Bác sĩ phơi nhiễm HIV khi cứu bệnh nhân

Bản thân tôi đã có hàng chục lần mổ cho bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó có những lần chảy máu tưng bừng, máu bắn văng lên tới trần nhà. Có lần còn mổ cho bệnh nhân với test nhanh HIV âm tính, sau vài ngày, bệnh nhân có biến chứng, chuyển sang bệnh viện khác, xét nghiệm lại HIV dương tính.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/18-y-bac-si-cap-cuu-benh-nhan-nhiem-hiv-deu-am-tinh-voi-hiv-20150709112704903.htm

Không biết nhà báo có hiểu đúng ý của chuyên môn khi viết bài này không, nhưng có vẻ nhiều người đọc hiểu sai.

Xét nghiệm HIV vào ngày thứ 5 sau phơi nhiễm chỉ có giá trị xác định những nhân viên y tế này không bị lây nhiễm HIV từ trước. 20 ngày nữa mà có làm xét nghiệm, và kết quả âm tính thì cũng chỉ có ý nghĩa như vậy mà thôi. Trong vòng 3 tháng sau khi bị phơi nhiễm, nếu những nhân viên y tế đó dương tính với xét nghiệm HIV, thì vẫn có thể bị coi là lây nhiễm từ trước, chứ không phải từ lần phơi nhiễm này. Kiến thức của tôi về HIV hơi cũ, khoảng 5 năm nay không được cập nhật, không biết hiểu như vậy có còn đúng không.

Ngay cả khi xét nghiệm HIV của bệnh nhân âm tính thì cũng chẳng an toàn. Người ta nói là có một giai đoạn gọi là giai đoạn cửa sổ, có nghĩa là khi ấy người bệnh đã bị nhiễm HIV, có khả năng lây nhiễm cho người khác, nhưng xét nghiệm vẫn âm tính. Nếu nhân viên y tế tiếp xúc với họ vào giai đoạn cửa sổ đó, thì vẫn có khả năng bị lây nhiễm như thường.

Cho nên, dù là bất cứ ai, nhân viên y tế hay không, đứng trước máu, các phần cơ thể không có da che chở, chất tiết của người khác, cứ phải mặc nhiên coi đó là nguồn lây nhiễm các căn bệnh chết người như HIV, virus viêm gan C… Đừng có chủ quan. Càng là nhân viên y tế, càng phải thấm nhuần điều đó. Nguyên tắc cứu hộ: không để xảy ra thêm thương vong, đúng cả trong trường hợp này. Tất cả nhân viên y tế đều phải tập cho mình thói quen mang đồ bảo hộ khi tiếp xúc với máu, mô, chất tiết và bệnh phẩm…

Câu chuyện xảy ra với ca bệnh này là câu chuyện hết sức bình thường trong ngành y, xảy ra hàng ngày ở các bệnh viện. Ngày nào mà không có những ca được nhân viên y tế kéo ra khỏi cõi chết như thế này, ngày nào mà không có những ca nhiễm HIV cần phải mổ, cần phải đỡ sanh, mà nhân viên y tế dù có biết hay không, vẫn cứ phải phục vụ, và vẫn cứ phục vụ tận tình.

Bản thân tôi đã có hàng chục lần mổ cho bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó có những lần chảy máu tưng bừng, máu bắn văng lên tới trần nhà. Có lần còn mổ cho bệnh nhân với test nhanh HIV âm tính, sau vài ngày, bệnh nhân có biến chứng, chuyển sang bệnh viện khác, xét nghiệm lại HIV dương tính.

Và, tôi không phải cá biệt. Bác sĩ nào làm ở phòng cấp cứu, bác sĩ nào làm ở phòng hồi sức, làm ngoại khoa, tất cả nhân viên y tế ở những vị trí đó đều luôn bị phơi nhiễm, đều luôn phải tạo cho mình phản xạ phòng tránh bệnh lây nhiễm qua đường máu.

Tôi từng biết những bác sĩ, khi mổ cho bệnh nhân nhiễm HIV bị kim đâm vào tay, không dám nói với gia đình, âm thầm chịu đựng suốt 6 tháng trời, trong sự nghi kị của vợ. Bản thân vật vã với tác dụng phụ của thuốc, sáng nào hai mắt cũng thâm quầng. Tôi cũng biết những người không chịu đựng nổi áp lực, chìm vào rượu.

Và tôi biết cả những người sau đó dương tính với HIV. Dù thông tin được giữ bí mật, dù vẫn đi làm, nhưng lúc nào họ cũng bị giằng xé giữa ước muốn được chia sẻ và mong mỏi không bị tiết lộ thông tin bệnh tật, và cứ thế, chìm dần, chìm dần vào cô đơn trong tuyệt vọng.

Dù bao nhiêu nguy cơ luôn rình rập, tôi vẫn phải khẳng định, rằng phơi nhiễm như thế này là chuyện hết sức bình thường trong ngành y, tận lực cứu chữa bệnh nhân như thế này là chuyện hết sức thường gặp trong ngành y. Khi ca bệnh may mắn thoát chết, lại gặp được người nhà và nhà báo rung động trước sự tận tình của nhân viên y tế, thì họ được ca ngợi.

Còn nếu không may mắn, bệnh nhân không qua khỏi, lại gặp phải người nhà và nhà báo manh động, thì chính những người hùng đó lại có thể trở thành tội đồ.

Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn