Triết lí kinh doanh trong y tế tư nhân cũng có những điểm khác biệt. Không chỉ có lợi nhuận, không chỉ có thương hiệu, không chỉ có giá trị vật chất, kinh doanh y tế phải bảo đảm được sự hài hòa giữa lợi nhuận, thương hiệu, nhân đạo và tình người, những yếu tố thường rất khó hòa hợp với nhau nếu người quản lí không thực sự có tầm.
Xin mạn phép mượn cái tít của tác giả Lê Nguyễn (báo Tiền Phong) để nói ngay về vấn đề mà tác giả đang bàn luận. Dù loạt bài của tác giả mới bắt đầu nhưng tôi rất đồng ý khi tác giả dùng từ “lay lắt” để mô tả thực trạng của y tế tư nhân hiện nay.
Đầu tư y tế có tính đặc thù rất cao. Đầu tư lớn, chậm thu hồi vốn, chậm có lãi, nếu vận hành tốt thì lợi nhuận tương đối ổn định. Ngoài ra, nhà đầu tư phải có đủ nguồn vốn để trụ vững trong thời gian đầu, vừa phải duy trì hoạt động, vừa tạo thương hiệu, vừa phải chạy theo những thay đổi như chong chóng của nhà nước, và cả những “đòi hỏi” khắt khe của bộ máy quản lí.
Triết lí kinh doanh trong y tế tư nhân cũng có những điểm khác biệt. Không chỉ có lợi nhuận, không chỉ có thương hiệu, không chỉ có giá trị vật chất, kinh doanh y tế phải bảo đảm được sự hài hòa giữa lợi nhuận, thương hiệu, nhân đạo và tình người, những yếu tố thường rất khó hòa hợp với nhau nếu người quản lí không thực sự có tầm.
Để vận hành một cơ sở y tế tư nhân, ngoài kiến thức kinh doanh thông thường, còn phải có một chính sách có thể duy trì được đội ngũ nhân viên y tế làm công tác chuyên môn. Đây là điều rất khó khăn. Trên thực tế đây là tập hợp những con người khá ưu tú nếu xét về đầu vào khi họ thi vào trường y. Họ có quyền yêu cầu một mức đãi ngộ cao, đồng thời là một môi trường làm việc tốt, lại phải được tôn trọng đúng mức…
Khác với các bệnh viện tư nhân ở các nước phát triển, nơi mà đầu tư vào thương hiệu chiếm một tỉ trọng lớn, nhiều cơ sở y tế tư nhân của chúng ta dựa trên các thương hiệu y tế công có sẵn, nên tính lệ thuộc của y tế tư nhân vào hệ thống y tế công rất cao. Khi mà vì một lí do nào đó, mối quan hệ này không còn “êm đẹp”, sự sụp đổ là đương nhiên.
Một vài cơ sở ban đầu không chủ trương dựa vào các thương hiệu công lập, nhưng không “tỉnh táo”, đầu tư kĩ thuật cao dàn trải trong khi họ không có những con người có khả năng khai thác trang thiết bị đúng mức. Áp lực hoàn vốn và áp lực lợi nhuận khiến cho cơ sở phải hạ chuẩn và phản bội lại đường lối ban đầu, dẫn đến hủy hoại thương hiệu, và… xong phim.
Còn một lí do nữa mà rất ít người nói đến, cho dù gần như bất cứ ai đã từng đầu tư đều nhìn thấy. Khi có một cái bánh và mỗi người có một phần nhất định, ai cũng muốn phần của mình ngày một to hơn. Những nhà đầu tư có tầm nhìn xa trông rộng sẽ cùng nhau tìm cách làm cho cái bánh to ra, nhưng nhiều nhà đầu tư của chúng ta lại không chú trọng đến việc đó, mà chỉ chú trọng đến việc cắt xén phần của người khác đắp vào của mình, cho dù việc đó có làm cho cái bánh nhỏ lại.
Trên thực tế, hiện nay chỉ có một số ít cơ sở y tế tư nhân là ăn nên làm ra thực sự, đa số đều đang lay lắt tồn tại, hoặc đang trong tình trạng “đặt nội khí quản bóp bóng”, một thuật ngữ y khoa chỉ trường hợp sắp tử vong.
Theo : adm