Chuyện như đùa

Bệnh nhân quen với bác sĩ giám đốc bệnh viện. Bác sĩ giám đốc cho nhập viện mổ. Phẫu thuật viên khám xong, khuyên bệnh nhân không nên mổ và cho bệnh nhân về. Vài ngày sau, bác sĩ giám đốc lại cho nhập viện để mổ, bác sĩ phẫu thuật viên lại khuyên bệnh nhân không nên mổ, vì cuộc mổ sẽ không mang lại được điều người bệnh mong muốn, nguy cơ tai biến cao, chi phí lớn trong khi bệnh nhân nghèo. Bệnh nhân đưa ra một lá đơn, tha thiết yêu cầu được mổ. Cân nhắc thiệt hơn, thuyết phục nhiều lần, bệnh nhân đồng ý đi về, không mổ. Vài ngày sau, bác sĩ giám đốc đưa cho bác sĩ phẫu thuật viên một lá đơn mới, trong đó, ngoài việc tha thiết yêu cầu được mổ còn nói nếu không được mổ sẽ tự tử chết. Bác sĩ giám đốc yêu cầu bác sĩ phẫu thuật viên xem xét và mổ cho bệnh nhân, vừa là chỗ quen biết của giám đốc, vừa là người đã từng tự tử vì bệnh. Bệnh nhân bị vẹo cột sống tới 110 độ, yếu nhiều hai chân, không còn đi được. Bệnh nhân muốn được nắn thẳng cột sống nhưng bác sĩ phẫu thuật viên nói không thể nắn thẳng được, chỉ nắn được chừng nào hay chừng đó, ngoài ra còn có khả năng liệt luôn và chết người. Bệnh nhân chấp nhận tất cả, lại còn đưa ra một lá thư thứ ba, tha thiết yêu cầu mổ, chấp nhận bất cứ rủi ro nào. Bệnh nhân nghèo, số tiền chỉ có đủ để mua dụng cụ và thuốc thôi. Bác sĩ giám đốc bảo nếu không mổ thì bệnh nhân tự tử chết rồi thì mình lại ân hận. Vậy là bác sĩ phẫu thuật viên quyết định mổ, miễn phí hoàn toàn tiền mổ, chăm sóc, tất tần tật, lại còn bỏ tiền ra mua cơm cho bệnh nhân ăn.

Mổ xong, độ vẹo giảm hơn một nửa, còn 50 độ, bệnh nhân tự đi được (thành công ngoài dự đoán). Bệnh nhân đến gặp bác sĩ phẫu thuật viên, đòi phải bồi thường tiền cho bệnh nhân vì cột sống không thẳng như bệnh nhân muốn. Đưa các cam kết của bệnh nhân ra, bệnh nhân cho rằng cam kết là cam kết, còn bệnh nhân cứ nghĩ mổ xong là phải thẳng như người mẫu, và đó là cái lí để bệnh nhân đi kiện. Bệnh nhân kiện lên trên. Trên xuống kiểm tra, bác sĩ phẫu thuật viên làm đúng, qui trình đúng, lại còn mổ từ thiện. Nhưng có một chỗ hơi có vấn đề tí chút, đó là bác sĩ giám đốc quyết định vẫn thu tiền phòng và các khoản khác của bệnh nhân (chỉ không thu những gì mà bác sĩ phẫu thuật viên và cộng sự lẽ ra được hưởng thôi). Cũng may là quá trình điều tra của cấp trên còn cho thấy một chuyện khác: bác sĩ giám đốc xúi bệnh nhân đi kiện bác sĩ phẫu thuật viên. Ô hô, chuyện nghe như đùa. Không đùa đâu, thật đấy. Thì ra tao là giám đốc, bảo mày mổ mà mày cứ nói ngược, cho mày biết tay tao. Mổ tốt cũng biến thành xấu, từ thiện cũng phải nộp tiền. Sau khi chuyện này lộ ra, bệnh nhân tự động nộp đơn bãi nại, rút lại đơn kiện. Câu chuyện pháp lí chấm dứt nhưng dư âm của nó lại là rất đắng: bác sĩ phẫu thuật viên ra đi.

Một tháng sau, bác sĩ phẫu thuật viên lại bị kiện. Lần này là một bệnh nhân khác, bị một căn bệnh khó, khả năng mổ thành công rất thấp, khả năng tai biến do mổ rất cao. Sau nhiều lần giải thích, bệnh nhân dứt khoát chọn giải pháp mổ, vì nếu không mổ thì chắc chắn sẽ liệt, mổ thì dù có ít hi vọng nhưng vẫn có. Sau mổ bệnh nhân khá hơn, nhưng nửa năm sau lại xấu trở lại, đến 3 năm sau lần mổ đầu thì bệnh nhân yếu nhiều, tha thiết yêu cầu mổ lần hai. Lại một quá trình giải thích. Bệnh nhân kí đủ các cam kết, kể cả cam kết rằng chính bệnh nhân biết là khả năng hồi phục rất thấp, khả năng tai biến rất cao nhưng vẫn đồng ý mổ. Không phải “đồng ý” đâu, năn nỉ bác sĩ mổ đấy. Cũng giống như lần trước, mổ xong thì khá, một năm sau lại xấu lại. Quay qua đòi bác sĩ bồi thường. Chuyện như đùa, nhưng mà không đùa, vì có nhiều người tham gia vào. Lại thanh tra, kiểm tra. Cái gì cũng đúng, qui trình, kĩ thuật, pháp luật… đúng tuốt. Nhưng mà cái thằng này có nhiều đơn kiện quá, hình như nó còn có cả cái đơn nặc danh nữa cơ đấy. Thế là phải thanh tra toàn bộ, quét nhà thế nào cũng phải ra rác. Rồi cũng tìm được một vài hạt li ti, dù không ai dám chắc đó là bụi nhưng vẫn phải gọi nó là rác.

Lần này thì câu chuyện như đùa nghiêm túc hơn nhiều, nguyên một bộ máy nhà nước, cơ quan báo chí lùng sục vào. Vậy thì ai đứng đằng sau? Chắc phải là một ông giám đốc to hơn nữa, có quyền hơn nữa. Họ có nhìn thấy sự việc không? Chắc là họ không mù. Họ có còn tôn trọng pháp luật không khi mà lá đơn được gởi vào thời điểm hết hạn khiếu kiện theo luật định nhưng họ vẫn cứ thanh tra, kiểm tra. Câu chuyện còn lớn hơn khi họ bảo bệnh nhân đòi 800 triệu đấy, lo mà thương lượng đi. Tống tiền một cách minh bạch.

Vậy là mày có tội rồi, nhưng mà tội gì? Chắc chắn là mày có tội, cái tội hiển nhiên là mày có lòng trắc ẩn. Dẹp cái y đức dỏm của mày đi. Cái nào ngon ăn thì mổ kiếm tiền, cái nào không ngon, có nguy cơ gì đó thì kệ mẹ nó, sống chết có số, mắc gì mà mày phải trắc ẩn, làm như mày là thánh mà phải cảm thấy có trách nhiệm với những chuyện đau khổ của người khác. Có lẽ tội lớn nhất của mày là học hành nhiều quá, làm được nhiều thứ quá, tiếng của mày to quá, lại còn dám tự nhận là giỏi nữa. Ở cái xứ này không ai được như thế cả, tầm tầm thì sống khỏe. Chưa biết chừng vài bữa nữa lại có cái đơn kiện nặc danh về tội chống phá chế độ là bỏ mẹ mày.

Ở bệnh viện nhà nước, không tranh hơn, không đua chạy chức chạy quyền. Ra ngoài tư nhân cũng chẳng êm đềm gì, nhưng vẫn còn tạo được cho mình một chỗ đứng. Bây giờ thì người ta quyết đánh không tha. Đây có phải đặc trưng của cái xã hội này không? Không lẽ không còn chỗ cho sự yên bình ở cái xứ sở này nữa hay sao? Chưa đủ nhẫn hay là đã quá nhu nhược?

Theo : Trung Dũng