Mới chỉ có một thông tin, là Bộ trưởng Bộ Tài chính trình ý kiến đưa viện phí và học phí ra ngoài danh mục phí, chuyển sang cơ chế giá thị trường, vậy mà đã có hàng loạt ý kiến phản đối, thậm chí còn cho rằng việc chuyển viện phí sang cơ chế giá thị trường là bất nhân.
Chúng ta đã quá quen với những chính sách nhân đạo nửa vời, chỉ áp đặt, đòi hỏi mà không tính đến những tác động lên con người của nó. Tôi có thể nói rằng chính sách viện phí hiện nay là vô nhân đạo, và nó chính là nguyên nhân kéo nền y tế của chúng ta đi xuống.
Chúng ta đưa ra một mức giá dịch vụ y tế thấp, và cho rằng đó là nhân đạo, rằng với mức giá như vậy người bệnh Việt nam mới có thể trả tiền viện phí… rằng nếu cao hơn thì người ta sẽ chết vì không có tiền đi bệnh viện.
Với mức giá dịch vụ y tế hiện nay, chúng ta đang bắt buộc tất cả người bệnh Việt nam phải hưởng một dịch vụ y tế tồi tệ. Ở các bệnh viện nhà nước, chẳng có một kĩ thuật mới, tiên tiến nào có thể triển khai được mà không nhờ vào xã hội hóa. Hoặc giả có triển khai được cái gì không nhờ vào xã hội hóa thì cũng phải làm ở mức tối thiểu, cầm chừng, dựa vào số bệnh nhân nhiều để mà tồn tại.
Xã hội hóa thực chất là sự luồn lách để cho y tế tồn tại được để mà phục vụ. Nó gây ra sự phân biệt đối xử giàu nghèo ngay trong cùng một môi trường bệnh viện, đó là cái vô nhân đạo thứ nhất. Sự lẫn lộn công tư trong môi trường bệnh viện công thúc đẩy, lôi kéo các thầy thuốc vào guồng máy kiếm tiền, là nguyên nhân và động lực cho sự xuống cấp về y đức, đó là cái vô nhân đạo thứ hai.
Chính sách giá y tế hiện nay bắt các bệnh viện tuyến dưới phải trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước, không được tự chủ trong việc lên kế hoạch đầu tư về cơ sở vật chất cũng như nhân sự. Ngay cả khi được trang bị và có nhân sự cũng không phát triển được do thiếu cơ chế. Niềm tin vào y tế cơ sở ngày càng sút giảm, khó mà giữ chân bệnh nhân. Trong khi đó, các cơ sở tuyến trên có lợi thế số lượng bệnh nhân đông, có nhiều nhà đầu tư xã hội hóa, nên người ta càng đổ về bệnh viện tuyến trên, gia tăng sự quá tải. Trong khi các chương trình xã hội hóa ở bệnh viện công sống nhờ quá tải thì ai sẽ thực tâm nhiệt tình giảm tải? Đó là cái vô nhân đạo thứ ba.
Tính vô nhân đạo của giá dịch vụ y tế hiện nay thể hiện rõ nhất trong việc định giá công của nhân viên y tế. Từ đại biểu Quốc hội, quan chức chính phủ, nhà báo, người bệnh và cả người không bị bệnh, tất cả đều đòi hỏi nhân viên y tế phải là mẹ hiền, trong khi tiền công trả cho họ như bố thí cho ăn xin. Có ở nước nào mà tiền công trả cho một bác sĩ mổ ruột thừa cho người ít hơn công thiến một con heo?
Trong khi mỗi năm xã hội tiêu thụ hơn 3 tỉ lít bia, hàng trăm triệu lít rượu, nhập về nhiều tỉ đô la các xa xỉ phẩm, thì chính nó lại dậy sóng khi giá khám bệnh được nâng lên 20.000 đồng cho một lần khám bệnh của bác sĩ. Với cách định giá như vậy thì xã hội này chỉ còn có bia đạo, rượu đạo, xa xỉ phẩm đạo… chứ làm sao mà gọi là nhân đạo được.
Khi áp dụng giá dịch vụ y tế rẻ mạt, chúng ta, hoặc phải duy trì một nền y tế kém phát triển, hoặc chấp nhận sự phục vụ tồi tệ, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám chữa bệnh. Việc định giá rẻ mạt đi cùng với chủ trương xã hội hóa làm cho khối y tế tư nhân phải tự hạ thấp các thế mạnh của mình để cạnh tranh với y tế công, đưa cả nền y tế nước nhà vào chung một rọ tồi tàn.
Muốn cho y tế Việt nam phát triển, việc đưa giá dịch vụ y tế sang cơ chế giá thị trường là điều tất yếu phải làm. Đó là việc làm nhân đạo, cứu cho nền y tế nước nhà không bị vô nhân đạo hóa, giúp cho người bệnh Việt nam được hưởng một dịch vụ y tế ngang bằng với người dân các nước khác, làm cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế được đối xử như những con người thực sự.
Tôi sẽ còn bàn về những vấn đề phát sinh từ việc chuyển đổi cách tính giá dịch vụ y tế, và làm sao để người nghèo vẫn được chăm sóc y tế trong các bài viết tới.
Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn