Vì sao người Việt Nam thích ra nước ngoài khám chữa bệnh

nguoi

“Tôi đã từng gặp những bệnh nhân đã được mổ nội soi cột sống ở nước ngoài nhưng khi nhìn vết mổ thì thấy không phải mổ nội soi. Người bệnh vẫn đoan chắc rằng mình được mổ nội soi. Trong khi tôi biết rõ ở nuớc đó họ vẫn chưa thực hiện được kĩ thuật mổ nội soi nói trên.”

Là một người thường xuyên gặp các trường hợp bệnh nhân muốn ra nước ngoài chữa trị cũng như các trường hợp đã từng chữa trị ở nước ngoài trở về, giống như các bác sĩ Việt nam tâm huyết khác, tôi rất bức xúc khi nghe những thông tin người này người khác phải ra nước ngoài, thường là Singapore, chữa trị bệnh trong khi những bệnh lí đó nằm trong tầm tay của các bác sĩ Việt nam, thậm chí, trong một số trường hợp, khả năng của các bác sĩ Việt nam còn cao hơn so với các bác sĩ Singapore hoặc một số nước khác mà người Việt nam thường qua chữa bệnh.

Tuy nhiên, bình tĩnh nhìn lại thì thấy chúng ta còn rất nhiều vấn đề làm cho người bệnh không thể yên tâm, phải ra nước ngoài chữa bệnh.

Mặc dù chúng ta có nhiều bác sĩ giỏi, có thể nói là nhiều bác sĩ còn giỏi hơn cả các bác sĩ nước ngoài thường xuyên khám chữa bệnh cho người Việt nam nhưng chất lượng các bác sĩ của chúng ta không đồng đều, và cũng không có chuẩn nào để đánh giá ai giỏi ai không giỏi. Bệnh viện Chợ rẫy là nơi có nhiều bác sĩ rất giỏi, được các bác sĩ ở các nước phát triển đánh giá rất cao. Thế mà ngay tại đó đã có người không phải là bác sĩ, làm việc của bác sĩ cả chục năm mà chỉ bị phát hiện khi vợ anh ta tố cáo. Tại thành phố Hồ Chí Minh đã từng có người không phải bác sĩ, chỉ là giả danh bác sĩ, nhưng lại được làm bác sĩ trưởng khoa, lại còn có bằng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II. Chúng ta không có một qui chuẩn nào để đánh giá các bác sĩ, cho nên thật giả lẫn lộn, không thể biết ai là người có khả năng, ai không có, người bệnh không biết tin vào ai, đành phải tin vào nơi có nền kinh tế phát triển hơn.

Là một bác sĩ, tôi phải thừa nhận rằng đa số các bác sĩ của chúng ta không có khả năng giao tiếp tốt với người bệnh, không tạo cho người bệnh một niềm tin đủ để họ giao phó tính mạng cho mình. Ngoài ra, tàn dư của cái thời xin – cho vẫn còn nên nhiều bác sĩ không thật sự quan tầm đến nhu cầu chính đáng của người bệnh, không giải thích kĩ lưỡng, không dành thời gian trả lời các thắc mắc của người bệnh, không thể hiện cho người bệnh thấy sự quan tâm của mình. Người bệnh luôn có cảm giác mình bị bỏ rơi, đặc biệt là rất hoang mang, không biết tình trạng bệnh thật sự của mình ra sao. Ở Singapore và các nước phát triển khác, họ làm việc này tốt hơn chúng ta rất nhiều.

Tôi đã từng đến các bệnh viện nước ngoài, kể cả những bệnh viện mà người Việt nam thường đến khám chữa bệnh, cơ sở vật chất của họ so với một số bệnh viện của chúng ta hiện nay đôi khi không hơn nhiều nhưng rất khang trang và đặc biệt là rất sạch. Người ta không sợ bị lây bệnh như khi đến các bệnh viện công nổi tiếng ở trong nước luôn đặc nghẹt người, đầy mùi hôi, rác và nhiều khi có cả chuột, gián và ruồi nhặng…

Đi sâu vào hoạt động chuyên môn của các bệnh viện nước ngoài, có một điều mà chúng ta còn phải học tập họ là việc đưa tất cả các công đoạn từ tiếp nhận bệnh nhân đến việc tổ chức khám chữa bệnh, theo dõi sau khi xuất viện… vào qui trình, không để xảy ra hiện tượng “nhớ nhớ quên quên”, tránh tối đa các trường hợp sai sót “lãng nhách”. Ngoài ra, dù các bác sĩ của các bệnh viện nước ngoài không xuất sắc nhưng hệ thống của họ rất hoàn chỉnh, từ khám, chữa, mổ, xạ trị, vật lí trị liệu, tư vấn tâm lí… nên kết quả chữa bệnh thường đạt được ở mức tối đa.

Và một lĩnh vực rất quan trọng mà các bệnh viện của chúng ta thua kém các bệnh viện nước ngoài là công tác tiếp thị. Ở các nước phát triển, công tác tiếp thị của các bệnh viện được các bộ máy chuyên nghiệp thực hiện. Họ thông tin đến người bệnh những gì bệnh viện làm được và cả những gì họ sắp làm được. Những thông tin mang tính chuyên nghiệp đó tạo lòng tin nơi người bệnh rất nhiều. Công nghệ đánh bóng tên tuổi các bác sĩ của họ cũng rất “chuyên nghiệp”, người bệnh luôn thấy mình được các bác sĩ thuộc hàng “cao thủ” chữa trị. Bộ máy truyền thông ở các nước đó cũng hỗ trợ rất nhiều cho các bệnh viện trong công tác tiếp thị.

Chúng ta có một lợi thế mà không bệnh viện nào ở nước ngoài có được, đó là ngôn ngữ. Nhiều Việt kiều ở nước ngoài về Việt nam chữa bệnh, trong đó có nhiều người có đủ khả năng kinh tế hoặc có bảo hiểm ở nước ngoài nhưng vẫn về Việt nam chữa bệnh chính là do vấn đề này. Đây cũng chính là khó khăn của đại đa số người bệnh Việt nam khi ra nước ngoài chữa trị bệnh. Bản thân tôi đã từng gặp những bệnh nhân đã được mổ nội soi cột sống ở nước ngoài nhưng khi nhìn vết mổ thì thấy không phải mổ nội soi. Người bệnh vẫn đoan chắc rằng mình được mổ nội soi. Trong khi tôi biết rõ ở nuớc đó họ vẫn chưa thực hiện được kĩ thuật mổ nội soi nói trên. Khi hỏi ra mới biết ban đầu họ định mổ nội soi (nếu thực hiện được sẽ là ca đầu tiên), nhưng khi và cuộc mổ, do khó khăn quá nên chuyển sang mổ vi phẫu, tuy nhiên, do rào cản về ngôn ngữ nên người bệnh cứ tin chắc rằng mình được mổ nội soi. Trường hợp này, người bệnh tốn rất nhiều tiền nhưng lại trở thành mục tiêu để cho người ta tập mổ mà vẫn đinh ninh rằng mình đã được một “đại cao thủ” mổ. Đã có những vận động viên, những ca sĩ, những người khá giả của Việt nam ra nước ngoài chữa bệnh và được áp dụng những biện pháp chữa bệnh không thật sự tiên tiến, kết quả không được tốt, thậm chí có những biến chứng mà các bác sĩ Việt nam rất ít khi gặp phải, nhưng người bệnh vẫn không biết đầy đủ vấn đề của mình, vẫn tin tưởng vì thấy rằng các bác sĩ và nhân viên y tế đã làm đầy đủ những việc cần thiết, không thể trách cứ họ được.

Nếu các bác sĩ Việt nam không nhìn nhận đúng những điểm còn yếu của mình, chỉ so sánh về khả năng mổ, số lượng mổ mà quên mất tính tổng thể của điều trị, nếu các nhà đầu tư Việt nam không thể có cái nhìn đúng mức về đầu tư y tế, đừng “bóc ngắn cắn dài” như vẫn làm, nếu các nhà quản lí không tạo ra các mô hình quản lí theo qui trình, đánh giá khả năng khám chữa bệnh qua hiệu quả điều trị, nếu hệ thống truyền thông không thay đổi tư duy phân biệt công – tư khi đưa các thông tin y tế vào kênh chính thức, và, nếu như các “nhà” này và các bác sĩ, nhân viên y tế của chúng ta không thể ngồi lại với nhau, tạo thành một tập thể có sức gắn kết cao thì người bệnh Việt nam vẫn cứ đi ra nước ngoài chữa trị, ngành y tế Việt nam vẫn cứ “vô hình” trong tâm niệm của một bộ phận dân cư Việt nam, và một vài bác sĩ của Việt nam vẫn mãi chỉ là những đốm sáng le lói trên bản đồ y tế thế giới.

Theo : TS.BS Võ Xuân Sơn