Mổ bắt con rồi mổ cứu mẹ

Đọc câu chuyện về ca mổ bắt con rồi mổ cứu mẹ ở bệnh viện Chợ rẫy mới đây, tôi nhớ đến một ca mổ tương tự của mình, cũng tại bệnh viện Chợ rẫy, khoảng hơn 20 năm trước.

Một phụ nữ mang bầu rất lớn, đi xe gắn máy trên đường, bị kẻ cướp giật túi xách, đạp té xe. Nạn nhân té xuống đường và hôn mê luôn, được người đi đường đưa đến bệnh viện gần đó và được chuyển đến bệnh viện Chợ rẫy khoảng 7 giờ tối, gọi là vô danh vì bệnh nhân hôn mê và không có thân nhân.

Bệnh nhân hôn mê sâu, chiều cao từ cung cho thấy đã đến ngày sinh, tim thai còn tốt. Đồng tử của bệnh nhân đã giãn khá lớn, một bên mất phản xạ ánh sáng, bên kia phản xạ đã rất yếu. Mạng sống của bệnh nhân phụ thuộc vào từng phút cấp cứu. Sau khi thăm khám sơ bộ, chúng tôi gọi ngay cho bệnh viện Hùng Vương hỗ trợ. Khác với qui trình hội chẩn thông thường, các bác sĩ trao đổi trực tiếp với nhau, và bệnh viện Hùng Vương quyết định đưa qua một ê kíp cùng phương tiện đủ khả năng mổ bắt con luôn.

Khi bệnh nhân vừa từ phòng chụp CTScan về, các chị điều dưỡng chia nhau, người cạo tóc, người cạo lông, người lấy máu thử xét nghiệm. Bác sĩ vừa ra y lệnh miệng, vừa ghi hồ sơ. Khi nhóm bác sĩ và nữ hộ sinh của bệnh viện Hùng Vương tới nơi, chỉ sau vài phút thăm khám, chúng tôi quyết định mổ bắt con ngay và sau đó sẽ mổ cứu mẹ. Bệnh nhân bị khối máu tụ ngoài màng cứng khá lớn, do chấn thương sọ não, chảy máu bên trong sọ gây ra.

Bệnh nhân được đưa lên bàn mổ. Sau khi được chích thuốc dẫn mê, các bác sĩ sản khoa rạch bụng và bắt con ra, toàn bộ thao tác chỉ trong vòng vài phút. Lúc cháu bé cất tiếng khóc cũng là lúc các bác sĩ gây mê tiêm thuốc mê cho mẹ cháu. Chúng tôi nhanh chóng cố định đầu bệnh nhân. Khi các bác sĩ sản đang đóng tử cung thì chúng tôi đã bắt đầu rạch da đầu. Khoảng 5 phút sau, lỗ khoan sọ đầu tiên hoàn tất. Những cục máu tụ bên trong trào ra qua lỗ khoan sọ với áp lực rất mạnh.

Chúng tôi dùng ống hút hút bớt máu tụ qua lỗ khoan sọ. Việc làm này nhằm làm giảm áp cho não ngay lập tức, vì nhanh thì cũng phải 20 phút sau mới mở sọ ra được, khi đó có thể đã là quá muộn. Tuy nhiên, động tác hút này có thể gây nguy hiểm, nếu gây chảy máu thì khó mà có thể cầm máu qua lỗ khoan nhỏ bằng đầu ngón tay. Qua lỗ khoan sọ, chúng tôi thấy khối máu tụ bên trong bắt đầu đập. Vậy là bệnh nhân sống rồi. Khi đó, các bác sĩ sản khoa đang hoàn tất cuộc mổ. Cháu bé cũng đã được các cô nữ hộ sinh đưa về bệnh viện Hùng Vương.

Lúc bấy giờ chúng tôi mới có thể làm từ từ, quay trở lại cầm máu da đầu kĩ, rồi khoan thêm các lỗ sọ khác, cưa sọ, mở sọ, lấy hết máu tụ, cầm máu, đặt lại mảnh sọ và đóng lại vết mổ.

Khi mổ bắt con, nếu gây mê sâu cho người mẹ, thuốc mê sẽ ảnh hưởng đến con, khi chào đời, cháu bé không khóc được, tức là không thở được theo cách tự nhiện, điều này sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này của cháu. Do vậy, thường sau khi bắt con ra mới được chich thuốc mê có khả năng gây ức chế hô hấp cho người mẹ.

Xương sọ tạo thành một cái hộp. Thể tích cái hộp này là cố định. Trong hộp sọ có não, dây thần kinh, nước não tủy và các mạch máu. Nếu bị chảy máu trong sọ, khối máu tụ chiếm mất một phần thể tích, não và các cấu trúc bị đẩy lệch hoặc chèn ép. Thời gian chịu đựng của não đối với việc chèn ép rất hạn chế, chậm vài phút thôi có thể sẽ để lại di chứng vĩnh viễn hoặc gây chết người. Vì vậy, khi mổ chấn thương sọ não, người ta phải tìm cách làm sao nhanh chóng nhất giảm bớt áp lực chèn ép lên não bộ.

10 giờ đêm, ca mổ hoàn tất. 6 giờ sáng hôm sau, bệnh nhân tỉnh. Bệnh nhân cho biết, do sắp đến ngày dự sanh, bệnh nhân đi làm về buổi cuối cùng trước khi nghỉ sanh thì bị cướp. Sau đó bệnh nhân không nhớ gì nữa.

Và thật bất ngờ: bệnh nhân là một bác sĩ sản khoa, học cùng trường, cùng năm với tôi, làm việc tại khoa sản của một bệnh viện trong cùng một quận với bệnh viện Chợ rẫy và bệnh viện Hùng Vương. Chấn thương và quá trình mang thai làm cho tôi không còn nhận ra, đó là bạn mình.

Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn