Thật đáng tiếc, Việt nam là một trong những môi trường mà người dân bắt buộc phải làm quen với lót tay. Không những thế, lót tay có khi còn được nâng lên tầm nghệ thuật.
http://docbao.vn/tin-tuc/05-04-2015/Chuyen-benh-nhan-dut-lot-bac-si-o-xu-nguoi/35/291261/
“Vilian Fischer là một trong những bác sĩ nổi tiếng nhất tại Slovakia. Là chuyên gia về tim, ông thực hiện ca ghép tim đầu tiên tại Slovakia vào năm 1998 và từng tranh cử tổng thống”, “Ông Valdis Zatlers, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình từng giữ chức tổng thống Latvia từ năm 2007 tới 2011”. Tất cả các nước được đề cập đến trong bài báo đều thuộc Liên Xô cũ, hoặc các nước XHCN Đông Âu.
Không biết độ chính xác của bài báo này tới đâu, nhưng không loại trừ có liên quan đến chính trị. Tại Leipzig, một thành phố thuộc Đông Đức, mặc dù tôi biết được những “tiểu xảo” để có thêm tiền từ BHYT, nhưng tất cả đều khẳng định không hề có lót tay. Hoặc mới tuần trước, đi ăn tối với một bác sĩ trưởng khoa CTCH của một bệnh viện Trường Đại học lớn tại Praha, Czeck, tôi được biết ở đó cũng có quá tải, nhưng ông bác sĩ đó cũng khẳng định không hề có lót tay.
Ở cả 2 nơi nói trên, lương của bác sĩ cao hơn nhiều so với những gì viết trong bài báo này. Như vậy, có thể nói nguồn gốc của việc bác sĩ nhận tiền của bệnh nhân như một khoản hối lộ bắt nguồn từ thu nhập thấp. Có thể nói vấn nạn lót tay cho bác sĩ không phải do ý thức hệ, mà do hậu quả của nó trên kinh tế và xã hội.
Tôi đã từng mổ cho một số người, gốc Việt hoặc dân bản địa da trắng, từ các nước Bắc Âu và Tây Âu, Mỹ, Canada, Úc… không thể chờ được lịch mổ dù họ có BHYT hoặc không phải trả tiền cho phẫu thuật tại nước mình. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi, tại sao họ không tìm cách lót tay để mổ sớm hơn, mà lại tới Việt nam, dù cho chi phí có rất rẻ nhưng về lí thuyết vẫn là nước chậm phát triển, để mổ?
Câu trả lời có lẽ là: ở những nước ấy, phần đông người dân và nhân viên y tế không có khái niệm lót tay, và nếu có muốn lót tay, họ cũng không biết phải làm như thế nào. Điều này có vẻ hợp lí, vì lần đầu, khi tôi biết là mình bị bắt buộc phải lót tay, tôi không biết phải làm sao để thực hiện hành vi ấy. Lần đầu tiên thực hiện hành vi lót tay, tôi hồi hộp muốn ngất xỉu. Và dần dần, cái xã hội mà trong đó, kĩ năng lót tay trở thành một chuẩn mực, dạy cho tôi quen với điều đó.
Thật đáng tiếc, Việt nam là một trong những môi trường mà người dân bắt buộc phải làm quen với lót tay. Không những thế, lót tay có khi còn được nâng lên tầm nghệ thuật.
Như vậy, muốn triệt tiêu nạn lót tay trong y tế, điều kiện cần là phải trả lương xứng đáng cho nhân viên y tế, muốn vậy thì khi định giá dịch vụ y tế, phải tính đến lương của nhân viên y tế trong đó. Và điều kiện đủ là phải xây dựng được một xã hội minh bạch, nơi mà người dân không có khái niệm về lót tay. Ngay cả khi người dân có muốn lót tay, họ cũng sẽ không biết phải làm như thế nào.
Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn