Lại bàn về chứng chỉ hành nghề

Có nên trả lại chức năng xét cấp Chứng chỉ hành nghề (CCHN) cho các hiệp hội chuyên ngành, nơi có đầy đủ các nhà khoa học để có thể lập lên các hội đồng đánh giá chuyên môn, nơi có đầy đủ những nhà thực hành, vừa có thể hướng dẫn, vừa có thể đánh giá chính xác về đạo đức của người được cấp CCHN?

Đối với tất cả các ngành nghề, việc chuẩn hóa các yêu cầu chuyên môn, các kĩ năng thực hành, hiểu biết về pháp luật… để người làm nghề có thể hành nghề một cách đúng chức năng, nhiệm vụ, phát huy khả năng phụng sự xã hội ở mức cao nhất, là vô cùng quan trọng. Đối với ngành y, yêu cầu này còn gay gắt hơn, để bảo đảm cho các thầy thuốc có thể hành nghề một cách an toàn, hiệu quả, hạn chế thấp nhất những rủi ro mà người bệnh và xã hội phải gánh chịu. Xuất phát từ lí do trên, việc mọi nhân viên y tế đều phải có một chứng chỉ hành nghề (CCHN) là yêu cầu chính đáng trong quản lí y tế.

Ở nhiều nước phát triển, sau khi tốt nghiệp, các bác sĩ phải học chuyên khoa một số năm, có thể phải tham gia thêm một vài khóa đào tạo liên quan đến vấn đề pháp lí, y đức… và thi lấy CCHN. Ở Việt nam tính từ khi thống nhất đất nước, phải đến khi cho phép y tế tư nhân hoạt động mới có yêu cầu về CCHN. Thực tế chứng chỉ này khi đó chỉ cấp để làm giám đốc phòng khám, hay bệnh viện. Luật khám chữa bệnh ban hành năm 2010 mới có qui định tất cả nhân viên y tế đều phải có CCHN khi hành nghề. Tuy nhiên, việc ban hành và thực hiện Luật khám chữa bệnh có quá nhiều bất cập, làm cho việc cấp CCHN trở thành nỗi ám ảnh đối với rất nhiều nhân viên y tế, đặc biệt ở lĩnh vực y tế tư nhân.

Công tác chuẩn bị cho việc ra đời và thực hiện Luật khám chữa bệnh hoàn toàn cập rập và không có kế hoạch rõ ràng. Luật có hiệu lực từ 01-01-2011, nhưng mãi đến cuối năm 2011 mới có thông tư hướng dẫn. Sang đầu năm 2012 mới bắt đầu triển khai cấp CCHN. Suốt từ cuối năm 2010 cho đến cuối năm 2013, những cơ sở y tế tư nhân muốn hoạt động đàng hoàng, hợp pháp gặp khó khăn rất lớn. Có thể nói việc cấp CCHN là một chủ trương đúng, nhưng nó tỏ ra quá sức với bộ máy quản lí nhà nước của chúng ta.

Ở các nước phát triển, việc xét cấp CCHN do các hiệp hội chuyên ngành trực tiếp thực hiện hoặc chịu trách nhiệm cố vấn trong tất cả các công đoạn. Ở Việt nam, do mô hình tập trung quyền lực mà các hiệp hội chuyên ngành chỉ mang tính hình thức, tượng trưng, trong khi nhà nước ôm đồm mọi việc, dẫn đến chuyện những người biết việc, biết người không được sử dụng.

Việc giao quyền cấp CCHN cho bộ máy quản lí nhà nước, nơi luôn trung thành với quan điểm không tin ai cả, đẻ ra hàng loạt các thủ tục, thực chất là các giấy phép con hay các chứng chỉ con, vừa gây ra sự phức tạp không đáng có, vừa tạo điều kiện cho những con sâu lúc nhúc trong bộ máy quản lí nhà nước nhũng nhiễu, đục khoét, vừa làm giảm chất lượng của CCHN.

Ngoài kĩ năng chuyên môn, những yếu tố quan trọng để cấp CCHN như kĩ năng giao tiếp, kiến thức pháp lí, vấn đề y đức hoàn toàn chỉ dựa trên sự nhận xét chủ quan của người hướng dẫn thực hành và phụ trách đơn vị thực hành mà không có một tiêu chí cụ thể nào khiến cho người được cấp CCHN thực chất vẫn chưa đủ khả năng hành nghề, nhất là những hiểu biết về mặt pháp lí và y đức, cũng không được trang bị kĩ năng tự bảo vệ mình trước các rắc rối nghề nghiệp. Điều này cho thấy việc cho ra đời bộ Luật Khám chữa bệnh lần này có vẻ quá sức các nhà làm luật của chúng ta.

Có nên trả lại chức năng xét cấp CCHN cho các hiệp hội chuyên ngành, nơi có đầy đủ các nhà khoa học để có thể lập lên các hội đồng đánh giá chuyên môn, nơi có đầy đủ những nhà thực hành, vừa có thể hướng dẫn, vừa có thể đánh giá chính xác về đạo đức của người được cấp CCHN? Nơi mà cho đến nay vẫn còn năng động và ít quan liêu hơn nhiều so với bộ máy quản lí nhà nước cồng kềnh, hoạt động chồng chéo, kém hiệu quả, không thể thoát ra khỏi cơ chế xin – cho và đầy rẫy tiêu cực.

Làm được như vậy, cái CCHN mới thực sự có ý nghĩa, mới thực sự phát huy tác dụng. Nhưng để làm được như vậy, đầu tiên nhất, nhà nước phải ngừng ngay việc ôm đồm mọi thứ, từ bỏ việc nắm giữ mọi quyền lực và biết đặt niềm tin và các tổ chức dân sự.

Khó quá.

Người viết : TS. BS. Võ Xuân Sơn