Dư luận trong y tế tư nhân đang xôn xao về một bài báo đăng trên báo Dân Việt ngày 10-11-2014, nói về việc một Phòng khám, do nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh làm giám đốc, đã quảng cáo là có liên kết chặt chẽ với hàng loạt bệnh viện công.
Theo nội dung bài báo thì có lẽ Phòng khám này quảng cáo hơi “quá đà”, tuy nhiên, với cái tít: “LẠ: TP.HCM có phòng khám tư “liên kết chặt chẽ” với hàng loạt bệnh viện công”, tác giả cho thấy đây là chuyện lạ. Cách thông tin cho thấy các bệnh viện công “giãy nảy” lên khi nghe được Phòng khám kia quảng cáo như vậy.
Câu chuyện chỉ đơn giản là quảng cáo không đúng sự thật. Nếu bài báo chỉ nói trên góc độ đấy, không có gì làm cho giới y tế tư nhân xôn xao cả. Nhưng qua những thông tin của bài báo, chúng ta thấy ngay Phòng khám tư nhân là cái gì đấy không xứng đáng được các bệnh viện công liên kết, và bệnh viện công nào cũng “giãy nảy” ngay lên khi có ai đó nói họ liên kết với tư nhân.
Nhà nước qui định bao nhiêu thành phần kinh tế, cho đẻ ra y tế tư nhân, còn gán cho nó cái nhiệm vụ mĩ miều là giảm tải cho y tế công. Trong các qui định còn ghi rõ phải có cơ sở y tế công hỗ trợ. Gần đây, Bộ Y tế còn đang đẩy mạnh vấn đề kết hợp công tư trong y tế, và có lẽ đó là cách duy nhất để nền y tế của chúng ta phátb triển. Vậy mà khi có chuyện, họ giãy nảy ra.
Khi còn làm trong nhà nước, tôi có nghiên cứu mổ một loại bệnh. Đây là một loại bệnh khó, khả năng thành công thấp, không nhiều nơi mổ. Khi quyết định ra tư nhân, tôi nghĩ đơn giản là mình vẫn có thể mổ được, và thời gian đầu, mọi việc suôn sẻ. Vụ kiện kéo dài làm cho các bệnh viện tư nhụt chí, không ở đâu xin cấp phép cho tôi mổ.
Nhưng nhu cầu thì vẫn có, một số bệnh nhân đi ra nước ngoài và được mổ bằng một phương pháp có từ năm 1925, với kết quả cuối cùng rất tệ. Một bệnh viện công cho phép tôi mổ. Tôi đã mổ một số ca tại đó. Tuy nhiên, sau này khi thấy bệnh viện ấy có nguy cơ xảy ra vấn đề nội bộ, đồng thời, một bệnh viện tư nhân khác có lực lượng nhân sự và trang thiết bị rất mạnh, đồng ý và xin cấp phép để tôi có thể mổ được. Tuy nhiên, giá ở đó thì khá cao.
Một cháu bé không may bị bệnh, kinh tế gia đình không khá giả gì. Ngoài cái bệnh viện tư mà tôi nói ở trên thì chỉ có một bệnh viện công là có thể gây mê để tôi có thể mổ cho cháu (cái bệnh viện công tôi vẫn thường mổ cũng không thể gây mê cho trẻ em được). Xăm mình liên hệ với bác sĩ trưởng khoa tại đó, một đàn em của tôi. Câu trả lời là bên em không mổ được. Bệnh nhân chạy lòng vòng. Thế là một Giáo sư Pháp mổ cho cháu, tại ngay cái chỗ họ đã từ chối không cho tôi mổ.
Ở đây không bàn về kết quả của cuộc mổ (tôi sẽ bàn đến trong một dịp khác), mà chỉ nói về tư duy của hệ thống công lập. Tư nhân người Việt là một cái gì đó mà hệ thống công lập không muốn dính dáng đến, trong khi một bác sĩ từ một đất nước khác thì lại sẵn sàng chấp nhận cho họ đến đó và thực hiện cuộc mổ. Tôi đã trở thành công dân hạng hai ngay trên đất nước của mình.
Nhớ lại hồi sau 1975, nhà nước tuyên bố cho 5 thành phần kinh tế, sau đó đánh tư sản. Bây giờ, nhà nước khuyến khích tư nhân phát triển, nhưng một số nhà tư sản nội địa đã bị bắt, số khác cũng đang quẫy đạp, người thì phản ứng mạnh với chính quyền, số đông thì khuất phục, chấp nhận thua thiệt để tồn tại.
So với các nhà tư sản nội địa, những nhà đầu tư y tế tư nhân chỉ là tép riu, thậm chí tài sản của họ còn ít hơn nhiều so với tài sản của những công chức nhà nước đang quản lí họ. Thế nhưng họ vẫn là tư nhân, vẫn là thứ mà một cán bộ nhà nước nếu muốn giữ ghế phải tránh xa.
Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn