[seasidetms_row][seasidetms_column data_width=”1/1″][seasidetms_text]
Câu chuyện: Bác sĩ “giỏi”
“Nhà bà ở đâu? Sao để bị nặng vậy mới đi khám?” – Bác sĩ hỏi sau khi đưa cái máy quan sát mắt Má nhiều lần. Dường như ông bác sĩ đang trách Má và cả gia đình tôi sao không quan tâm, không lo cho sức khỏe của Má.
Má bất ngờ và bối rối trước câu hỏi của bác sĩ bởi Má đã đi khám theo ông bác sĩ cũng gần 10 năm rồi. Bác sĩ dặn Má mua thuốc gì uống, chụp hình – xét nghiệm thế nào, tái khám lúc nào, Má có bao giờ sai đâu. Toa thuốc cũ của Ông bác sĩ Má vẫn cầm theo cả xấp đây mà. Lần khám trước cách khoảng 4 tháng, ông luôn dặn khoảng 3-4 tháng Má nên đi khám, kiểm tra lại.
[seasidetms_image shortcode_id=”jd16c87m5″ align=”center” animation_delay=”0″]6350|http://exson.com.vn/wp-content/uploads/2015/07/9_meo_hay_giup_be_het_so_bac_si.jpg|full[/seasidetms_image]
Mỗi lần đi khám Má đều nói với tụi tôi là mai Má đi khám mắt. Má dậy từ sớm, chú Tư xe ôm gần nhà luôn được Má dặn từ chiều hôm trước đến đón Má sớm rồi chở Má đi. Chú chạy cẩn thận mà cũng biết ý Má nên chú rất được Má tin tưởng, có hôm Má và chú đến sớm từ lúc Bệnh viện tư của ông bác sĩ còn chưa mở cửa nữa. Tính Má thế, cứ tranh thủ để còn về lo miếng cơm, miếng canh cho đám con rồi đám cháu. Má nói “người ta ở đâu về khám đông lắm con, Má đi với chú Tư được rồi, chú Tư lấy số cho Má và ngồi chờ chở Má về, tụi bây đứa nào cũng phải lo đi làm chứ ngồi chờ cả buổi như vậy sao được”. Má nói thế mỗi lần mấy anh em tôi nói để tụi con dẫn Má đi, “không sao đâu, Má đi được chứ có gì đâu, tụi bây lo mà đi làm”.
Mà cũng không hiểu sao hồi ở quê Má có được đi học chữ nào đâu, lấy chồng vào Sài Gòn rồi tự học từng con chữ để đọc được tờ báo, tính được con số mà đi khám lần đầu bác sĩ nói mắt cận gần 15 độ. Thật không hiểu nỗi, thế rồi từ từ độ Má tăng dần theo tuổi tác. Mỗi lần nhìn không rõ là Má lại phải khám và thay kính, mắt kính nặng, dày cộm, nhìn con chữ bé tí đi nhiều nhưng nếu không có nó mỗi ngày thì Má không thể nhìn được đường, không thể nhìn rõ lối đi. Gần 10 năm nay, mắt Má khác nhiều, nó chảy nước mắt, mọi thứ nhòe mờ đi,… Má cũng không còn khám chỉ để đo kính nữa nên Má khám ông bác sĩ này bởi Má nghe người ta bảo ông bác sĩ này giỏi lắm, chữa mắt tốt lắm. Mỗi lần khám xong, bác sĩ cho Má nhiều thuốc lắm, thuốc nhỏ, thuốc mỡ, thuốc uống trước ăn, thuốc uống khi no, …. đủ loại.
Lần nào cũng vậy, Má luôn đăng ký khám bác sĩ Giám đốc, “làm cả đời rồi, bây giờ tiếc chi nữa nên phải giữ sức khỏe cho mình khỏe mà con cháu cũng khỏe”. Ông Bác sĩ Giám đốc nên mức phí khám cũng rất cao, gấp 5 lần khám bác sĩ khác trong bệnh viện, “nhưng ổng giỏi mà con, người ta còn xa xôi đến cũng chờ khám ổng, mình ở thành phố thì phải khám ổng cho tốt, cho mau bớt chứ”.
Tôi ngồi kế bên cũng bất ngờ không kém, Má nói luôn “Dạ, đi khám bác sĩ hoài mà Bác”.
Lúc này thì ông Bác sĩ mới nhìn kỹ lại hồ sơ của Má, trên máy tính ghi rõ những lần khám của Má ngay bên cạnh bệnh án. “À, bà này quen, bà này khám tôi hoài nè, còn cô này tôi mới thấy”.
À, thì ra, hôm nay chú Tư bận nên tôi dẫn Má đi khám và thế là Má trở thành khách lạ !!!!
Ông bác sĩ oai nghiêm, ngả lưng dựa vào thành ghế đọc kỹ hơn hồ sơ của Má.
– “Chà chà, khó rồi đây, bây giờ bà thấy sao?”
– “Dạ thưa bác sĩ, thấy mờ lắm Bác”.
– “Bây giờ mắt bà bị đục thủy tinh thể mà lại cận thị nặng nữa, nên nếu mổ đục thủy tinh thể rất dễ bị biến chứng bong võng mạc. Thôi bây giờ tôi sẽ cho bắn laser để gia cố võng mạc trước, rồi xong mới mổ thủy tinh thể được. Bây giờ a,b,c….như vầy.”
Tôi dạ dạ theo từng lời của Ông và chạy đi đóng tiền, dẫn Má qua các phòng xét nghiệm, chụp hình, siêu âm đủ hết. Xong hết, tôi dẫn Má vào phòng bắn laser. Nhưng trớ trêu thay, tia laser không thể xuyên qua được lớp thủy tinh thể đục để giúp Má giữ lại lớp võng mạc như chờ bong ra bất kỳ lúc nào.
Bác sĩ lắc đầu, “không được rồi Bà ơi, tia laser không xuyên qua được”.
– “Bây giờ làm sao Bác sĩ”, tôi hỏi Ông trong lúc Má đang được Ông khám lại.
– “Thôi giờ uống thuốc đi, kéo dài được lúc nào hay lúc đó chứ mổ nguy hiểm lắm. Nếu gia đình muốn mổ đục thủy tinh thể thì mổ, nhưng tôi không đảm bảo là không có biến chứng. Bảng giá mổ thì ở bên ngoài kia có, tùy theo kính thủy tinh thể mà giá sẽ khác nhau. Nhưng mỗ dễ có biến chứng lắm, Bà cũng già rồi. Thôi uống thuốc thì kéo dài được lúc nào hay lúc ấy, ….”
Trời ơi, tôi làm được gì cho Má đây? Con nhỏ tôi đứng đó nghẹn lời không biết nói gì nữa? Sao lại là gia đình tôi muốn mổ là được? Sao Ông bác sĩ đáng kính này không đưa phương án a,b,c gì đó sớm hơn là những toa thuốc khám đắt tiền mà không có ý nghĩa gì mấy, và rồi để bây giờ ông trả lời là thôi, để thời gian may rủi chữa cho Má.
Tôi trách mình đã chủ quan không đưa Má đi khám sớm hơn.
Tôi trách mình đã đặt niềm tin vào ông quá nhiều.
Tôi trách mình, trách mình thật nhiều….
Bài toán Má có nhiều rủi ro cho “thương hiệu” của Ông nên Ông đã quyết định chọn phương án “an toàn” nhất cho ông. Nếu chúng tôi cũng đồng ý, nghĩa là chúng tôi sẽ để Má từ từ nhìn mọi vật mờ mờ rồi không thấy nữa.
Chúng tôi phải làm gì đó cho Má chứ không thể phó mặc cho thời gian. Chúng tôi không thể! Cầu Trời Phật thương tình, cho con có may mắn tìm gặp được bác sĩ giỏi – có tâm…
——————————————————————————–
LẠI BÀN VỀ Y ĐỨC
Một bạn gởi cho tôi câu chuyện trên, với ý mong rằng tôi đừng phạm phải sai lầm như vậy. Rất cám ơn bạn đã thông tin. Phần đầu câu chuyện thì rõ ràng là bác sĩ đã sai, không nghiên cứu kĩ hồ sơ trước khi khám. Nhưng phần sau và các comment thì…
Suốt mấy năm trời tôi dính vào một vụ kiện. Hết đòi bồi thường 100 triệu, lên 800 triệu, lên 2 tỉ mấy, rồi rút xuống tỉ mấy. Khoảng 30 tờ báo xúm vào đánh hội đồng, xâu xé tôi, vùi dập tôi. Những câu giải thích rất khoa học được biến tấu thành những bức biếm họa. Tòa án thì coi tôi như kẻ thù giai cấp, và mặc định là tôi phải sai vì nếu không sai thì làm sao người ta lại kiện.
Vì sao vậy? Vì tôi đã cố gắng, đã xông vào chỗ khó khăn. Bệnh nhân bị một căn bệnh hiểm nghèo, chắc chắn sẽ liệt nếu không mổ, khả năng mổ thành công rất thấp. Tôi giải thích rõ y như vị bác sĩ trong câu chuyện, chỉ khác là không bảo tùy các người, mà phân tích thiệt hơn. Bệnh nhân chọn mổ và tha thiết muốn mổ. Nhưng cả tòa lẫn nhà báo chẳng ai thèm đếm xỉa. Mặc định có tội thì phải có tội.
Bệnh nhân không nghèo (sau này khi kiện ra tòa tôi mới biết) nhưng kể khổ, tôi bớt phần tiền công mổ của tôi, tôi cho những vật liệu mổ mà các công ty cho tôi (một vài bác sĩ khác được cho như vậy sẽ dùng cho những người nổi tiếng, hay cán bộ cao cấp để lấy tiếng, lấy lòng). Nhưng đâu có ai quan tâm. Mặc định bác sĩ là phải xấu xa, là phải ham tiền.
Thực ra thì kết quả cuộc mổ là khá tốt nếu không nói là thành công. Sau mổ, bệnh nhân khá lên được 2 năm, rồi lại xấu trở lại. Mổ lần thứ hai, khá được 1 năm rồi lại xấu trở lại. Sau vài năm, bệnh nhân yếu dần. Và như vậy thì chắc chắn là lỗi của bác sĩ. Một vài đồng nghiệp ghen tức với tôi cũng tham gia chỉ vẽ cho tòa, xoáy vào những chỗ dễ sơ hở nhất trong ngành y, nhưng cũng chẳng tìm ra gì cả. Mặc định có tội thì phải có tội. Tòa kết luận tôi sai vì… mổ cho bệnh nhân.
Trước khi trách bác sĩ, các bạn nên tìm hiểu xem cái xã hội này có để cho các bác sĩ có lương tâm không? Có xã hội nào mà chỉ cần một bệnh nhân không vừa ý là một bác sĩ có thể trở thành thân bại danh liệt, một gia đình có nguy cơ tan nát, và hàng ngàn bệnh nhân khác mất đi cơ hội không?
Tôi vượt qua được cái mớ hỗn độn, thối nát đó, nhưng tôi mất đi rất nhiều. Cái mất lớn nhất là sự đổ vỡ trong tôi. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ đến tôi khi quyết định điều gì cho bệnh nhân. Nhưng kể từ khi câu chuyện đó xảy ra, tôi luôn nghĩ đến tôi và các đồng nghiệp. Bây giờ, có khi tôi chấp nhận nguy cơ cho tôi, nhưng nếu có nguy cơ cho đồng nghiệp của tôi thì tôi sẽ tránh xa.
Những cơ hội để tôi làm được những điều lớn lao hơn đã trôi đi. Một số hãng không còn nhiệt tình ủng hộ tôi triển khai các kĩ thuật mới. Tôi cũng không có một cái bệnh viện, từ đó không có một lực lượng bác sĩ có thể thay thế tôi thực hiện các kĩ thuật mà tôi đang làm.
Nhiêu đó để lí giải cho cái mặc định: bác sĩ là vô lương tâm. Còn bây giờ nói sang chuyện nên quyết định các trường hợp can thiệp y khoa như thế nào.
Chúng ta đã quá quen với việc người khác quyết định cho mình. Con cái học cái gì là do cha mẹ lựa chọn, làm ở đâu là do cha mẹ chạy. Nghèo thì đổ tại nhà nước, tại chính quyền. Làm ăn thất bại thì đổ tại Trời, tại Phật, tại số. Đi khám bệnh, bác sĩ bảo sao làm vậy, đến khi kết quả không như ý thì đổ hết tội lỗi cho bác sĩ.
Thân mình thì mình phải lo, mạng mình thì mình phải giữ, còn nếu đã giao cho người khác quyết định thì người ta quyết định sao mình cũng ráng mà chịu. Nói ra thì hơi phũ phàng nhưng sự thực là vậy. Trên thực tế, người thiệt thòi nhất trong các quyết định sai lầm của thầy thuốc vẫn là người bệnh.
Do vậy, bác sĩ chỉ có thể và chỉ nên là người tư vấn cho người bệnh, còn quyết định phải là của người bệnh. Người bệnh sẽ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, thầy thuốc sẽ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của tư vấn của mình, về việc thực hiện đúng qui trình chuyên môn y khoa.
Theo: TS. BS Võ Xuân Sơn
[/seasidetms_text][/seasidetms_column][/seasidetms_row]