Buồn với nhân tình thế thái

Hôm nay là một ngày buồn. Sáng ra, đọc được thông tin BS To Quang Dinh đã đóng cửa 2 phòng khám, là những phòng khám khá có tiếng tăm tại Sài gòn, chứng tỏ sự thất bại của y tế tư nhân.

Nhưng buồn hơn là sau đó đọc được bài báo của báo Người Lao động, viết về việc một bệnh nhân đến phòng mạch của một bác sĩ, bác sĩ thấy nặng, cho tiền taxi chuyển đi bệnh viện. Sau đó bệnh nặng và chết, người nhà quay về bắt đền bác sĩ. Bác sĩ cho 4,5 triệu, người nhà nhận rồi, sau đó quay lại, trả 4,5 triệu và đòi 20, 30 triệu, bác sĩ đồng ý và báo công an.

Cả bài báo và khá nhiều người, trong đó có cả nhân viên y tế, phản đối việc ông bác sĩ này báo công an. Họ cho rằng ông ấy đã thỏa thuận với gia đình bệnh nhân, sau đó lại đi báo công an, như vậy là gài bẫy bệnh nhân. Có nhà báo giữ trọng trách, viện dẫn luật, cho rằng hành vi của gia đình người bệnh này không phải là tống tiền. Vì phản ứng với việc báo công an của ông bác sĩ kia, những người này mặc nhiên cho rằng hành vi bắt ép đòi tiền của gia đình bệnh nhân kia là có thể thông cảm được.

Có ai đã ở vào hoàn cảnh của ông bác sĩ kia chưa? Có ai hiểu câu chuyện đằng sau bài báo kia không? Hoàn toàn không có chuyện thương lượng ở đây, đó là tống tiền.

Trường hợp của tôi, bệnh nhân bảo, không chi tiền thì sẽ làm cho tôi thân bại danh liệt. Như vậy là thương lượng hay sao? Nhà báo hỏi: anh có đồng ý hỗ trợ tiền cho bệnh nhân không? Tôi không đồng ý và hôm sau báo đăng, giọng văn ác ý y như bài báo hôm nay, cắt đầu cắt đuôi, giấu các thông tin quan trọng. Như vậy là thương lượng hay sao? Quan tòa hỏi: Có chịu thương lượng, hỗ trợ tiền cho bệnh nhân không, không thì tôi cho lên báo. Và vài hôm sau báo đăng tiếp. Như vậy là thương lượng hay bắt ép? Sau cùng, quan tòa ra 3 bản án khác nhau, đến mức mà tòa cấp trên phải hủy án. Như vậy được gọi là thương lượng hả?

Khi tòa cấp trên hủy bản án, bệnh nhân bảo không muốn kiện nữa, mà tôi phải hỗ trợ tiền, nếu không thì sẽ đến nhà tôi, đến phòng khám tôi tự thiêu. Như vậy là thương lượng hay sao?

Nếu ai chưa rơi vào những cảnh như vậy thì đừng có nói rằng thỏa thuận rồi mà thế này thế khác. Thỏa thuận gì khi bác sĩ thì chỉ có một mình, cả đám người nhà của người bệnh vừa chết ra sức đổ lỗi cho bác sĩ làm chết bệnh nhân, lại còn trả số tiền đã nhận, đòi con số lớn hơn? Ở hoàn cảnh ấy, bác sĩ phải làm gì nếu không đồng ý?

Và khi các bạn ở trong tình cảnh như vậy, các bạn có báo công an không? Hay các bạn sẵn sàng chấp nhận mỗi lúc lại phải trả thêm một số tiền?

Tôi đã làm y như các bạn đang đòi hỏi ở ông bác sĩ kia, không thương lượng. Nhưng tôi được cái gì? Thiệt hại kinh tế lớn gấp nhiều chục lần so với số tiền đòi hỏi ban đầu. Ước mơ xây dựng một bệnh viện có thể cạnh tranh với khu vực tan thành mây khói. Cho đến bây giờ, khi câu chuyện đã qua đi, vẫn không ai biết rằng thực ra ca mổ hồi đó của tôi hoàn toàn không có biến chứng gì, còn có thể nói là thành công.

Tôi không quen biết người bác sĩ kia. Sáng nay, tôi chỉ biết câu chuyện qua bài báo. Nhưng là người đã từng trải qua câu chuyện tương tự, tôi hiểu ngay vấn đề. Đến tối nay, qua tìm hiểu, tôi biết chính xác là gia đình bệnh nhân đã biết bệnh từ trước, như vậy thì việc đổ cho bác sĩ làm chết người bệnh chỉ là một màn kịch. Buồn vì tôi đã đúng.

Không biết rằng những tác giả của hàng loạt bài báo trên báo Người Lao Động ngày hôm nay có biết những điều mà họ không viết ra hay không? Họ sẽ nghĩ thế nào khi hàng chục ngàn độc giả của họ nuôi lòng căm thù ngành y, căm thù một ông bác sĩ già bị gài bẫy, lại còn bị mang tiếng là gài bẫy bệnh nhân?

Buồn hơn nữa, khi một nhà báo mà tôi luôn tôn trọng, nhắc tôi rằng nghề nào cũng có người tốt, kẻ xấu. Có lẽ phản ứng mạnh mẽ của tôi làm cho anh nghĩ, rằng tôi đang gom hết các nhà báo lại với nhau. Không, tôi vẫn rất tôn trọng các nhà báo chân chính. Và tôi vẫn luôn tin tưởng ở các nhà báo chân chính, những người sẽ vạch trần những trò uốn nắn dư luận, hướng người dân đến thái độ căm ghét ngành y.

Theo : TS. BS Võ Xuân Sơ