Không biết đây có phải đơn thuần chỉ là kĩ nghệ kiếm tiền của các ông chủ tư bản, hay như Mác nói, chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến mức cao, đã có thể trở thành tiền đề cho chủ nghĩa xã hội?
Mặc dù đây là lần thứ ba tôi đến Las Vegas nhưng thực tình mà nói tôi vẫn chẳng biết gì mấy về thành phố này. Ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là không khí ở đây quá khô và gần như tất cả những gì do con người làm ra ở đây đều to lớn, vĩ đại.
Lần đầu tôi đến đây là năm 2001 và lần này là lần thứ ba, sau 10 năm. Cả hai lần này tôi đều đến để dự hội nghị về phẫu thuật cột sống ít xâm lấn, lần trước là của Hội Phẫu thuật cột sống ít xâm lấn Hoa kì (American Academy of Minimally Invasvive Spine Care and Surgery) và lần này là của Hội Phẫu thuật cột sống nâng cao của thế giới (International Society of the Advencement of Spine Surgery). Giới bác sĩ ở các nước phát triển được coi là giới rất cao cấp, nên hội nghị của họ thường được tổ chức ở những nơi nổi tiếng về du lịch. Còn nhớ năm nào tôi được mời dự hội nghị tổ chức trên một du thuyền đi vòng quanh vịnh Caribe.
Nói đến Las Vegas, người ta nghĩ ngay tới các sòng bài, những con người thua bạc cháy túi. Đúng, ở Las Vegas, đi đến đâu cũng thấy sòng bài. Ngay tại sân bay, khi chưa tới chỗ lấy hành lí là đã thấy la liệt các máy đánh bài. Las Vegas được thiết kế để ai đến đó cũng bắt buộc phải đi qua sòng bài, phải nghe những tiếng reo của máy khi người chơi bài thắng, và chỉ cần một chút bay bổng là nhảy ngay vào chơi bài.
Tôi không biết Las Vegas có bao nhiều sòng bài nhưng phải nhiều lắm. Ba lần ở đây với 3 khách sạn khác nhau, tôi đã đi qua nhiều chục sòng bài. Sòng bài chính nếu nhỏ cũng phải cỡ hơn một mẫu, lớn có thể chiếm diện tích 4 đến 5 mẫu. Tất cả các sòng bài đều ở trong nhà, nền được trải thảm, trần cao 8 – 9 mét. Các phòng chơi cao cấp nằm xung quanh hoặc ở những khu vực đặc biệt. Các sòng bài được nối với nhau bằng những hành lang rộng mênh mông, chiều ngang khoảng 8m, có khi lên đến 20 mét. Tất cả đều nằm trong nhà với hệ thống điều hòa nhiệt độ ở mọi nơi. Nhà này nối tiếp nhà kia, khách sạn này nối tiếp khách sạn khác, sòng bài nối với sòng bài. Tại các sòng bài, những cô gái xinh đẹp với vòng một cực đại nhún nhảy bay lượn từ bàn này sang bàn khác, tay mang khay rượu đi mời những người chơi bài, liếc mắt tươi cười với khách đi đường. Nói khách đi đường là vì nếu không đi xe mà đi bộ thì đường chính là các sòng bài. Ở các sòng bài, rượu được uống miễn phí, miễn là có chơi bài là được uống. Những bàn chơi được đặt xen kẽ với máy đánh bài, đi đến đâu cũng nghe tiếng nhạc của máy, thôi thúc sự chú ý của khách đi đường. Khi có một ai thắng, không biết là thắng được bao nhiêu, máy làm ầm ĩ lên, tiếng bạc rơi loảng xoảng được phóng lên loa cho mọi người cùng nghe cùng với tiếng reo hò vang dội, nhưng khi thua, chỉ một tiếng nhạc ẻn ẻn nhỏ xíu, đủ cho người chơi nghe thấy mà không bị quê với người bên cạnh. Với công nghệ tổ chức cờ bạc như vậy thì làm sao mà không có những người thua cháy túi. Nói vậy là do tôi đoán chứ thực tình mà nói tôi chưa hề thấy ai thua đến mức phờ phạc mất hồn hay quẫn trí tự tử như người ta vẫn đồn.
Ngoài cờ bạc ra thì vẫn còn một Las Vegas khác. Tôi đã đến nhiều nơi ở Mỹ cũng như ở các thành phố lớn khác trên thế giới. Paris cổ kính và ngăn nắp, Frankfurt hiện đại và trật tự, Moscow với những “cung điện tàu điện ngầm”, Praha cổ kính và thiên nhiên, Tokyo, Osaka hiện đại và náo nhiệt, New York với Mahattan chật chội và hối hả, DC thanh bình và vắng vẻ… Las Vegas thì khác hẳn, ở đây đông đúc nhưng không chật chội, đông đúc nhưng vẫn thanh bình, con người có vẻ dễ gần, dễ mến hơn. Nói cho đúng thì hầu hết các nơi ở Mỹ con người đều dễ gần, dễ mến nhưng ở Las Vegas người ta cởi mở hơn nhiều, người ta ít “giữ kẽ” hơn. Khi bạn đang đi đường và làm rơi một tờ giấy mà không biết, lập tức có người nhặt ngay giúp bạn và thế là một câu chuyện gì đó nổ ra. Bạn thấy hai người vừa đi vừa nói chuyện rôm rả, có vẻ rất tâm đầu ý hợp, nhưng thực ra họ vừa mới gặp nhau không đầy một phút. Có vẻ ai cũng thấy cuộc đời tươi đẹp, ai cũng sẵn sàng thể hiện tính hài hước ý nhị của mình và ai cũng muốn làm cho người khác vui lòng. Nếu tại Las Vegas, bạn thấy ai đó không cởi mở, có thể đó là người nước ngoài. Ở Mỹ khó mà biết ai là người nước ngoài vì ai cũng có thể là người Mỹ. Chỉ khi nói chuyện thì người ta mới biết đấy là người nước ngoài. Không hẳn chỉ vì tiếng Anh của người nước ngoài khác hơn so với người Mỹ mà cách giao tiếp của họ cũng khác. Đa số người châu Âu có vẻ “phớt Ăng lê”, ít giao tiếp, chào hỏi người lạ. Người dân Đông Á thì ngại ngùng, khép kín.
Las Vegas là một thành phố cờ bạc, nó được xây lên để người ta đến đánh bạc, nó được thiết kế để làm sao người ít tiền nhất cũng sẵn lòng dốc túi để thỏa mãn cái máu đỏ đen thường tồn tại trong mọi con người. Tuy nhiên, Las Vegas không chỉ biết móc túi người ta, Las Vegas còn biết cống hiến cho những người vừa mới dốc hầu bao cho nó. Ngoài pháo hoa và một số lễ hội thì gần như bất cứ ở đâu trên thế giới người ta đều phải trả tiền để xem các màn trình diễn. Ở Las Vegas lại khác. Bạn có thể xem và nghe nhạc nước miễn phí, miễn phí nhưng còn hoành tráng, lộng lẫy hơn nhạc nước ở nhiều nơi trên thế giới. Show núi lửa, người tiền sử… ở các nơi khác phải trả nhiều tiền mới được xem thì ở đây, bạn có thể xem đi xem lại mà chẳng mất đồng nào. Bạn có thể ngây ngất với sự huyền ảo do công nghệ ánh sáng laser cực kì hiện đại mang lại ở Lake of Dreams (Hồ của những giấc mơ) mà không cần phải bỏ tiền. Khách sạn Treasure Island (Đảo châu báu) có một màn trình diễn cướp biển cực kì nổi tiếng và có lẽ rất tốn kém nhưng hoàn toàn miễn phí. Ở phim trường Hollywood người ta cũng có những show diễn tương tự, diễn lại những cảnh phim nổi tiếng nhưng bạn phải trả khá nhiều tiền để được xem. Thực ra thì tất cả những chỗ đó vẫn có thể trả tiền để có được một chỗ ngồi vừa ăn, vừa uống vừa xem nhưng nếu bạn không bỏ tiền ra bạn vẫn được tôn trọng, người ta vẫn sắp xếp để cho bạn được thưởng thức ở mức cao nhất và thoải mái nhất, bạn hoàn toàn không có cảm giác là người xem ké. Tất nhiên Las Vegas cũng có những màn trình diễn phải trả tiền, thậm chí nhiều tiền mới được xem, nhưng đó là những màn trình diễn rất đặc biệt, chẳng hạn như các trận quyền Anh nhà nghề của các võ sĩ hàng đầu thế giới, những Fashion show của những nhà thiết kế hàng đầu thế giới với những người mẫu hàng đầu thế giới, hay các màn trình diễn của các diễn viên hàng đầu thế giới. Ngoài các show đặc biệt nói trên, các show diễn phải trả tiền để xem là những show diễn không thể phục vụ chung cho cả cộng đồng, không phải cho mọi đối tượng xem, như kiểu múa khỏa thân hoặc các màn trình diễn cấm trẻ em khác.
Đến Las Vegas, bạn không có cảm giác các công trình xây dựng là to lớn, vì chúng được xây dựng trong một không gian rộng lớn. Những con đường trông không thấy lớn nhưng khi đếm có tới 11 làn xe. Những tòa nhà trông rất gần nhưng để đi đến đó phải mất rất nhiều thời gian vì nó rất xa. Bên trong những tòa nhà tưởng chừng nhỏ bé đó là cả một không gian mênh mông. Còn nhớ có những lúc tôi trở nên “ngớ ngẩn” như hồi năm 2001, tôi đứng đếm số máy bay cất cánh ở sân bay Phoenix Arizona vì tôi bị choáng ngợp bởi số lượng máy bay. Lúc đó Phonix chỉ có 3 triệu dân nhưng gần như không đầy 1 phút là có 1 chuyến bay cất cánh. Bây giờ cũng vậy, khi tìm hiểu sao mà mình không có cảm giác các sòng bạc lớn nhưng đi qua nó lâu quá, tôi đã đếm đi đếm lại số bước chân và cuối cùng phát hiện ra một điều, ở các sòng bài, mặc dù là ở trong nhà nhưng rất ít cột, các cột cách nhau tới 50 – 60m. Có lẽ lực lượng an ninh ở các khách sạn mà tôi đi qua phải nhớ tôi lắm vì tự nhiên có một thằng cha cứ đi đi lại lại ở sòng bài mà không đánh bài, lại còn ra vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Tương tự như sòng bài, tôi đã đến 3 trung tâm hội nghị trong khoảng vài chục trung tâm hội nghị ở Las Vegas. So với nó, White Palace, Sinh đôi chỉ là những “quán nhỏ ven đường”. Nhớ lại lần đầu tiên đến Las Vegas, tôi choáng ngợp với tính chuyên nghiệp của người Mỹ, chỉ trong khoảng không đến 30 phút, họ đã tháo dỡ và lắp ráp trở lại một khu vực hội nghị rộng khoảng 2 mẫu, biến từ một kiểu bố trí này sang một kiểu bố trí khác hẳn. Lần này, tôi để ý hơn nữa thì thấy ở cả hai chỗ tôi dự hội nghị, mỗi chỗ đều có khoảng cỡ 20 phòng hội nghị với diện tích chừng 3000 đến 5000 mét vuông một phòng, bên trong các phòng hoàn toàn không có cây cột nào. Mỗi phòng lại có khu vực sảnh riêng rộng hàng ngàn mét vuông, hành lang chung rộng hơn 20m, có chỗ tới 30m chiều ngang. Các phòng hội nghị này chỉ trong chốc lát lại được biến thành một quần thể khác cho một hội nghị khác, vậy mà không bao giờ có sự lộn xộn giữa các hội nghị khác nhau, không như ở mình đôi khi bị đi lộn đám cưới.
Las Vegas là một thành phố được xây dựng giữa sa mạc, thế nhưng số lượng thác nước của nó còn lớn hơn Đà lạt gấp nhiều lần. Tất nhiên là thác nhân tạo nhưng qui mô của nó không thua gì Datangla, Camly, Prenn, thậm chí có cái còn lớn hơn cả cái “Nam thiên đệ nhất thác” Pongua. Thác nước chảy ầm ầm, nhưng đa số là ở trong nhà, mặc dù có cái cao tới 30 – 40m. Tương tự với thác là hồ nước. Không ai có thể nghĩ đây là một sa mạc khi chỗ nào cũng có hồ nước với cây xanh um tùm cho dù hồ nhỏ chứ không lớn. Nếu rảnh, bạn có thể vào Satelite map của Google, bạn sẽ thấy Las Vegas có nhiều hồ thế nào, nhưng đó mới chỉ là những hồ ngoài trời, còn hàng bao nhiêu là hồ trong nhà, những hồ nước rộng vài ngàn mét vuông, có khi cả mẫu, có cái sâu có thể tắm được, có cái cạn và chủ yếu làm cho người ta cảm giác như đó là một tấm gương lớn.
Ngoài những kiến trúc to lớn thì Las Vegas lại đầy những kiến trúc mô phỏng với kích thước nhỏ hơn thật nhưng vẫn rất lớn. Kim tự tháp, tháp Effeil, cầu Golden Gate, tượng nhân sư Ai cập, tượng Nữ thần Tự do… Lại còn những công trình trong trí tưởng tượng như lâu đài công chúa ngủ trong rừng, nhà của Bạch Tuyết và bảy chú lùn…
Nếu chỉ nhìn Las Vegas như một trung tâm cờ bạc thì thật là sai lầm. Las Vegas là một trung tâm giải trí mà bạn có thể đưa cả gia đình đến, nó có thể phù hợp cho mọi đối tượng. Ai đến đây cũng cảm thấy vui vẻ, sẵn sàng mở lòng với mọi người, ở đây con người trở nên gần gũi nhau hơn mặc dù các công trình xây dựng đều rất to lớn. Và mặc dù có đủ thứ công trình xây dựng, đủ thứ kiến trúc mô phỏng nhưng con người thực sự được đặt vào trung tâm của tất cả. Không biết đây có phải đơn thuần chỉ là kĩ nghệ kiếm tiền của các ông chủ tư bản, hay như Mác nói, chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến mức cao, đã có thể trở thành tiền đề cho chủ nghĩa xã hội?
Theo : Trung Dũng