Ngoài việc làm giảm bớt những lo lắng không cần thiết cho người nhà, việc thông tin cho thân nhân bệnh nhân còn mang lại nhiều điều thú vị. Có lần, sau khi mổ xong cho bệnh nhân, tôi gọi người nhà bệnh nhân vào, lần này là ông chồng, người mà trước mổ tôi chưa bao giờ gặp.
-Chị nhà mổ xong rồi anh ạ.
-Ồ, cám ơn bác sĩ, cuộc mổ tốt không bác sĩ.
– Dạ, mời anh ngồi. Cuộc mổ diễn tiến bình thường, đúng như dự kiến anh ạ.
– Cám ơn bác sĩ, như vậy là sao hả bác sĩ?
– À, có nghĩa là cuộc mổ không có gì đột biến, không xảy ra biến chứng gì trong mổ cả.
– Vậy có gọi là ca mổ đã thành công tốt đẹp chưa bác sĩ?
…
Nửa đêm, điện thoại reng. Số lạ. Thôi thì cứ bấm nghe. Thì ra là thân nhân bệnh nhân, chẳng biết sao tìm được số của tôi, gọi hỏi xem ca mổ đã kết thúc chưa mà sao lâu quá, bác sĩ nói là mổ có 2 giờ mà từ sáng tới giờ chưa xong. Thực ra thì tôi đã mổ xong và mổ xong cả 3 ca khác, khám một phòng bệnh, về khám bệnh ở phòng mạch, xong về nhà ăn cơm, làm việc, rồi đi ngủ. Và trong lúc ấy, thân nhân của bệnh nhân cứ như lửa đốt trong lòng, lo lắng vì mổ gì mà lâu quá, không chừng biến chứng chết rồi cũng nên… Buổi sáng đến bệnh viện, nhiều thân nhân chặn lại dọc đường, hỏi xem tình hình người nhà mình làm sao. Có khi mổ 2, 3 ngày rồi mà họ chưa biết kết quả của cuộc mổ.
Có lần, do biến cố đột xuất, không có dụng cụ mổ, tôi phải dừng cuộc mổ. Phần quan trọng nhất không thực hiện được. Sau đó mổ những ca khác, rồi bệnh nặng, quên mất. Hôm sau bệnh nhân đã được chuyển đi. Bác sĩ chuyển cũng không để ý những điều ghi trong tường trình phẫu thuật. Đến khi bệnh nhân tái khám, gặp tôi than phiền sao không đỡ, mới sực nhớ ra. Việc thông báo cho thân nhân và bệnh nhân kết quả cuộc mổ giúp cho phẫu thuật viên có trách nhiệm hơn với người bệnh, hạn chế sai sót do quá tải.
Hồi đó, Giám đốc bệnh viện đã tìm mọi cách để thiết lập thông tin cho thân nhân bệnh nhân biết về tình trạng của người nhà mình khi nằm ở cấp cứu, săn sóc đặc biệt và phòng mổ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những thông tin một chiều và đôi khi, đối với một số người dân, rất khó hiểu. Ngay từ khi còn làm ở nhà nước, tôi đã cố gắng làm công việc thông báo cho thân nhân sau mỗi ca mổ. Nhưng phải công nhận rằng tôi chỉ có thể làm được việc này ở các bệnh viện tư, nơi tôi có thể thiết lập qui trình và xây dựng cơ sở phù hợp.
Ngoài việc làm giảm bớt những lo lắng không cần thiết cho người nhà, việc thông tin cho thân nhân bệnh nhân còn mang lại nhiều điều thú vị. Có lần, sau khi mổ xong cho bệnh nhân, tôi gọi người nhà bệnh nhân vào, lần này là ông chồng, người mà trước mổ tôi chưa bao giờ gặp. Sau khi thông báo tình hình cuộc mổ, tôi hỏi ông ấy làm việc ở đâu, ông ấy trả lời là làm ở ủy ban tỉnh. Hỏi ông ấy làm gì ở ủy ban tỉnh, ông ấy trả lời: “Dạ, tôi làm chủ tịch”. Tương tự, có ông kia làm cán bộ ở văn phòng bộ nọ. Sau khi bệnh nhân ra viện, gởi quà, trên đó có tấm thiệp: Bộ trưởng.
Người ngoài ngành y nghe nói điều trị cho người nhà những cán bộ cao cấp thấy “oai” lắm, nhưng thực ra, trong ngành y, đa số bác sĩ lại thấy “oải”. Trách nhiệm nặng nề hơn, có chuyện gì dễ “lên đường” hơn. Trên thực tế, những câu chuyện kể về những bác sĩ “lãnh đạn” do điều trị cho người nhà các xếp lớn không thành công cứ râm ran trong ngành y. Các bác sĩ hay phong danh hiệu “dũng cảm” cho những người sẵn sàng điều trị cho người nhà cũng như bản thân các cán bộ cao cấp.
Việc phân biệt người bệnh như vậy thực ra là không phù hợp với y đức. Về nguyên tắc, người thầy thuốc phải làm tất cả những gì tốt nhất cho mọi người bệnh, không phân biệt là bệnh nhân nào. Nếu nhìn từ góc độ uy tín nghề nghiệp, thì việc những thân nhân và bản thân cán bộ cao cấp chấp nhận khám và điều trị bệnh ở trong nước cho thấy họ đã tin tưởng vào các cơ sở y tế trong nước.
Trở lại với câu chuyện thông tin cho người bệnh sau mổ. Đó chỉ là một chi tiết nhỏ, không có tác động gì về mặt chuyên môn đối với cuộc mổ. Nhưng nếu chúng ta có cách khắc phục và làm tốt những chi tiết nhỏ như vậy, mang lại sự hài lòng, người bệnh và thân nhân mới có cơ sở để tin rằng chúng ta có khả năng làm tốt những điều lớn hơn. Từ đó người dân mới không bỏ chúng ta để đi ra nước ngoài chữa bệnh khi họ có điều kiện về tài chính.
Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn