Duyệt mổ

Sau khi có chỉ định mổ, bệnh nhân được chuyển cho các bác sĩ nội khoa. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà các bác sĩ của các chuyên khoa tim mạch, tiêu hóa, gan mật, thận, nội tiết, huyết học… được mời hội chẩn. Và chúng tôi chỉ tiến hành mổ khi tất cả những bác sĩ liên quan đều OK.

Tất cả những bác sĩ ngoại khoa đã đi học ở Nhật đều có những kỉ niệm về sự cẩn thận đến mức quá đáng của các thầy thuốc Nhật.

Tôi đến thăm khoa Ngoại Thần kinh của một trường Đại học với mục đích để biết họ hoạt động như thế nào. Tôi được đón lúc 6 giờ chiều, sau đó được đưa đi ăn tối. 8 giờ tối trở về. Có khoảng 20 người, vừa là bác sĩ trong khoa, vừa là nội trú đang bàn tán sôi nổi. Thì ra họ đang hội chẩn những ca mổ. Họ nói bằng tiếng Nhật, thỉnh thoảng giải thích nên tôi chỉ hiểu lõm bõm.

Sáng hôm sau, mới 6 giờ 30, một nhóm bác sĩ và nội trú đã quây quần quanh bệnh nhân. Phim, hình ảnh, bản vẽ, cả một cái sơ đồ bằng tiếng Nhật viết tay trên những tờ giấy A4. Vô cuộc mổ tôi mới biết cái sơ đồ viết tay kia là kế hoạch mổ. Họ cứ bám theo đó mà đi. Mọi chuyện đã được vạch ra từ trước, không ai phải phân vân, không có bất ngờ. Khác hẳn với cái chỗ bệnh viện tư mà tôi đang học (cũng ở Nhật). Ở đó tôi chẳng thấy ai bàn tán gì, cứ sếp kêu lên là mổ.

Một thời gian sau, tôi được đi học toàn thời gian suốt mấy tuần. Và ở đó tất cả mọi người đều nói tiếng Anh nên tôi có thể tham gia toàn bộ các hoạt động của khoa. Ngày nào cũng từ 7 giờ sáng đến 8, 9 giờ tối, có ngày 10 giờ đêm mới xong việc. Chẳng có mấy bệnh nhân. Toàn khoa có 5 bác sĩ, một giáo sư, cùng với 6 nội trú, nhưng số lượng bệnh nhân điều trị của họ không bằng số lượng bệnh nhân của một mình tôi khi tôi ở Việt nam. Thế mà lúc nào họ cũng bận rộn, tất bật.

Khi một bệnh nhân có vẻ có chỉ định mổ, các bác sĩ và nội trú phải làm hồ sơ chuyên khoa thật kĩ càng, giống y như sách, triệu chứng, hội chứng, vấn đề, chẩn đoán, chẩn đoán phân biệt, các hướng điều trị có thể… rồi mới đưa ra hội chẩn chỉ định mổ. Khi có chỉ định mổ rồi thì các bác sĩ và nội trú phải đưa bệnh nhân đi khám ở các khoa nội, hội chẩn với từng khoa, có biên bản hội chẩn rõ ràng. Trước mổ 1 hay 2 ngày, hồ sơ lại được đưa ra cả khoa hội chẩn. Khi tất cả các chuyên khoa nội mà bệnh nhân có liên quan, gây mê hồi sức… đồng ý mổ thì bệnh nhân mới được mổ.

Sau này, trở lại nơi bệnh viện tư mà tôi học. Tôi kể chuyện chuẩn bị mổ ở trường đại học cho bác sĩ gây mê nghe. Lúc đó bác sĩ này mới đưa cho tôi xem những tờ giấy bằng tiếng Nhật. Thì ra họ cũng hội chẩn y như vậy, chỉ khác là họ không có nhiều bác sĩ nên không có những buổi họp, chứ hồ sơ cũng có đủ ý kiến của các bác sĩ khác nhau.

Thời gian gần cuối trước khi tôi nghỉ việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi đã cố gắng mời các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, nội thần kinh, nội tiết… tham gia cùng hội chẩn mổ với chúng tôi. Tuy nhiên, do áp lực quá tải dữ dội, lúc nào cũng mất khoảng hơn một nửa số bác sĩ trong khoa đi mổ nên chúng tôi không duy trì được liên tục những buổi hội chẩn ý nghĩa như vậy.

Sau đó vài năm, Đại học Y Dược đã tổ chức thường kì được những buổi hội chẩn đa chuyện khoa như vậy, và kéo dài cho đến tận bây giờ. Trong chuyên ngành Ngoại Thần kinh có các bác sĩ đến từ nhiều bệnh viện, ngoài ra còn có các bác sĩ nội thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ nội khoa liên quan đến bệnh lí của bệnh nhân. Mặc dù là một phòng khám tư nhân, tôi vẫn thường xuyên gởi bệnh nhân đến buổi hội chẩn này.

Tại EXSON, chúng tôi cố gắng tiến thêm một bước nữa. Sau khi có chỉ định mổ, bệnh nhân được chuyển cho các bác sĩ nội khoa. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà các bác sĩ của các chuyên khoa tim mạch, tiêu hóa, gan mật, thận, nội tiết, huyết học… được mời hội chẩn. Và chúng tôi chỉ tiến hành mổ khi tất cả những bác sĩ liên quan đều OK. Đối với những trường hợp nguy cơ cao, chúng tôi còn yêu cầu các bác sĩ nội khoa có mặt ngay trong phòng mổ để kịp thời xử trí nếu có biến chứng.

Đằng sau ánh hào quang của phẫu thuật viên là cả một tập thể, bao gồm các bác sĩ nội khoa, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức… và điều dưỡng phụ mổ. Hơn ai hết, các bác sĩ ngoại khoa cần hiểu điều đó, để vầng hào quang luôn chiếu sáng, để lưỡi dao của mình mang lại nhiều niềm vui hơn là nỗi buồn.

Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn