Có một câu nói mang tính triết lí: đi chùa lạy Phật, được diễn giải rằng chúng ta đến chùa để được gần Phật, chứ không phải vì các tăng ni.
Không biết mình có vô thần không nhưng tôi không thực sự đi theo một tôn giáo nào cả. Tôi chưa bao giờ đi đền, chùa, nhà thờ hay thánh đường với mục đích tâm linh. Tôi đi đền, chùa, nhà thờ hay các thánh đường ngoài mục đích tham quan, du lịch, làm từ thiện… thì chỉ vì thăm viếng người đã khuất, hoặc làm vui lòng gia đình.
Tuy nhiên, tôi tin vào thuyết nhân quả của đạo Phật, tôi thích cách tổ chức của Công giáo, tôi khâm phục sự thuyết phục giáo dân giữ giới luật của đạo Hồi. Vì mẹ tôi theo đạo Phật, vì môi trường sống của tôi gắn nhiều hơn với đạo Phật, nên tôi gần gũi với đạo Phật hơn.
Có một câu nói mang tính triết lí: đi chùa lạy Phật, được diễn giải rằng chúng ta đến chùa để được gần Phật, chứ không phải vì các tăng ni. Có thể hiểu rằng, việc các tăng ni làm gì không đại diện cho đạo Phật, hãy tin vào đạo Phật, đừng nhìn vào những gì các tăng, ni làm.
Có lẽ vì triết lí này mà mặc dù tu sĩ Thích Thanh Cường, ủy viên nghi lễ trung ương giáo hội, chánh văn phòng Phật giáo tỉnh Hải Dương, trưởng ban trị sự Phật giáo huyện Tứ Kỳ, có một đời sống vật chất cực kì xa xỉ so với một tu sĩ, khác hẳn với những giới luật của đạo Phật, được cư dân mạng đặt tên là Thích Ai Phôn hoặc Thích Vớ Tu, nhưng Giáo hội Phật giáo Việt nam vẫn chưa lên tiếng, nhằm làm trong sạch và lấy lại uy tín cho đạo Phật.
Mà không phải chỉ có một mình vị tu sĩ Thích Vớ tu kia có thể làm xấu cho đạo Phật đâu, theo tôi biết thì có một số tu sĩ ở một số chùa khá “chảnh”, như khi đi làm đám tang cho gia đình phật tử, đòi phải đi xe xịn, màu phù hợp. Có vị còn giảng lung tung, cả những thứ chẳng dính gì đến niềm tin, đạo pháp, rồi bán dĩa tùm lum. Rất nhiều tu sĩ xem ngày chọn tháng, cúng sao giải hạn… làm những việc mê tín, không phù hợp với niềm tin của đạo Phật.
Tương tự vậy, khi có những người làm những điều xấu xa, mưu cầu tư lợi nhưng lại núp dưới bóng của một lí tưởng cao đẹp, nhiều người trong chúng ta sẵn sàng cho đó là vấn đề cá nhân, không phản ánh bản chất của lí tưởng, và nhắm mắt cho qua. Đến khi những cá nhân ban đầu đó đã ảnh hưởng và tác động lên gần như toàn bộ tập thể thì mới giật mình và gào lên, lí tưởng đó sai rồi.
Cái tư tưởng ai tạo nghiệp người đó sẽ phải gánh chịu, còn mình thì cố gắng tích phước, giải nghiệp dễ làm cho con người ta thờ ơ với thời cuộc, dễ làm cho những kẻ xấu lợi dụng để chúng tha hồ khuynh đảo. Tôi cho rằng ngăn người khác tạo nghiệp cũng là tích đức cho mình, giết một con chó dại để cứu nhiều con người thì phải được coi là tích đức chứ không thể gọi đó là tạo nghiệp.
Người viết : TS. BS. Xuân Sơn