Trượt thân đốt sống có nên tập thể dục?

truot-dot-song

Mẹ tôi 55 tuổi, có tiền căn tăng huyết áp. Bà thường đi bộ và tập cho mỡ vùng bụng giảm bằng cách nằm đưa hai chân thẳng góc 900. Gần đây bà đau nhẹ vùng cột sống thắt lưng, chụp X-quang kết luận trượt thân đốt sống L4-5 ra sau nhẹ. Bác sĩ bảo không cần uống thuốc, chỉ cần hạn chế đi lại và không tập động tác đó nữa. Xin hỏi như thế có đúng không và nên tập như thế nào?

CAO THANH NGỌC

Trượt thân đốt sống thắt lưng là hậu quả của việc khiêng nặng sai tư thế lâu ngày hoặc do té ngã, nhất là khi kèm với tình trạng loãng xương ở người lớn tuổi. Đa số trường hợp đốt sống bên trên có khuynh hướng trượt ra trước vì phần thắt lưng L4-5 có cấu tạo ưỡn nhẹ dốc xuống ra trước, ít khi bị trượt ra sau.

Nếu trượt nhiều sẽ làm biến dạng hẹp lỗ gian đốt sống nơi rễ thần kinh chạy ra, làm tê dây thần kinh lan xuống chân. Nếu trượt nhẹ, không bị “kẹt” rễ dây thần kinh thì dấu hiệu đau lưng sẽ ổn định dần.

Tuy nhiên, có thể còn nhiều nguyên nhân gây đau thắt lưng khác như thoát vị đĩa đệm, viêm khớp vùng chậu, đau khi đang bị lún đốt sống từ từ do loãng xương, khung chậu nghiêng tới trước (cơ lưng yếu kèm bụng mỡ làm mất cân bằng)… Ngoài ra cũng có thể đau do tập thể dục sai tư thế như đi bộ nghiêng người ra trước hoặc ra sau quá mức…

Vì vậy khắc phục đau lưng đôi khi rất đơn giản, đôi khi lại rất phức tạp, nhưng hầu hết đều phải đảm bảo hai nguyên tắc: 1) Tránh tư thế cột sống chịu lực nhiều như ngồi xổm, cúi khom lưng và xách nặng; 2) Tập mạnh nhóm cơ lưng và cơ bụng để giữ vững trục cơ thể.

Trường hợp chỉ bị trượt nhẹ thân đốt sống có từ trước (không phải cấp tính) vẫn có thể tập đi bộ 30 phút mỗi ngày và tập nâng chân vuông góc như bình thường.

Cách tập cơ lưng-bụng khi đang đau lưng tốt nhất ở tư thế nằm. Nâng từng chân dễ thực hiện hơn và hạn chế dồn máu lên đầu không có lợi cho người tăng huyết áp. Nên chuyển sang tay kéo gối, vai nâng 10-15cm là động tác chuẩn và hiệu quả.

BS TÔ MINH CHÂU (Hội Y học thể thao TP.HCM).