Làm công việc mà mình yêu thích

cong-vie%cc%a3c

Khi người ta được làm việc mà mình yêu thích, người ta có thể làm việc hết mình, cống hiến hết mình, không còn nghĩ đến những yếu tố vật chất thông thường. Trên hết, tâm hồn con người ta có thể bay bổng, niềm đam mê có thể thăng hoa để mang lại những thành công ngoạn mục, truyền cảm xúc sang người khác.

Tôi không biết gì về âm nhạc, cũng chẳng phải một tín đồ của một ca sĩ hay nhạc sĩ nào. Thỉnh thoảng tôi có nghe và cảm thấy thích những ca khúc trữ tình của Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng hoặc của The Beatles. Có lẽ kiến thực về dòng nhạc trữ tình của tôi cũng chỉ vỏn vẹn có vài giai điệu bài hát của các nhạc sĩ nói trên nên đánh giá của tôi về âm nhạc có thể hoàn toàn không chính xác.

Hôm rồi tôi có dịp đi xem biểu diễn nhạc Trịnh Công Sơn nhân dịp kỉ niệm sinh nhật lần thứ 73 của ông tại phòng trà Da vàng. Như đã nói, cảm nhận âm nhạc của tôi rất tệ nên tôi không dám bàn gì về âm nhạc. Nhưng tôi lại cảm nhận được cái không khí, cái chất nghệ sĩ của người dàn dựng chương trình và nhiệt huyết của ca sĩ.

Nhạc sĩ Lê Quang, người dàn dựng chương trình đã đưa ra những thử nghiệm mới. Tôi không biết thử nghiệm có thành công không nhưng để cho một nhóm 5 ca sĩ cùng trình bày ca khúc của Trịnh Công Sơn theo kiểu tốp ca thì có lẽ đó là một thử nghiệm khá mạnh bạo, trong khi phòng trà vẫn phải bán vé, vẫn phải trả lương cho nhân viên, dù ít dù nhiều cũng vẫn phải trả cát xê cho ca sĩ.

Nhưng ấn tượng hơn cả đối với tôi ở buổi tối hôm ấy là ba ca sĩ. Đầu tiên là Mỹ Lệ. Sau khi Mỹ Lệ hát xong bài đầu thì Lê Quang bốc lên và lên sân khấu, đệm đàn cho Mỹ Lệ. Có vẻ như không có chuẩn bị trước nên tiếng đàn của Lê Quang chưa được chuẩn lắm nhưng ca sĩ và nhạc sĩ đã thực sự hoà quyện vào nhau, thả hồn theo những ca từ, những giai điệu của Trịnh Công Sơn. Cặp đôi Cẩm Vân – Khắc Triệu như không còn biết đến sự hiện diện của những người xung quanh, thả hồn cùng với sự huyền ảo của những giai điệu và ca từ của Trịnh Công Sơn, làm cho cả khán phòng như bị cuốn hút theo. Vì là người hát sau cùng nên khi khán giả vỗ tay quá lâu, Cẩm Vân đã tự động đề nghị được hát thêm, và hát thêm đến ba bài nữa.

Người gây ấn tượng mạnh nhất trong đêm nhạc đó đối với tôi có lẽ là Phương Thanh, một ca sĩ của trào lưu nhạc trẻ. Tôi không có cảm tình gì đặc biệt với Phương Thanh, thậm chí hỏi tôi Phương Thanh thành công với bài hát nào tôi cũng không hề biết. Tuy nhiên, tối hôm đó Phương Thanh đã thực sự chinh phục tôi. Ngoại trừ một vài ca khúc của The Beatles trong thời gian cực kì cô đơn bên trời tây, chưa bao giờ tôi bị thôi miên bởi ca khúc nào như “Lặng lẽ nơi này” do Phương Thanh trình bày đêm hôm ấy. Có lẽ Phương Thanh không hát, đó là sự trải lòng, sự đồng cảm. Những động tác di chuyển micro của Phương Thanh không cho ta cảm giác gì về kĩ thuật mà giống như một sự thăng hoa của tâm hồn, sự bay bổng của giai điệu và ca từ. Tôi chưa bao giờ được cảm nhận nhạc Trịnh như vậy, ngay cả khi nghe các đĩa hát của Khánh Ly, ca sĩ mà ai cũng cho là người trình bày thành công nhất những ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Lúc ra về tôi cứ suy nghĩ mãi. Với một đêm diễn có mặt những ca sĩ đã thành danh như Cẩm Vân, Mỹ Lệ, Phương Thanh, Quang Linh, Đức Tuấn, Kasim Hoàng Vũ… mà phụ thu chỉ 500.000 đồng với khoảng trên dưới 100 khán giả, trong đó có đến 20 người là các nhạc sĩ thì có lẽ cát sê của những ca sĩ này không cao lắm, vậy mà còn hát tặng thêm, còn trình bày ca khúc với tất cả sự đam mê nồng cháy. Tại sao vậy? Chỉ có thể có một lí do, đó là họ được hát những bài hát mà họ yêu thích, được hát những bài hát của các nhạc sĩ mà họ yêu thích, và chung nhất, họ được làm việc mà họ yêu thích. Khi người ta được làm việc mà mình yêu thích, người ta có thể làm việc hết mình, cống hiến hết mình, không còn nghĩ đến những yếu tố vật chất thông thường. Trên hết, tâm hồn con người ta có thể bay bổng, niềm đam mê có thể thăng hoa để mang lại những thành công ngoạn mục, truyền cảm xúc sang người khác.

Trông người lại nghĩ đến ta, tôi bỗng nhận thấy mình là người cực kì may mắn, được làm công việc mà mình yêu thích, sống được bằng công việc mà mình yêu thích, được ước mơ và được biến những ước mơ đó thành hiện thực. Giữa những bộn bề của cuộc sống thực tại, những khó khăn của thời buổi kinh tế khủng hoảng, những hệ luỵ của việc suy đồi đạo đức xã hội, vẫn còn đó những con người may mắn, được làm việc mà mình yêu thích, tâm hồn được bay bổng, được thăng hoa, cho dù có ở bên kia sườn dốc của cuộc đời, cho dù có ở độ tuổi “heo may” đi chăng nữa. Và may mắn thay, trong một xã hội luôn đề cao những giá trị thực tế của vật chất, vẫn còn đó những ước mơ, những khát vọng, những trăn trở để “lặng lẽ” biến những ước mơ, khát vọng đó thành hiện thực.

Theo : Trung Dũng