Quan điểm về kỹ thuật cao trong phẫu thuật cột sống

ky%cc%83-thua%cc%a3t

Đầu những năm 90 của thế kỉ trước, khoa Ngoại Thần Kinh – Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được một cú sốc choáng váng khi GS. Shoskewick, một trưởng khoa Ngoại Thần Kinh của một bệnh viện tại Paris phát biểu khi thăm Bệnh viện Chợ Rẫy: “Không có CTscan thì đừng làm Ngoại Thần Kinh”. Thật là ngạo mạn và xấc xược. Lúc đó, khoa Ngoại Thần Kinh Bệnh viện Chợ Rẫy hàng ngày giải quyết một số lượng lớn các trường hợp chấn thương sọ não. Số lượng mổ chấn thương sọ não của khoa Ngoại Thần Kinh Bệnh viện Chợ Rẫy còn nhiều hơn số lượng mổ của tất cả các bệnh viện tại Paris cộng lại. Các bác sĩ khoa Ngoại Thần Kinh Bệnh viện Chợ Rẫy có lẽ là những người thành thạo nhất thế giới về thủ thuật CAG – một thủ thuật dùng kim chích vào động mạch cảnh để chụp mạch máu não, xác định các thương tổn chấn thương sọ não.

Tôi còn nhớ mãi một trường hợp xảy ra cũng vào thời gian nói trên. Dì ruột của một anh bạn bị chấn thương sọ não. Sau bao nhiêu năm học cùng nhau, ra trường mỗi đứa mỗi bệnh viện, thỉnh thoảng mới có việc cần nhờ đến nhau. Vì vậy tôi rất quan tâm tới người bệnh này. Ngoài nhức đầu thì bà hoàn toàn bình thường. 9 giờ sáng, cả khoa đi thăm bệnh, bệnh nhân còn ngồi trên giường cười nói. 9 giờ 10 phút, bệnh nhân ngưng thở. Mang đi mổ thăm dò, kết quả là máu tụ ngoài màng cứng hố sau. Nhưng vì can thiệp trễ quá nên bệnh nhân không qua khỏi. Đã mấy chục năm trôi qua, câu chuyện này vẫn in đậm trong kí ức tôi.

Năm 1994, máy chụp CTScan đầu tiên tại thành phố được lắp đặt tại Bệnh viện Nhân Dân 115, sau đó đến lượt Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi đó, các bác sĩ Ngoại Thần Kinh mới bắt đầu nhận thấy sự ưu việt của phương tiện này. Rất nhiều bệnh nhân giống như người dì của anh bạn tôi được cứu sống. Quan điểm điều trị chấn thương sọ não đã thay đổi hoàn toàn sau khi có máy chụp CTscan. Sau gần 20 năm, CTscan không còn được coi là phương tiện kĩ thuật cao nữa. Hiện nay ở Việt nam, rất nhiều bệnh viện tuyến huyện đã được trang bị máy này.

Khoảng năm 2000, GS. Yoko Kato, lúc đó là Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần Kinh Nữ Châu Á (hiện nay là Chủ tịch Ủy ban Huấn luyện và Giáo dục của Liên đoàn Phẫu thuật viên Thần kinh Thế giới), đến thăm Việt Nam. Sau đó, bà viết một bài đăng trên tạp chí của Hội Phẫu thuật Thần kinh Châu Á, trong đó cho rằng ngành Phẫu thuật Thần kinh ở phía Nam Việt Nam thua Nhật 15 năm, còn ở phía Bắc thua Nhật 30 năm. Bà miêu tả cảnh một số bác sĩ khoe khoang rằng mình không cần phương tiện gì cũng có thể mổ và giải quyết vấn đề, còn tự phong là “tay không bắt giặc”. Khi đó có rất nhiều ý kiến xung quanh bài viết này. Nhiều bác sĩ Việt Nam cho rằng bà quá sùng bái phương tiện, số khác thì “đồng hồ Tây không bao giờ sai”, một số khăn gói ra các nước để trải nghiệm và đúc rút cho mình một kết luận.

PGS. TS. Trương Văn Việt, vào những năm đầu 1980, sau khi tu nghiệp ở Đức về đã tìm cách chế tạo một bộ dụng cụ để mổ cột sống cổ lối trước. Ông là người đầu tiên ở Việt Nam mổ vào cột sống cổ bằng đường mổ phía trước. Sau ông, chúng tôi tiếp bước với những dụng cụ được sản xuất chính qui, nhận được thông qua viện trợ của Nhật và sau này là chúng tôi hoặc bệnh viện Chợ Rẫy tự mua. Năm 1998, cùng với việc lắp đặt máy chụp cộng hưởng từ, kính hiển vi phẫu thuật cũng bắt đầu được đưa vào sử dụng tại khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy. Với lợi thế là những người đầu tiên nghiên cứu và phẫu thuật các trường hợp bệnh lí cũng như chấn thương của cột sống cổ, việc ứng dụng các phương tiện phẫu thuật mới đã giúp chúng tôi duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này. Các kết quả phẫu thuật cột sống cổ của khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy đã được so sánh và cho kết quả ngang bằng với các trung tâm lớn trên thế giới. Vì vậy mà đã có những bệnh viện lớn ở Nhật Bản gởi các bác sĩ đến Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy để học mổ, ban đầu là mổ chấn thương sọ não và sau đó là mổ cột sống. Ngày nay, người ta khá quen thuộc với hình ảnh các bác sĩ Nhật Bản theo học tại đây, cư xử đúng theo đạo đàn anh đàn em trong ngành y Việt Nam.

Năm 1938, Cloward và Smith – Robinson là những người đầu tiên phát minh ra kĩ thuật mổ cột sống cổ bằng đường mổ phía trước, mở ra một kỉ nguyên mới cho những người có bệnh cột sống cổ cần phải mổ. Các tác giả này đã dùng xương chậu để ghép, hàn xương khu vực mổ. Có khoảng 15% đến 30% số lượng mảnh ghép có biến chứng. Để khắc phục vấn đề này, Caspar đã nghiên cứu và phát minh ra một loại nẹp bắt cố định vào các đốt sống. Tuy nhiên, đau vùng mổ lấy xương chậu là một trong các vấn đề làm đau đầu các thầy thuốc. Để khỏi phải mổ thêm một đường mổ vào xương chậu, người ta đã thử bằng nhiều vật liệu ghép khác nhau như  san hô, hydroxyl apatit, xương người hoặc xương bò đông khô… Hiện nay, mảnh ghép bằng vật liệu peek thắng thế. Vấn đề đau vùng mổ lấy xương đã được giải quyết.

60 năm sau Cloward, Smith – Robinson, người ta nhận thấy một khiếm khuyết của kĩ thuật ghép xương do các ông đề xướng, đó là việc phân bố lực không đồng đều cho các đĩa đệm còn lại, từ đó dẫn đến việc xuất hiện các khối thoát vị đĩa đệm cạnh chỗ ghép xương, và người bệnh lại phải mổ thêm lần nữa. Bất cứ một bác sĩ nào mổ cột sống cổ đủ lâu, đủ nhiều cũng phải đối mặt với vấn đề này. Bất cứ một bác sĩ nào có tâm, có tầm đều phải trăn trở khi đối mặt với vấn đề này. Thay đĩa đệm toàn phần (TDR) cho cột sống cổ ra đời từ những trăn trở đó. Về kĩ thuật, thay đĩa đệm cổ không có gì khó khăn so với đặt mảnh ghép. Các biến chứng nếu có thì cũng giống như mổ đặt mảnh ghép nhân tạo, còn ít hơn so với mổ ghép xương mào chậu. Tuy nhiên, khi thay đĩa đệm nhân tạo toàn phần cho cột sống cổ, các bác sĩ phải kiểm tra trước độ vững của cột sống cổ, và khi đặt đĩa đệm nhân tạo, các bác sĩ phải tuân thủ tuyệt đối qui trình của nhà sản xuất đưa ra cho từng loại đĩa đệm nhân tạo khác nhau.  Hơn 10 năm phát triển kĩ thuật thay đĩa đệm toàn phần cho cột sống cổ, đã có hàng ngàn nghiên cứu của các bác sĩ và các trung tâm hàng đầu thế giới chứng minh tính ưu việt của kĩ thuật này. Hầu hết bệnh nhân sau khi thay đĩa đệm nhân tạo đã quay trở về với cuộc sống bình thường mà không còn “dấu vết” gì của căn bệnh trước đây.

Tất nhiên, dù là phương tiện gì, dù là kĩ thuật gì thì vẫn có một tỉ lệ không thành công, một tỉ lệ biến chứng nhất định. Theo tôi được biết thì tổng các biến chứng của thay đĩa đệm cổ toàn phần ở trong nước ta còn ít hơn số biến chứng của người lớn tiếng phê phán nó khi người đó “trung thành” với kĩ thuật mổ có từ gần một thế kỉ trước. Vì vậy, không thể lấy một vài ca biến chứng mà phê phán một kĩ thuật.

Khoa học đang tiến bộ hàng ngày, các nhu cầu của con người đang ngày càng được quan tâm đáp ứng. Đường mổ cổ lối trước do Cloward cũng như Smith và Robinson phát minh ra được rạch theo chiều dọc cổ đã được cải tiến thành đường mổ ngang, gần như không để lại sẹo, giúp người bệnh không phải chịu cảnh ai đó cứ nhìn chằm chặp vào “con đỉa” bám trên cổ mình. Từ việc hàn cứng các đốt xương gây ra các hệ lụy của nó, người ta đã phát minh ra đĩa đệm nhân tạo để người bệnh sau khi mổ xong vẫn có thể xoay cổ thoải mái, lại hạn chế được sự xuất hiện của các khối thoát vị đĩa đệm mới ở những đĩa đệm trước đây không bị bệnh. Đó là một thành quả, là một tiến bộ. Trước đây, tôi có viết một bài, nói rằng thay đĩa đệm cổ toàn phần là một thành công về mặt kinh tế chứ không phải về chuyên môn. Thực chất khi viết bài đó, tôi muốn phản bác lại những ý kiến quá đề cao việc thay đĩa đệm cổ nhân tạo toàn phần, thần thánh hóa nó, đồng thời cho rằng việc thay đĩa đệm cổ nhân tạo giống như một kì công về mặt chuyên môn – phải khó khăn lắm, phải có trình độ cao lắm mới làm được.

Còn bài viết này, tôi muốn nói cái gì? Tôi muốn nói rằng khoa học đang phát triển hàng ngày, là bác sĩ, bạn phải trăn trở với những gì bạn còn chưa thể làm hoàn thiện cho người bệnh, bạn phải chắt lọc ra được những gì là có giá trị, những gì mang lại lợi ích cho người bệnh, dù là lợi ích nhỏ cũng đều đáng trân trọng. Là bác sĩ, bạn luôn phải cập nhật, nếu cái gì mình không theo kịp do tuổi tác, do khả năng, mình hãy sẵn sàng mở lòng ra, học hỏi đàn em, học hỏi những người trẻ hơn mình, bởi vì đối tượng của bạn là con người, là những con người có giá trị ngang với bạn. Hãy đừng vì mình không làm được mà nhân danh Hội này Hội khác đả kích những tiến bộ của khoa học, làm như vậy là có tội với khoa học, có tội với nhân loại, và đặc biệt là có tội với người bệnh, làm cho họ bị mất phương hướng, không phân biệt được đúng với sai, tốt với xấu. Và trên hết, hãy đừng đặt đồng tiền vào vị trí quá cao. Mạng người Việt Nam cũng giống như mạng người Mỹ, người Nhật, 10 triệu, 100 triệu hay bao nhiêu cũng không bằng mạng con người ta, dù là người Việt Nam. Nếu do chúng ta còn nghèo mà phải chấp nhận làm các kĩ thuật không phải là tốt nhất thì đành phải chấp nhận nó với sự chạnh lòng, về lâu dài phải tìm cách đóng góp đưa đất nước đi lên, làm cho dân giàu nước mạnh để có đủ tiền thực hiện những gì tốt nhất cho tất cả người bệnh. Đối với những người có đủ khả năng kinh tế, hãy cho họ hưởng những gì tốt nhất có thể, đừng bắt họ phải tiếp nhận một kĩ thuật không phải là tốt nhất chỉ vì cái “kinh tế y tế vĩ mô” gì đó.

Và một điều vô cùng quan trọng, hãy đừng vì những động cơ cá nhân mà lợi dụng diễn đàn này diễn đàn khác ngăn cản sự tiến bộ của xã hội, ngăn cản sự đi lên của nền y học nước nhà.

Theo : TS.BS Võ Xuân Sơn