Bệnh nhân đâm nhân viên y tế

dam

Sau này, khi đã trở thành một phẫu thuật viên có “số má”, tôi vẫn luôn kính trọng cô cán sự gây mê, người đã dũng cảm ở lại với người bệnh dù mối nguy hiểm cận kề.

Báo Thanh niên đưa tin một bệnh nhân bị chấn thương, đang được khâu vết thương thì cầm kéo đâm vào bụng nữ điều dưỡng đang khâu vết thương cho mình và rượt đuổi những nhân viên bệnh viện khác. Anh bệnh nhân này sau đó bị công an tạm giữ.

Là một người tích cực đấu tranh chống nạn bạo hành nhằm vào nhân viên y tế, nhưng tôi lại có một nhận định khác sau khi đọc bản tin trên. Rất có thể bệnh nhân này đã có những rối loạn tâm thần do tác dụng của thuốc tiền mê và thuốc tê.

Hồi tôi mới ra trường, trong một đêm trực, một bệnh nhân bị vết thương phần mềm cẳng chân được đưa lên phòng mổ cắt lọc vết thương. Anh ấy được gây tê có sử dụng thuốc tiền mê. Cuộc mổ đang tiến hành, sắp xong thì anh từ từ ngồi dậy. Không ai giữ nổi anh ấy.

Anh ấy giật hết tất cả dây nhợ, ống ra khỏi mình rồi bắt đầu vơ lấy những dụng cụ mổ, lăm lăm trong tay, mắt gườm gườm nhìn các bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên. Mọi người lùi ra xa, vào các góc phòng mổ. Anh bệnh nhân đi hướng thẳng ra cửa, mở cửa đi ra hành lang khu phòng mổ.

Hành lang khu phòng mổ rất rộng, chiều ngang khoảng 8, 9 mét, hai bên có 12 phòng mổ, một đầu thông ra cầu thang thoát hiểm, đầu kia thông ra khu sạch. Khi ấy là quá nửa đêm, chỉ có 3 ca đang mổ. Anh bệnh nhân tìm đường ra, mở cửa vào một phòng đang mổ. Anh bệnh nhân tay cầm kéo, tay cầm kềm, trần truồng đi vô, mấy bác sĩ đang mổ giật mình, buông dụng cụ, nhảy qua cửa sổ ra hành lang sau thoát thân. Chỉ còn một nữ cán sự gây mê ở lại cùng với bệnh nhân đang mê trên bàn mổ, và với anh bệnh nhân đang trần truồng, lăm lăm trong tay kềm, kéo.

Khi biết chuyện, chúng tôi chạy theo hành lang sau tới phòng mổ mà anh bệnh nhân đang ở đó. Anh không đập phá gì, có lẽ anh không cảm thấy bị đe dọa. Anh đi ra ngoài hành lang và tiến về phía khu sạch. Ngăn cách với khu vô trùng bằng một cửa kính. Có lẽ anh không thấy kính nên khi đụng vào cửa kính, anh nổi xung lên đập vỡ kính cửa. Cứ thấy bóng ai là anh ấy cầm các mảnh kính ném về hướng ấy. Sau khi thoát ra khu sạch, anh ấy còn đập nát một chiếc điện thoại bàn và tìm thấy cầu thang bộ rồi đi xuống đất.

Bảo vệ kịp thời gọi vợ anh ấy lại. Khi thấy vợ, anh ấy sững người, buông các miếng kính vỡ đang cầm trên tay. Bảo vệ lao vào khống chế. Anh ấy được rửa sạch và bằng tạm các vết thương mới do kính cắt và vết thương đang mổ. Vài tiếng sau anh ấy được gây mê để hoàn tất ca mổ.

Mọi hành động của con người ta đều do những kích thích xuất phát từ não bộ, và khi hành động đạt mức cần thiết, một trung tâm khác của não bộ ức chế, không cho hành động đấy đi quá đà. Khi sử dụng các thuốc hướng thần, người bệnh trải qua một giai đoạn ức chế các trung tâm ức chế, làm tăng sự kích động và ảo giác. Nếu lượng thuốc được đưa vào đủ mức, bệnh nhân sẽ mê.

Một số trường hợp, hoặc do lượng thuốc đưa vào không đủ, hoặc ngưỡng mê của bệnh nhân bất thường, hiện tượng kích động kéo dài, dẫn đến những hành vi gây nguy hiểm cho nhân viên y tế hoặc đập phá máy móc, trang thiết bị. Tuy nhiên, trường hợp này không thể trách bệnh nhân được. Chúng ta phải tìm cách hạn chế thiệt hại.

Khi mổ gây tê có sử dụng thuốc tiền mê, thường người ta phải cố định tay, chân và cả phần thân mình bệnh nhân vào bàn mổ bằng các dây trói hoặc đai cố định, để phòng khi kích động, bệnh nhân có thể quậy phá hoặc té xuống đất từ bàn mổ.

Sau này, khi đã trở thành một phẫu thuật viên có “số má”, tôi vẫn luôn kính trọng cô cán sự gây mê, người đã dũng cảm ở lại với người bệnh dù mối nguy hiểm cận kề. Tôi tình cờ chứng kiến thêm vài sự cố khác xảy ra trong phòng mổ. Dù ai có nói gì đi nữa, tôi không thể coi trọng những bác sĩ lanh lẹ chạy thoát thân, bỏ mặc người bệnh mình đang mổ, cứ như vị thuyền trưởng bỏ mặc hành khách trên con tàu đang đắm để bước lên thuyền cứu sinh.

Theo: BS. Xuân Sơn