2005 thì được giới thiệu đến phòng mạch của BS. Võ Xuân Sơn, lúc đó đang làm việc tại Bệnh viện Chợ rẫy. Khi đến phòng mạch của BS Võ Xuân Sơn, ông Nghệ đã yếu nhiều hai chân, đi lại khó khăn. BS Võ Xuân Sơn đã giải thích rất cặn kẽ về bệnh tật, tiên lượng, xác xuất thành công rất thấp cho ông Nghệ nhưng ông Nghệ kiên quyết đề nghị được mổ. Khi đó, bệnh viện Chợ rẫy chỉ có một kính vi phẫu, mỗi ngày có rất nhiều bệnh nhân cần đến kính nên BS Võ Xuân Sơn đã đưa ông Nghệ qua bệnh viện ITO để mổ.

Với 14 triệu đồng vào thời điểm năm 2005, ông Nghệ vừa được mổ bởi một ê kíp gồm 9 người, sử dụng các trang thiết bị chuyên biệt, nằm viện và thuốc men trong 11 ngày. Như vậy có phải BS Võ Xuân Sơn câu bệnh ra bệnh viện tư để hưởng lợi không? Chưa kể lúc đó BS Võ Xuân Sơn còn làm từ thiện, tặng cho ông Nghệ một miếng Neuropatch để vá màng cứng vì BS Võ Xuân Sơn áp dụng biện pháp gỡ dính và chống tái dính, cần phải có vật liệu này mới có thể thực hiện được cuộc mổ. BS Võ Xuân Sơn không ngờ 7 năm sau đó, ông Nghệ đã lấy ngay cái miếng Neuropatch mà BS Võ Xuân Sơn tặng cho mình để làm cơ sở chống lại BS Võ Xuân Sơn. Chua chát thật.

Ông Nghệ đã khá lên được khoảng 1 năm, tình trạng yếu chân cải thiện khá hơn, đi lại dễ dàng hơn. Sau đó hai chân ông Nghệ lại bắt đầu yếu lại. Ông Nghệ đã nhiều lần đến khám và yêu cầu BS Võ Xuân Sơn mổ lại cho mình. Vì tính chất phức tạp của bệnh lí, đã mổ một lần mà nay tái phát lại, BS Võ Xuân Sơn đã dự định không mổ tiếp tục. Ông Nghệ đã rất nhiều lần tha thiết yêu cầu BS Võ Xuân Sơn mổ tiếp cho ông vì nếu không mổ thì ông chắc chắn bị liệt, còn nếu mổ dù khả năng thất bại cao nhưng vẫn còn một chút cơ may. Sau nhiều lần cân nhắc, cuối cùng BS Võ Xuân Sơn đã đồng ý mổ lần thứ hai cho ông Nghệ. Giống như lần trước, ông Nghệ khá lên được khoảng 1 năm rồi tình hình lại xấu trở lại, hai chân yếu dần. Ông Nghệ quay qua đòi BS Võ Xuân Sơn bồi thường, gởi đơn khiếu nại tới Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, các báo, đài… Trong đơn, ông Nghệ không hề nói rằng mình đã được BS Võ Xuân Sơn giải thích như thế nào, cũng quên luôn chuyện đã tha thiết yêu cầu BS Võ Xuân Sơn mổ như thế nào… Trong cách thức tiếp cận của ông Nghệ, chỉ có đòi tiền và đòi tiền.

Hội đồng khoa học do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thành lập gồm những bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực Ngoại Thần kinh, Chấn thương Chỉnh hình, Chẩn đoán Hình ảnh, Gây mê hồi sức và các lĩnh vực liên quan khác đã họp, thảo luận và đi đến kết luận là các cuộc mổ được tiến hành đúng qui trình, bệnh có chỉ định mổ, bệnh diễn tiến xấu do tình trạng bệnh lí, không phải do biến chứng của cuộc mổ.

Ông Nghệ đi giám định thương tật, không hiểu bằng cách nào mà Hội đồng Giám định lại có một câu trong kết luận thương tật bao nhiêu phần trăm đó là “do phẫu thuật”. Thế là ông Nghệ dựa vào đó để kiện BS Võ Xuân Sơn.

Tại Toà, mặc dù ở thế rất bất lợi do ông Nghệ đã tranh thủ được tình cảm của các nhà báo, lại đúng vào thời điểm ngành y tế có nhiều biến chứng được báo chí nêu lên, BS Võ Xuân Sơn đã chứng minh được mình đã làm đúng, đã giải thích đầy đủ cho người bệnh. Chức năng nhiệm vụ của Hội đồng Giám định thương tật là giám định mức độ thương tật, chứ không thể kết luận nguyên nhân, chưa kể là trong Hội đồng không có ai thuộc lĩnh vực gì có liên quan đến cái u mỡ ở tuỷ này của ông Nghệ. Hội đồng xét xử đã không còn hỏi gì nữa, rút vào nghị án. Tuy nhiên, mãi cho đến 1 tuần sau mới có thông báo hoãn kết luận do Toà còn yêu cầu BS Võ Xuân Sơn chứng minh việc sử dụng miếng vá màng cứng Neuropatch là đúng, là hợp lí. Do sự việc đã quá lâu, lại phải đi công tác nước ngoài nên việc thu thập chứng cứ không được “tốc hành”, có lẽ là nhà báo nghĩ rằng BS Võ Xuân Sơn đuối lí rồi nên đăng báo. Hiện nay, BS Võ Xuân Sơn đã thu thập được các văn bản pháp lí cho phép sử dụng miếng vá màng cứng Neuropatch của Bộ Y tế, chứng chỉ châu Âu cho phép sử dụng miếng vá màng cứng Neuropatch, các chứng từ chứng minh miếng vá màng cứng Neuropatch đã được sử dụng rộng rãi tại Việt nam khi BS Võ Xuân Sơn mổ cho ông Nghệ.

Thực chất, đây là một cuộc đấu tranh giữa những yếu tố thị trường và y đức. Trong quá trình thụ lí vụ án, BS Võ Xuân Sơn đã nhiều lần nhận được yêu cầu thương lượng, và nếu không thương lượng thì sẽ cho “đăng báo cho mất uy tín”. Quan điểm của BS Võ Xuân Sơn rất rõ ràng: nếu ông Nghệ khó khăn và yêu cầu giúp đỡ, BS Võ Xuân Sơn sẽ sẵn sàng giúp đỡ, nhưng nếu ông Nghệ đòi bồi thường thì BS Võ Xuân Sơn sẽ đấu tranh đến cùng, bởi vì đây là một cuộc đấu tranh cho công lí, cho y đức, cho tình người… Uy tín của BS Võ Xuân Sơn rất quan trọng nhưng không quan trọng bằng công lý, bằng y đức của cả ngành y, bằng việc xây dựng một nền tảng đạo đức trong xã hội hiện nay. Nếu Toà xử buộc BS Võ Xuân Sơn phải bồi thường thì sẽ tạo ra một tiền lệ là dù cho bác sĩ có làm đúng mọi điều, nếu kết quả không như ý người bệnh thì bác sĩ sẽ phải bồi thường. Nếu như vậy thì còn bác sĩ nào dám mổ những căn bệnh nặng? Và lúc đó người bệnh có bệnh nặng sẽ cứ như trái banh, được đá qua đá lại giữa các bác sĩ mà ai cũng không muốn dính vào để phiền phức về sau. Nếu một bác sĩ chỉ làm những gì an toàn cho mình mà không quan tâm tới việc mang lại cái gì cho người bệnh thì xã hội này sẽ ra sao? BS Võ Xuân Sơn hiện nay đang thực hiện những ca mổ rất khó khăn, phức tạp mà nhiều nơi không thực hiện. Không biết kết luận của Toà sẽ ảnh hưởng thế nào đến những người không may bị bệnh nặng?

Nhưng BS Võ Xuân Sơn luôn tin vào chân lí, tin vào những người bạn, những đồng nghiệp ở khắp nơi, những người bệnh đã, đang và sẽ luôn sát cánh, luôn chia sẻ.

Mong rằng mọi người sẽ nói lên tiếng nói của mình.