Niềm tin

Làm gì để khôi phục niềm tin của người lao động vào BHXH, vào chính quyền (đa số vẫn đồng nhất 2 cái này)? Nên chăng có một lộ trình để bỏ hẳn qui định cho hưởng BHXH một lần?

Qui định chỉ được hưởng BHXH một lần ở tuổi về hưu của Luật BHXH năm 2014 đã trở thành lí do cho đợt đình công gây tác động lớn của công nhân Pou Yuen. Những nhà làm luật lí giải rằng, đó là vì quyền lợi của người lao động, qui định như vậy để họ được hưởng lương hưu khi về già.

Việc khi về già được hưởng lương hưu, được có BHYT, được hưởng các chế độ phúc lợi khác là niềm mơ ước của nhiều người. Từ khi mở công ty, có nhiều người gặp tôi, đề nghị tôi giúp cho họ được đóng BHXH, để sau này được hưởng chế độ khi về già. Do vậy, lời giải thích này đối với tôi là hợp lí.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ như vậy, không phải ai cũng có ý tiết kiệm để về già vẫn có nguồn sống. Một số lái xe của tôi, khi được hỏi về việc đóng BHXH, họ đều từ chối và muốn lấy ngay số tiền ấy. Nếu nói là do lương thấp thì chưa hẳn đúng, bởi vì thu nhập của họ là khá cao so với những nhân viên khác.

Một số người lao động vì thu nhập quá thấp nên muốn hưởng BHXH một lần để trang trải cho cuộc sống, nhưng số đó thực sự không nhiều. Có 2 yếu tố chính dẫn đến người lao động muốn hưởng BHXH một lần, đó là họ chưa có thói quen suy nghĩ rằng về già sẽ sống nhờ lương hưu, và, quan trọng hơn, họ không có niềm tin đối với hệ thống BHXH hiện nay.

Trên thực tế, ngoài những người phục vụ trong lực lượng vũ trang, một số cán bộ cao cấp, và rất ít những người làm việc trong các công ty nước ngoài, lương hưu của họ đủ trang trải cho cuộc sống, còn lại, đại đa số cán bộ hưu trí, nếu chỉ sống nhờ lương hưu thì cuộc sống sẽ vô cùng chật vật. Chính điều này làm cho những người trẻ thấy rằng, BHXH không giúp họ được bao nhiêu.

Giống như các cơ quan công quyền, BHXH cũng hay đẩy khó khăn cho người dân. Chính sách, chế độ hay thay đổi, theo hướng có lợi cho BHXH hơn là cho người dân. Việc qui định mức lương tối thiểu cho khu vực tư nhân cao gần gấp 3 lần khu vực quốc doanh là một minh chứng. Hoặc việc tính lương cho những người làm việc cho nhà nước rồi sau đó ra tư nhân bằng cách cộng dồn từ khi lương còn tính bằng đồng, cho đến khi nghỉ hưu, chia đều. Kết quả là lương hưu của một tiến sĩ làm ở 2 khu vực, nhiều năm đóng BHXH cao hơn mức 5.0, ngang bằng với lương hưu của một công nhân bậc 3 làm trong khu vực nhà nước, vừa bằng mức lương tối thiểu (1.0) của khu vực tư nhân.

Việc kinh doanh của BHXH lỗ cả ngàn tỉ đồng. Đương nhiên kinh doanh thì phải có lúc lỗ lúc lời, nhưng không biết từ bao giờ, hầu hết người dân Việt nam đều có suy nghĩ, rằng các cơ quan nhà nước cầm tiền kinh doanh vào đâu là lỗ ở đó. Với hiện tượng tham nhũng nở rộ như hiện nay, chẳng có gì bảo đảm là quĩ BHXH sẽ không vỡ, và người lao động sẽ chẳng còn biết bám víu vào đâu.

Trong bối cảnh đó, trừ những người không quá bức xúc về tiền bạc, không mấy ai muốn để tiền của mình trong tay BHXH, dẫn đến việc kiên quyết đòi được hưởng BHXH một lần, thậm chí cứ được 1 món khá khá, họ lại nghỉ việc. 10, 15 hay 20 năm nữa, những người này sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội. Khi họ không còn khả năng lao động, không có một nguồn thu nhập nào, không BHYT. Nếu con cái họ không có thu nhập khá, hoặc không sẵn sàng chăm sóc cho họ, xã hội sẽ lãnh đủ.

Làm gì để khôi phục niềm tin của người lao động vào BHXH, vào chính quyền (đa số vẫn đồng nhất 2 cái này)? Nên chăng có một lộ trình để bỏ hẳn qui định cho hưởng BHXH một lần?

Trước hết, cần khôi phục niềm tin của người dân, cần truyền thông cho người dân thấy sự cần thiết của việc duy trì BHXH cho đến khi về hưu. Cùng với những qui định đó, cách tính lương hưu và các chế độ cho người lao động phải được cải thiện, để người về hưu có thể sống được bằng đồng lương hưu.

BHXH cũng như hệ thống công quyền phải tập thói quen làm công việc của mình, không đùn đẩy cái khó cho người dân. Ngoài ra, phải có những ràng buộc nhất định trong việc sử dụng tiền của BHXH để kinh doanh, chẳng hạn như bảo hiểm những khoản tiền được mang ra kinh doanh, qui trách nhiệm cá nhân cho người quản lí…

Chỉ khi nào người dân có niềm tin vào BHXH thì những ý định tốt đẹp kia (nếu thực sự là như vậy) mới không bị phản đối.

Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn