You are currently viewing Xui rủi và giới hạn

Xui rủi và giới hạn

Hắn là hiện thân của sự xui rủi.

Năm ấy hắn mới ra trường, cháu của cô điều dưỡng cùng khoa nghỉ hè lên chơi với dì, hay bị nhức đầu. Hắn khám giúp và phát hiện ra cậu ta bị dị dạng mạch máu não. Lúc đó hắn chỉ biết đến chẩn đoán do điều đó thì hắn có thể đọc sách được, còn mổ thì không thể được vì hắn mới ra trường. Đây là bệnh đặc biệt, lúc bấy giờ ở trong nước còn chưa có mấy người mổ được. Vậy cho nên hắn chỉ đứng ở vị trí phụ mổ, mà phụ hàng thứ hai thôi. Đấy là vinh dự lớn lắm rồi, vì hắn có công chẩn đoán nên mới được như vậy. Thời đó, do không có phương tiện chẩn đoán hiện đại như ngày nay, việc chẩn đoán ra những bệnh lí như vậy là một điều gì đó hết sức khó khăn và là một thành công lớn. Ca mổ kéo dài 12 giờ và kết thúc bằng việc đóng vết mổ nhanh để bệnh nhân không chết trên bàn. Hắn trở thành tội đồ, nếu hắn không mày mò, rị mọ thì làm sao phát hiện ra cái dị dạng mạch máu não ấy, và như vậy thì làm sao mà cậu con trai duy nhất của cả dòng họ nhà cô điều dưỡng lại phải chết một cách tức tưởi như vậy.

Hắn là hiện thân của sự xui rủi.

Những giây phút bức xúc của người nhà bệnh nhân xấu số rồi cũng qua đi, người ta lại nhờ hắn khám cho người nhà, để tìm ra những căn bệnh khó khăn. Các đàn anh cũng thể hiện sự công bằng, họ đánh giá cao những gì hắn làm được, họ chấp nhận hắn. Mặc dù hắn chỉ mới ra trường, họ coi hắn như những đồng nghiệp ngang hàng khi bàn về nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của cuộc mổ đầy xui rủi.

Vài năm sau, hắn lại thành công trong việc chẩn đoán những khối u ở vùng tủy cổ bằng việc chích vào vùng gáy chẩm để bơm thuốc chụp hình khối u. Lúc đó không có máy chụp cắt lớp, không có cộng hưởng từ. Việc bơm thuốc vào vùng gáy chẩm để chụp hình là rất khó khăn do nó quá nguy hiểm. Tuy nhiên, lợi ích mà nó mang lại vô cùng lớn. Thế rồi một ngày kia, một người bệnh yếu tay chân được hắn chẩn đoán u tủy cổ. Trước khi mổ người ấy vẫn đi được nhưng sau mổ thì lại nằm một chỗ. Thế là đâu đó lại có tiếng xì xào, giá như mà hắn không chẩn đoán ra. Hắn lại trở thành hiện thân của sự xui rủi. Nhưng nói vậy thôi, họ vẫn ghi nhận công lao của hắn. Bằng chứng là sau đó hắn được phép mổ khi mà đa số các đàn anh lớn hơn hắn rất nhiều chưa được mổ.

Đến lúc đó thì khác. Khi hắn là người cầm dao, hắn là người chịu trách nhiệm, thành công nghĩa là hắn tốt, thất bại nghĩa là hắn tệ. Các thành công về mặt chẩn đoán chỉ được một số ít người ghi nhận, và thường người ta mau quên thành công đấy khi điều trị cũng thành công. Hắn lớn lên, những gì các đàn anh hắn làm được hắn cũng đã làm được, hắn trở thành một “đàn anh”.

Lúc đó, bệnh viện nơi hắn làm việc được trang bị những phương tiện chẩn đoán và phẫu thuật tối tân hơn trước rất nhiều, internet cũng bắt đầu xuất hiện tại Việt nam. Nhiều loại bệnh mới được phát hiện, hoặc những bệnh đã được biết đến nhưng với số lượng ít thì khi đó phát hiện ra rất nhiều. Các đàn anh cũng bắt đầu phân hóa, những người có đủ khả năng bắt kịp với các phương tiện mới, công nghệ mới tiến lên nhanh chóng cùng với những đàn em trẻ và có nhiệt huyết tạo thành một nhóm khác, đối lập với những đàn anh bị tụt hậu cùng với nhóm đàn em thiếu nhiệt huyết. Hắn nằm trong nhóm dẫn đầu. Các anh em trong nhóm dẫn đầu say sưa bàn bạc, hoạch định cho tương lai. Sếp hắn, người có tầm nhìn có thể nói là xa nhất lúc đó, khuyên các anh em nên chọn cho mình mỗi người một hướng chuyên ngành để sau này đừng “đụng” nhau. Nghe lời, hắn chọn cho mình con đường chông gai nhất, con đường không ai muốn đi: phẫu thuật cột sống. Khi đó, ở nơi hắn làm việc, khu bệnh dành cho cột sống được coi là kênh Nhiêu Lộc, con kênh nước đen, hôi thối, ai đến cũng phải bịt mũi nín thở mà đi qua cho nhanh. Hắn say sưa với chuyên ngành mình đã chọn, bỏ hẳn lĩnh vực phẫu thuật não, nơi mà hắn cũng đã có một số thành công nhất định.

Hắn xin đến một nơi mà người ta đồn là rất giỏi trong lĩnh vực phẫu thuật cột sống để học. Hắn bị xua đuổi. Không có thầy, lần đầu tiên hắn nhận thấy cái giới hạn mà hắn không thể vượt qua. Nhưng hắn không chấp nhận giới hạn, hắn tìm mọi cách đi ra nước ngoài để học. Nhật, Mỹ, Hàn Quốc… hắn sẵn sàng đi bất cứ đâu, miễn là chỗ đó có gì cho hắn học. Bao nhiêu tiền làm ra từ phòng mạch, hắn đổ hết vào học, vào sách, vào máy tính, máy chụp hình, quay phim… toàn bộ những thứ phục vụ cho việc học tập của hắn.

Một ngày kia, hắn nhận thấy mình đã vượt qua cái giới hạn mà tưởng như hắn đã không thể vượt qua. Hắn không còn suy nghĩ theo kiểu cái này chỉ có Mỹ mới làm được, ở Việt nam thì còn lâu. Sự tự tin trong hắn lớn dần, lớn dần. Hắn không quan tâm đến khoảng cách giữa Việt nam và Mỹ, Nhật… Hắn chỉ so sánh hắn với các đồng nghiệp X, Y, Z dù họ đến từ bất cứ nước nào. Điều này đã mang lại cho hắn nhiều thành công. Lúc đó, nơi hắn làm việc lại có thêm sự phân hóa. Những anh em trước đây của hắn, hoặc là không hiểu hắn, hoặc là không muốn công nhận sự vươn lên của hắn, cũng có thể họ e dè hắn. Ngay cả người sếp nhìn xa trông rộng của hắn trước đây bây giờ cũng dè chừng hắn. Người tốt, mong cho hắn thành công nhưng lại sợ hắn “giơ tay quá đầu”, họ không thể hiểu được những việc hắn làm, họ không tin là hắn, một thằng anamit lại dám làm những điều mà những giáo sư “Tây” thường qua rao giảng ở Việt nam không làm được. Người không tốt thì gièm pha đủ kiểu, trông chờ vào những biến chứng, những thất bại của hắn. Dần dần, hắn trở thành cái gai trong mắt các bậc đàn anh, các bậc lãnh đạo. Sếp trực tiếp của hắn, trước đây là một đàn anh đã từng kề vai sát cánh với nhau, khi đó trở thành nỗi “hắc ám” của đời hắn. Một vài đàn em, vì tỏ ra thân mật với hắn mà bị sếp “đì” cho tối mày tối mặt. Những đàn em khác của hắn dù có yêu quí hắn đi chăng nữa nhưng vì tương lai của họ, phải tỏ ra xa lánh hắn, thỉnh thoảng thậm thụt báo cho hắn tin này, tin khác khi có ai đó định làm gì hắn.

Một lần nữa, hắn lại là hiện thân của sự xui rủi.

Một hôm, có một cháu bé nhập viện. Cháu bị u nội tủy, một căn bệnh mà hắn đã mổ thành công hàng trăm ca. Nhưng lần này, cháu bé bị một khối u lớn, trải ra hết chiều dài của tủy. U dài như thế này thì thật là hiếm, chỉ có vài chục ca được báo cáo trong y văn thế giới. Hắn nghiên cứu kĩ ca bệnh, tham khảo ý kiến của các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong việc này ở Nhật, Mỹ, Ý… và hắn quyết định mổ. Các đàn anh tốt bị hắn thuyết phục, tin tưởng và ủng hộ hắn, một số đàn em cũng ủng hộ hắn, sếp “hắc ám” lại đang đi vắng. Hắn vạch ra kế hoạch, sau mổ bệnh nhân sẽ bị liệt, đến ngày nào thì hồi phục cái gì, chăm sóc ra sao… Một ê kíp được lập ra. Cuộc mổ diễn ra đúng như hắn mong đợi. Ba ngày đầu, mọi việc diễn ra đúng kế hoạch. Có người còn khen ngợi hắn quá giỏi, dự kiến được cả diễn biến sau mổ một cách cực kì chính xác. Ngày thứ tư sếp “hắc ám” về, toàn bộ ê kíp của hắn tan rã. Không còn ai dám phụ giúp hắn theo dõi bệnh nhân, cũng chẳng ai dám gọi điện cho hắn khi có vấn đề gì. Một mình hắn phải theo dõi bệnh nhân, bỏ hết phòng mạch, vợ, con. Đến tối ngày thứ ba sau khi sếp về, hắn có việc phải ra ngoài khoảng 3 giờ. Hắn không thể ngờ rằng mấy giờ đồng hồ đó đã xoay chuyển cuộc đời hắn. Ban đầu là một sai sót ngớ ngẩn trong chăm sóc bệnh nhân, sau đó lại là sai lầm hết sức lố bịch trong xử trí. Đến khi hắn trở về thì phổi cháu bé đầy nước, khả năng thở lại bị giảm thêm do việc xử trí không đúng cách. Cháu bé ra đi.

Một lần nữa hắn trở thành tội đồ. Hắn là hiện thân của sự xui rủi.

Hắn xin nghỉ phép, không về nhà, bỏ luôn phòng mạch. Hắn lang thang. Gần một tháng sau hắn trở về. Sự tự tin trong hắn mất đi. Hắn không dám so sánh hắn với các đồng nghiệp nước ngoài. Hắn đã nhận thấy khoảng cách giữa Việt nam và các nước khác. Hắn đã thấy cái giới hạn mà hắn không thể vượt qua.

Thời gian qua đi, cái máu Paven lại sôi lên trong người hắn. Hắn lại tìm cách để vượt qua cái giới hạn mà hắn đã không thể vượt qua. Hắn đi đến kết luận phải xây dựng cho được một nơi mà ở đó ai cũng phải thấy rằng mình có thể làm được những gì mà người khác có thể làm, ở đó mọi việc phải có qui trình, không thể chấp nhận những sai sót ngớ ngẩn, những sai lầm lố bịch, không thể chấp nhận những cái chết lãng nhách, những biến chứng lãng xẹt… Hắn nghỉ việc, lập ra một nhóm riêng. Hắn đã thành công, thành công nhanh hơn nhiều so với những gì hắn mong đợi.

Nhưng rồi một ngày kia, những khó khăn xuất hiện. Sự cạnh tranh cùng những đòn chơi xấu của các đồng nghiệp – đối thủ đã chồng thêm khó khăn cho hắn. Các giới hạn lại xuất hiện. Đã có lúc hắn nghĩ đến việc buông xuôi, chấp nhận rằng ở xứ sở này chỉ có thế mà thôi, muốn làm gì hơn thì phải ra nước ngoài. Nhưng cái máu Paven hình như không thể thoát ra khỏi hắn, hắn cứ loay hoay, loay hoay nghĩ cách vượt qua các giới hạn, mặc cho “con tạo xoay vần”.

Đã ngoại ngũ tuần rồi, không biết khi nào thì hắn tìm ra, khi nào thì hắn dừng lại.

Theo Trung Dũng.