Nhìn tấm hình chụp một chiến sĩ trong vụ rơi máy bay trực thăng huấn luyện tại Hà nội bị lột trần truồng nằm giữa nền đất, một chiến sĩ khác có lẽ đang được cấp cứu, thật sự rất phản cảm.
Đầu tiên là những người chụp và đưa tấm ảnh đó lên mạng. Không biết họ nghĩ sao mà tung tấm hình đó lên? Giật gân, câu view thì cũng phải có liêm sỉ một chút chứ. Thử hỏi nếu chính những người đó nằm đấy thì họ sẽ cảm nhận thế nào khi thấy hình của mình trong tình trạng như vậy được tung lên mạng? Tôi không biết người chiến sĩ ấy còn sống không (lúc chụp hình vẫn còn sống) nhưng thân nhân của anh ấy sẽ nghĩ như thế nào khi nhìn tấm hình như vậy?
Một bạn bác sĩ đã có stt phân tích về khả năng cấp cứu của quân đội ta, lại còn so sánh với quân đội Mỹ, một bạn bác sĩ khác thì đòi cho mấy người cấp cứu nghỉ việc… Nói chung, phản ứng của nhiều người khi nhìn thấy tấm hình này đều là chê trách công tác cứu hộ và phương tiện của lực lượng cấp cứu có mặt trên tấm hình.
Tôi không biết thời điểm tấm hình được chụp là khi nào, nhưng quả là nhìn thấy va li cấp cứu thì thật là sơ sài. Có bạn nói chúng ta không quan tâm đến công tác cấp cứu tai nạn. Không biết ý kiến đó đúng đến đâu nhưng tôi cũng có phần đồng ý.
Có một lần tình cờ tôi được nói chuyện với một nhóm bác sĩ của lực lượng cấp cứu tai nạn tại hiện trường, tôi hơi bất ngờ vì họ nói về đủ thứ chuyện, nhà, đất, xe, vàng, hột xoàn… đủ thứ trên trời dưới đất và thứ nào thì họ cũng cỡ chuyên gia cả, tôi chỉ có há hốc mồm ra mà nghe. Duy chỉ có vấn đề cấp cứu y khoa là họ chẳng chịu nói đến, dù tôi cố ý lái câu chuyện về hướng ấy. Và cuối cùng, khi họ đề cập tới vấn đề cấp cứu vì tôi cứ lèo nhèo mãi thì thật tình là tôi còn bất ngờ hơn nữa, họ hiểu biết về việc cấp cứu ít hơn rất nhiều so với những lãnh vực khác mà tôi nói ở trên.
Còn nhớ hồi nào Seagame, các cầu thủ bóng đá nam của chúng ta bị đau mắt. Báo chí đưa tin là các cầu thủ đã nhỏ chanh vào mắt mà vẫn không hết. Nhiều bác sĩ trong khoa tôi đều bất ngờ. Bất ngờ vì trình độ của các bác sĩ đội tuyển bóng đá nam. Một vài người có niềm tin sắt đá còn cự nự khi có những phát biểu chê bai chuyện đó, về sau lại tự nghi ngờ mình, gọi điện hỏi thăm các bác sĩ mắt xem cách xử lí nào như vậy có đúng không. Khi các bác sĩ mắt nói là sai thì họ vẫn còn bán tín bán nghi vì theo họ thì ở tầm quốc gia, các bác sĩ ấy phải được tuyển chọn và huấn luyện kĩ lưỡng lắm.
Nhớ lại hồi đi học, chúng tôi được học bài cấp cứu ngoại khoa thời chiến. Rồi sau đó, học sĩ quan dự bị, chúng tôi cũng lại được học bài này. Thực ra thì những bài đó chủ yếu nói về nguyên tắc, cách tổ chức cấp cứu, cách phân loại và đặt thứ tự ưu tiên, không đi sâu vào chuyên môn y khoa cụ thể. Không biết trong quân y có hướng dẫn cụ thể về cách sơ cứu, cấp cứu chấn thương không? Có thời gian tôi được phân công huấn luyện cho các bác sĩ tuyến huyện ở phía nam bài cấp cứu ban đầu chấn thương cột sống, tìm hoài mà không thấy tài liệu tiếng Việt nào về vấn đề đó cả, chỉ hi vọng bên quân y có nhưng được giữ bí mật mà thôi.
Trên trang fb này, tôi đã có lần bàn về công tác cứu hộ. Thực sự thì chúng ta có vấn đề với công tác cứu hộ. Sự lúng túng trong việc cứu hộ vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế ở Sài gòn, sự hỗn loạn trong việc di chuyển bệnh nhân ra khỏi đám cháy ở bệnh viện Chợ rẫy và nhiều vụ việc khác mà chúng ta không rút ra được kinh nghiệm.
Trong một stt về vấn đề cứu hộ nhân vụ MH370, tôi có đề cập đến vụ Ô-kha. Có ý kiến phản đối. Sau đó trên Vnexpress có đăng một bài về việc cứu hộ vụ Ô-kha, được rất nhiều bạn nhiệt tình cổ vũ, mặc dù vụ đó có rất nhiều người đã mãi mãi ra đi sau nhiều ngày chờ đợi lực lượng cứu hộ. Nếu chúng ta đánh giá công tác cứu hộ dựa trên hiệu quả cứu hộ thì có lẽ sẽ rõ ràng và dễ đưa ra kết luận hơn. Trong khi bao nhiêu người còn sống khi máy bay rơi đã không được cứu sống mà chúng ta lại cứ đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thì câu chuyện sẽ mang sắc màu AQ.
Nếu chúng ta không chịu nhìn thẳng vào sự yếu kém của mình, nếu chúng ta cứ mãi tự ca ngợi mình vượt qua khó khăn nọ, khó khăn kia, nếu chúng ta cứ mãi duy trì một niềm tin sắt đá vào những hiểu biết lỗi thời và vinh quang giả tạo mà không chú trọng đến hiệu quả của công tác cấp cứu, cứu hộ thì sẽ chẳng bao giờ chúng ta khá lên được cả.
Theo TS. BS Võ Xuân Sơn.