Thưởng Tết

Có vẻ như trong môi trường Việt nam, các nhà đầu tư y tế không hiểu được ngành y và không đủ sức chịu lỗ dài hơi thì nên chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực khác. Tư tưởng không có lãi thì không thưởng Tết không phù hợp với ngành này.

Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết là các doanh nhân lại bấn loạn lên vì thưởng Tết. Năm nay, mặc dù các thống kê của chính phủ cho thấy sự hồi phục ngoạn mục của nền kinh tế và mức độ tăng trưởng khá ấn tượng, tình hình thực tế có vẻ căng thẳng hơn so với các năm trước khi có tới hơn 60.000 doanh nghiệp chết hẳn, con số “ngắc ngoải” có lẽ không nhỏ hơn, số còn trụ được nhưng ngập trong nợ nần, hoặc không đòi được nợ chắc chắn rất lớn. Chỉ có một số ít doanh nghiệp là làm ăn có lãi.

Tư duy bao cấp vẫn đang tồn tại rất lớn trong một bộ phận dân cư, chính vì vậy mà đa số người lao động sẵn sàng thông cảm và chấp nhận thiệt thòi quyền lợi khi làm trong các cơ sở nhà nước nhưng lại không thể thông cảm cho chủ của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là y tế tư nhân. Từng quản lí một bệnh viện tư nhân, tôi phải nói với nhân viên rằng họ chính là người hưởng lợi từ bệnh viện chứ không phải chủ đầu tư. Là nhân viên, họ có việc làm, có lương, trong khi nhiều năm trời, tháng nào chủ bệnh viện cũng phải bỏ ra vài trăm triệu để bù lỗ cho bệnh viện, con số lỗ lên đến hàng chục tỉ. Ngày Tết, giữa tôi và chủ đầu tư bệnh viện đã có một cuộc tranh luận rất căng thẳng về vấn đề thưởng Tết. Chủ đầu tư cho rằng bệnh viện đang lỗ nặng, tại sao lại phải thưởng Tết. Còn tôi cho rằng quan điểm của nhân viên là họ phải có quyền lợi, việc lãi lỗ là của chủ đầu tư, nếu không đáp ứng được quyền lợi của nhân viên thì chúng ta mất người làm việc, và chẳng bao giờ thoát ra được khỏi tình trạng thua lỗ triền miên cả.

Theo qui định, thưởng là do doanh nghiệp quyết định và ngành thuế chỉ chấp nhận cho doanh nghiệp được phép thưởng nhân viên khi làm ăn có lãi. Nhưng người lao động thì không nghĩ như vậy, lãi lỗ là chuyện của chủ doanh nghiệp, Tết là phải có thưởng, và thưởng Tết phải là thưởng lớn nhất trong năm.

Đối với các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực dịch vụ y tế tư nhân, việc thu hút và giữ chân được các nhân viên giỏi (rất hiếm hoi trên thị trường lao động) là một yêu cầu bức thiết, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Đối với nhân viên y tế giỏi, môi trường làm việc và điều kiện để họ phát huy khả năng nghề nghiệp là yếu tố quan trọng và mang tính quyết định. Mặc dù lương và thưởng không phải là yếu tố quan trọng nhất đối với những người này nhưng rất cần thiết vì nó cho thấy chủ đầu tư có đánh giá và tôn trọng họ đúng mức hay không. Ngoài ra, nói gì thì nói, những nhân viên y tế giỏi rất xứng đáng và cần có được một cuộc sống ở mức tương đối tươm tất.

Những nhân viên y tế không được coi là giỏi cũng không phải dễ tìm. Mặc dù hiện nay số lượng điều dưỡng thất nghiệp rất cao nhưng tuyển được một điều dưỡng có thể làm việc được ngay là một việc vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là không tưởng. Tỉ lệ phỏng vấn và đạt ở chỗ chúng tôi khoảng 20/1, sau khi đạt phỏng vấn, kết thúc học việc và thử việc chỉ còn khoảng 1/3 là có thể làm việc được, tức là tỉ lệ thành công cho cả quá trình tuyển dụng, đào tạo là 1/60. Những người này có thể không được coi là giỏi trong các cơ sở y tế nhưng cũng không dễ tìm ra họ trên thị trường lao động, ở một chừng mực nào đó, việc giữ chân họ ở lại với doanh nghiệp cũng là cần thiết. Với những người này, thu nhập của họ thường không cao dù ở bất cứ cơ sở nào, cho nên, thưởng Tết lại là nguồn thu nhập cực kì quan trọng.

Ngoài ra, nếu muốn nhân viên y tế giữ gìn và thể hiện được y đức của mình, muốn họ nói không với phong bì, muốn họ hết lòng vì người bệnh, muốn họ thực sự quan tâm đến doanh nghiệp thì trước hết không được để họ phải bức xúc với cơm, áo, gạo, tiền, phải cho họ có một mức sống ngang bằng hoặc khá hơn mặt bằng chung của xã hội.

Đối với chủ đầu tư, việc duy trì cho một cơ sở y tế tư nhân hoạt động có lãi mà vẫn bảo đảm tính nhân đạo đặc thù của ngành y là một việc vô cùng khó khăn. Việc thu hút và giữ chân những nhân viên y tế giỏi là một việc khó nhưng chưa đủ. Muốn làm ăn có lãi, các cơ sở y tế phải đầu tư trang thiết bị tốt, xây dựng được qui trình chuyên môn y khoa của riêng mình hợp lí và hợp pháp, xây dựng và thực hiện các qui trình dịch vụ sao cho vừa bảo đảm được việc kinh doanh, vừa bảo đảm được quyền quyết định chuyên môn của bác sĩ và các nhân viên y tế khác, lại vừa thể hiện đúng tinh thần y đức.

Đấy là chưa kể đến việc cá nhà đầu tư luôn phải tính toán để làm sao đối phó với các cơ quan thuế. Họ luôn săm soi các khoản chi khi doanh nghiệp lỗ và sẵn sàng phạt ở mức rất cao đồng thời sẵn sàng áp đặt và truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu doanh nghiệp lỗ mà vẫn chi thưởng cho nhân viên. Nghịch lí là khi các nhà đầu tư chấp nhận thiệt thòi, quyết định thưởng Tết cho người lao động trong khi nhà nước của người lao động lại cấm đoán và phạt họ. Nếu không cẩn thận, nhà đầu tư còn phải mất thêm một số tiền tương đương với số tiền chi thưởng Tết cho nhân viên, đẩy nhà đầu tư rơi vào thua lỗ trầm trọng hơn và dẫn đến phá sản.

Có vẻ như trong môi trường Việt nam, các nhà đầu tư y tế không hiểu được ngành y và không đủ sức chịu lỗ dài hơi thì nên chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực khác. Tư tưởng không có lãi thì không thưởng Tết không phù hợp với ngành này. Tư duy kinh doanh trong lĩnh vực y tế có những nét đặc thù riêng của nó mà không phải cứ có tiền là có thể làm được.

Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn