Nỗi buồn oan nghiệt

buon

Là thầy thuốc, chữa bệnh cho bệnh nhân, khi bệnh nhân hết bệnh thì phải mừng chứ. Thế mà lại không vui, thế có đáng là một thầy thuốc hay không?

Nói cho đúng thì vui chứ. Mình chữa và bệnh nhân hết bệnh thì vui chứ sao mà không vui được, có là cầm thú thì cũng phải vui vì dù sao đó cũng là thành quả, công sức của mình mà. Nhưng trong cái vui lại có một nỗi buồn, không biết cái nào lớn hơn cái nào. Vui là mình đã làm được một việc mà từ đó dẫn đến một kết quả không ngờ, dù rằng kết quả đó không hoàn toàn là do mình làm nên. Nhưng buồn một nỗi là không ai hiểu được công lao của mình. Tuy vậy, nỗi buồn đó cũng chỉ nhỏ thôi, nỗi buồn lớn hơn, oan nghiệt là khi nghe câu nói “không tin được các bác sĩ Việt nam” được chính bệnh nhân của mình nói ra.

Có một bệnh nhân trẻ tuổi tên là N.Q.A.Đ, ngụ ở quận Bình Tân, đến khám tại EXSON với một khối u có hai phần, phần trong ống sống chèn ép vào tủy và phần bên ngoài cột sống, trong trung thất, chèn ép các cơ quan trong lồng ngực. Y học gọi các khối u loại này là u hình quả tạ đôi hoặc hình đồng hồ cát, đa số các u hình dạng như thế này là u lành tính. Khối u của bệnh nhân nói trên đã hủy hết một đốt sống, chèn ép vào tủy gây thương tổn cho tủy sống. Bệnh nhân N.Q.A.Đ đã bị liệt hai chân, không còn có thể đi được. Tuy nhiên, phản xạ tủy của bệnh nhân N.Q.A.Đ cho thấy tủy sống vẫn còn cơ may phục hồi nếu được mổ giải phóng tủy khỏi khối u. Hình ảnh khối u cho thấy đây có thể là một khối u ung thư hoặc khối u kèm với viêm. Tuy nhiên, hình ảnh chỉ là gợi ý, các xét nghiệm gì đó cũng chỉ là gợi ý, muốn kết luận chính xác ung thư thì phải mổ ra, lấy khối u đi thử giải phẫu bệnh mới có kết quả chính xác. EXSON đã tiến hành mổ cho bệnh nhân N.Q.A.Đ, lúc đó trung tâm EXSON đặt tại bệnh viện Hồng Đức nên cuộc mổ được tiến hành tại bệnh viện Hồng Đức.

Với loại u hình quả tạ đôi hoặc hình đồng hồ cát này, hầu hết trên thế giới và ở Việt nam đều mổ làm hai lần, lần đầu lấy phần u trong tủy sống, lần sau lấy khối u trong trung thất. Có một số bác sĩ trên thế giới mổ lấy cả hai phần u trong một lần nhưng bằng hai đường mổ: mổ vào cột sống và mổ vào ngực. Riêng BS. Xuân Sơn đã có một nghiên cứu có thể mổ lấy cả hai phần u trong cùng một lần mổ chỉ với một đường mổ gọi là “đường mổ bên ngoài khoang – lateral extracavitary approach”. Đã có khoảng 30 ca được BS. Xuân Sơn mổ thành công với kĩ thuật này. Các bác sĩ khác ở bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã áp dụng đường mổ này và đã mổ một số ca khác thành công. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân N.Q.A.Đ do nghi ngờ là ung thư, khối u bắt thuốc mạnh cho thấy mức độ chảy máu rất nhiều, ngoài ra lại bị hủy mất một đốt sống nên chúng tôi quyết định mổ làm hai lần, lần đầu chỉ mổ lấy phần u trong ống sống để giải ép tủy kịp thời, đồng thời ghép xương và đặt dụng cụ (cố định nẹp và vít vào cột sống) để sau này bệnh nhân có thể ngồi, đi đứng được. Sau cuộc mổ lần đầu, khi bệnh nhân hồi phục được và nếu kết quả giải phẫu bệnh phù hợp sẽ tiến hành cuộc mổ thứ hai lấy phần u trong trung thất, cuộc mổ này đi qua đường ngực trong khi cuộc mổ trước đi vào cột sống. Tất cả những gì chúng tôi dự định làm đều được bàn bạc với gia đình đến mức chi tiết. Đây cũng chính là điều khác biệt của EXSON. Về vấn đề nghi ngờ ung thư thì có thể bản thân bệnh nhân N.Q.A.Đ không được biết từ trước khi mổ chứ người nhà chắc chắn là được biết. Kế hoạch mổ cái gì trước, cái gì sau, dự hậu của cuộc mổ đều được thông báo cho gia đình bệnh nhân. Khi mổ xong, chúng tôi gửi khối u tới hai phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để so sánh kết quả. Thật đáng buồn là kết quả giải phẫu bệnh lại cho thấy đây là khối u ác tính, rất ác tính. Người nhà bệnh nhân N.Q.A.Đ có đặt vấn đề mổ tiếp lần thứ hai để lấy khối u trong trung thất nhưng do cuộc mổ trước mới xong, bệnh nhân còn chưa kịp hồi phục và kết quả giải phẫu bệnh là loại u ác tính như vậy, đồng thời, kết quả chụp MRI kiểm tra cho thấy mặc dù khối u được lấy đi, tủy được giải phóng nhưng mô xung quanh vẫn phù nề rất nhiều làm hẹp ống sống nên chúng tôi khuyên gia đình đưa bệnh nhân N.Q.A.Đ sang bệnh viện Chợ Rẫy hoặc bệnh viện Ung Bướu để xem có thể điều trị hóa trị hoặc xạ trị xong rồi hãy đặt vấn đề tiến hành mổ cuộc mổ thứ hai. Sau đó bệnh nhân N.Q.A.Đ không trở lại. Chúng tôi có gọi điện hỏi thăm thì được biết bệnh nhân N.Q.A.Đ đã đi Thái Lan để chữa trị.

Vài năm sau, tình cờ chúng tôi được xem một đoạn video nói về trường hợp của bệnh nhân N.Q.A.Đ Sau khi biết cháu mình bị ung thư, dì của bệnh nhân N.Q.A.Đ đã cầu Đức Phật Quan Âm, trì chú Đại Bi. Và khi sang đến Thái lan, các xét nghiệm đã không còn là ung thư nữa. Các bác sĩ Thái Lan đã mổ và lấy hết các khối u cho người bệnh. Hai năm sau, khi đoạn video nói trên được ghi hình, bệnh nhân N.Q.A.Đ đã hồi phục hoàn toàn, chơi thể thao được. Mục tiêu của đoạn video trên không nhằm chỉ trích hay phê phán ai mà chỉ muốn nói về sự nhiệm màu của trì chú Đại Bi. Nếu chỉ có vậy thì thật là mừng cho cháu N.Q.A.Đ mà không có chút buồn nào. Tuy nhiên, câu chuyện được kể lại có phần không giống với thực tế. Khi dì của bệnh nhân N.Q.A.Đ nói rằng bác sĩ của EXSON giấu không cho gia đình biết bệnh, và khi qua Thái Lan thì các bác sĩ Thái Lan nghi ngờ gì đó với các bác sĩ Việt Nam và sau đó là những lời khẳng định các bác sĩ Thái Lan giỏi quá cho thấy một lời trách móc đối với các bác sĩ Việt Nam, mặc dù sự thực là chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn và chi tiết với người nhà và chúng tôi luôn tìm cách diễn đạt một cách dễ hiểu nhất. Nhận lời trách móc thì buồn nhưng cũng không buồn lắm vì trong đó vẫn còn một chút yêu thương. Nhưng khi bản thân bệnh nhân N.Q.A.Đ nói rằng không thể tin được các bác sĩ Việt Nam thì thật là buồn, oan nghiệt thật. Mình đã làm hết sức mình, và làm đúng nhưng lại bị trách và bị bài bác. Nếu không giải ép tủy thì làm sao mà bệnh nhân N.Q.A.Đ lại có thể hồi phục được, đi được trước khi mổ cuộc mổ lần thứ hai (tại Thái Lan). Khi nghe đến đoạn các bác sĩ Thái Lan dự định mổ lấy xương chậu lên ghép vào cột sống cho bệnh nhân chúng tôi hơi ngạc nhiên vì đấy là việc chúng tôi đã làm rồi, chỉ khác là chúng tôi không làm bằng xương chậu mà lấy ngay xương còn lại của đốt sống và cắt một đoạn xương sườn ngay tại chỗ để ghép. Tuy nhiên đến đoạn sau thì chúng tôi hiểu, có lẽ các bác sĩ Thái Lan xem không kĩ hoặc không đánh giá hết được cuộc mổ trước, hoặc cũng có thể có tâm lí coi thường bác sĩ Việt Nam nên cho rằng cần phải làm lại toàn bộ. Chỉ đến khi vào cuộc mổ mới biết rằng mọi việc đã được giải quyết, chỉ còn mỗi việc là bóc đi các khối u ở trung thất mà thôi. Thế cho nên mới có chuyện dự kiến mổ 8 giờ mà chỉ mổ có 2 giờ rưỡi, dự kiến mổ lấy xương chậu lên ghép nhưng lại không lấy mà bệnh nhân vẫn hồi phục, đi lại được, chơi thể thao được. Ngoài ra, việc bệnh nhân N.Q.A.Đ hiện có thể đi lại và chơi thể thao được là do việc ghép xương và hệ thống nẹp vít mà chúng tôi mổ đặt vào cột sống của bệnh nhân, thế nhưng khi được hỏi cột sống bây giờ thế nào, bệnh nhân N.Q.A.Đ đã nói rằng cột sống bình thường, chỉ bị hơi gù do cuộc mổ đặt nẹp vít của chúng tôi mang lại với một hàm ý cho rằng đó là một khuyết tật do chúng tôi gây ra. Thật lòng đó là sự phũ phàng mà chúng tôi phải chấp nhận. Không biết khi mình dự đoán cái gì thì đúng cái đó, sự việc diễn ra đúng như thế là giỏi hay mình dự đoán một đằng mà diễn tiến lại theo một nẻo khác là giỏi? Người dự đoán mổ như thế nào, làm cái gì, thời gian mổ là bao lâu, mổ xong bao lâu mới có thể hồi phục (về mặt thần kinh, tức là khả năng đi lại) và mọi thứ đều diễn tiến đúng như thế có đáng tin hay không? Hay là tin vào người dự đoán trật tới hơn 300%? Nếu không tin một bác sĩ nào đó, ví dụ có thể nói BS. Xuân Sơn dốt lắm, vô lương tâm lắm… thì cũng chấp nhận được, chứ nói không thể tin được các bác sĩ Việt Nam thì đấy là điều sỉ nhục cho các bác sĩ Việt Nam và là quốc nhục. Thật là oan nghiệt.

Tuy nhiên, có một điều kì diệu là bệnh nhân N.Q.A.Đ đã hết được bệnh ung thư. Rõ ràng là hình ảnh cũng cho thấy là ung thư, kết quả giải phẫu bệnh cho thấy là ung thư và hình ảnh giải phẫu bệnh hiện nay vẫn còn lưu lại. Mọi người đều cho là do trì chú Đại Bi. Tôi không theo tôn giáo nào, tôi cũng không tin vào thần chú nhưng đúng là có nhiều trường hợp tôi được chứng kiến mà không thể giải thích được. Chẳng hạn như một người bệnh đã được chẩn đoán ung thư gan di căn vào cột sống, có đầy đủ các xét nghiệm, kể cả xét nghiệm giải phẫu bệnh khối u ở gan. Bệnh nhân được dự đoán sống trong khoảng 3 tháng nữa nhưng về nhà chờ hoài không chết mặc dù không điều trị gì, cũng chẳng trì chú gì, sau 4 năm bệnh nhân đến với EXSON. Lúc này bệnh nhân đã liệt hoàn toàn hai chân nhưng vấn đề chính là bệnh nhân rất đau. Khối u ở ống sống rất lớn, chén ép toàn bộ tủy sống gây hư tủy và hình ảnh cho thấy là khối u lành. Để giải quyết đau cho bệnh nhân, chúng tôi quyết định mổ lấy khối u trong ống sống cho bệnh nhân. Đúng như dự đoán, khối u được lấy ra là u lành, sau mổ bệnh nhân hết đau nhưng không thể hồi phục khả năng đi lại và tiêu tiểu. Tuy nhiên điều kì diệu là khi chụp lại gan, khối u ở gan cũng biến mất. Hiện nay bệnh nhân vẫn sống không đau, chỉ tiếc rằng bệnh nhân đã bị liệt và tiêu tiểu không hoàn toàn tự chủ. Câu chuyện của bệnh nhân này được chúng tôi kể cho những bệnh nhân khác nghe khi nghi ngờ họ bị ung thư. Tôi không dám chắc là gia đình của bệnh nhân N.Q.A.Đ có được nghe câu chuyện này hay không nhưng chúng tôi luôn luôn cho những người bệnh bị bệnh hiểm nghèo thấy rằng có những điều kì diệu, và điều kì diệu luôn có thể đến với bất cứ ai. Từ nay, câu chuyện của bệnh nhân N.Q.A.Đ sẽ được chúng tôi kể cho những người bệnh khác nghe với mong muốn mang lại cho họ niềm tin vào cuộc sống. Chỉ đáng buồn là chúng tôi không thể kể được hết câu chuyện mà phải cắt bỏ đi cái phần quốc nhục.

Theo : T.D