Tấm bảng

tam-ba%cc%89ng

Bản thân tấm bảng không có tội tình gì. Cái tội nằm ở chỗ quán của anh đông khách. Giống như tôi hồi xưa, cái tội lớn của tôi là để cho mọi người thấy phòng mạch của mình đông khách.

Trước khi tôi ra trường, chỉ có các bác sĩ tốt nghiệp ở Sài gòn trước 1975, mới được làm phòng mạch. Đây là một chính sách, giúp giữ chân các bácsĩ chế độ cũ ở lại Việt nam, không vượt biên đi ra nước ngoài. Các bác sĩ khác, cho dù có giỏi hay không, đều không được phép làm phòng mạch.

Khi tôi ra trường được 2 năm, nhà nước bắt đầu cho phép tất cả các bác sĩ làm phòng mạch. Phòng mạch của tôi là một trong những phòng mạch đầu tiên được cấp phép theo qui định mới. Khi đó, ngoại trừ các bác sĩ tốt nghiệp tại Sài gòn trước 1975, ở bệnh viện gần như chưa có ai có phòng mạch chính thức, chỉ mở phòng mạch chui thôi.

Cái hồi mà nhà nước cho phép các bác sĩ Sài gòn tốt nghiệp trước 1975 làm phòng mạch, có một cái qui định là bảng phòng mạch nên có kích thước 60X90cm. Đến khi tôi làm phòng mạch, không có ai qui định bảng lớn bao nhiêu. Căn nhà tôi làm phòng mạch nằm trên con đường rộng khoảng 20m, vỉa hè rộng 6m, mặt tiền căn nhà thụt vào trong so với balcon phía trên khoảng gần 3m. Tôi làm một tấm bảng 2mX0,9m. Trông nổi bật.

Phòng mạch của tôi khá đông khách. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa hơn. Bệnh nhân truyền tai nhau, càng ngày càng đông. Các đồng nghiệp cũng rỉ tai nhau, nhiều người khen tôi, nhưng cũng không ít người khó chịu ra mặt. Cuối năm đó, tôi bị cắt lao động tiên tiến, với lí do: bảng phòng mạch to quá.

Vài tháng sau, tôi còn được biết, là Ban Giám đốc bệnh viện được ai đó báo cáo, là Phòng Y tế Quận đã nhiều lần yêu cầu tôi gỡ tấm bảng xuống nhưng tôi không chịu gỡ. Khi biết chuyện đó, một lãnh đạo Phòng Y tế Quận đã định gởi công văn cho bệnh viện nơi tôi công tác. Nhưng tôi thấy không cần thiết, nên anh chỉ làm một giấy, xác nhận rằng Phòng Y tế đồng ý với tấm bảng của tôi.

Xin nói thêm là lúc đó, phòng mạch của tôi cách Phòng Y tế Quận khoảng 20m. Cách phòng mạch tôi khoảng 150m, một phòng mạch của một bác sĩ khác trong bệnh viện, có tấm bảng chạy hết chiều ngang căn nhà 5m. Rủi thay, phòng mạch đó không mấy khi có bệnh nhân nhân. Và may thay, chính vì vậy mà bác sĩ ấy vẫn cứ đạt chiến sĩ thi đua nhiều năm liền, mặc dù tấm bảng ấy có diện tích gấp 4, 5 lần so với tấm bảng của tôi.

Câu chuyện qua đi. Mấy năm sau, tôi dời phòng mạch về nhà, trong một con hẻm. Sau gần 10 năm, một chủ nhà mới về ở mặt tiền, đầu hẻm. Cô này quen với nhiều bác sĩ trong bệnh viện. Một ngày, sau khi xây xong căn nhà mới, cô ấy bắt tôi phải gỡ tấm bảng của tôi để ở đầu hẻm, bên ngoài căn nhà cô ta, và chửi tôi té tát, vì tôi là loại lang băm, vì tôi ngu dốt, vì tôi là loại vô lương tâm… rằng các bác sĩ quen với cô ấy trong bệnh viện nơi tôi làm nói như vậy.

Cô ấy còn gởi đơn kiện tôi về tấm bảng phòng mạch tới bệnh viện. Ban Giám đốc yêu cầu tôi gỡ bỏ tấm bảng. Với cá nhân tôi khi đó, tấm bảng không còn quan trọng. Chỉ tội cho bệnh nhân phải chạy lui chạy tới mới tìm ra phòng mạch. Mấy năm sau, khi cô ấy bị tai nạn, tôi mới biết, những người cô ấy quen thuộc nhóm rất “thân thiện” với Giám Đốc, luôn theo sát Giám đốc và những người nhà của Giám đốc, thuộc nhóm mà chúng tôi rất coi thường.

Câu chuyện tấm bảng quán bún bò của cái anh gì đó ở Quận 4 có lẽ cũng giống như cái bảng của tôi thôi. Bản thân tấm bảng không có tội tình gì. Cái tội nằm ở chỗ quán của anh đông khách. Giống như tôi hồi xưa, cái tội lớn của tôi là để cho mọi người thấy phòng mạch của mình đông khách.

Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn