Vai trò của tiền trong Y tế

Có một câu vè mà có lẽ ai cũng biết: “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lí…”. Tiền quan trọng quá nhỉ.

Chúng ta học hành vất vả, làm việc cực nhọc để làm gì? Để cống hiến, để phục vụ, để khẳng định mình, để mang lại niềm vui cho người bệnh, để trở thành mẹ hiền…Xạo! Đầu tiên nhất, chúng ta phải kiếm sống. Khi chúng ta sống được bằng công việc của mình thì lúc ấy chúng ta mới có thể nghĩ đến những thứ tốt đẹp hơn được. Nếu bạn nào bảo tôi thực dụng, bảo tôi ham tiền thì tôi xin chịu, không cãi câu nào.

Nhân viên y tế thì cũng như mọi người, cũng có cha mẹ, anh chị em, vợ, chồng, các con, cũng phải có cái gì để hàng ngày bỏ vào bụng, cũng phải có mái nhà để trú mưa trú nắng… Nói tóm lại, mọi người có nhu cầu gì thì nhân viên y tế cũng có y như vậy, mọi người có tham vọng gì thì nhân viên y tế cũng có y như vậy. Nếu nhân viên y tế nào không có nhu cầu, tham vọng như một con người bình thường thì người đó hoặc là phi thường, hoặc là… bất thường. Suy cho cùng, phi thường cũng là một dạng bất thường mà thôi.

Do vậy, mong rằng khi bàn về nhân viên y tế, hãy đừng ai nói rằng, nếu đã chọn nghề y thì đừng nghĩ đến tiền, nếu đã làm nghề y thì đừng đòi hỏi lương bổng, bồi dưỡng. Những ý kiến kiểu đó là đòi hỏi vô lí. Hành nghề y có nhiều nét đặc thù, nhưng như vậy không có nghĩa là nhân viên y tế không có quyền có nhu cầu và tham vọng như một người bình thường.

Cho dù Đảng ta đang chủ trương đưa những người phi thường vào vị trí lãnh đạo, xin đừng ai đòi hỏi nhân viên y tế phải là mẹ hiền, cũng như đừng ai tìm cách biến nhân viên y tế thành những kẻ bất thường.

Ấy vậy mà thu nhập của nhân viên y tế ở Việt nam mới chỉ là một phần rất nhỏ trong chi phí y tế (ở Mỹ thì nó đóng góp một phần đáng kể hơn nhiều).

Các sản phẩm dùng cho y tế có giá đắt hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại dùng trong các lĩnh vực khác. Ví dụ như chai đựng thuốc. Dù làm bằng nhựa hay thủy tinh thì nó bắt buộc phải là nhựa hay thủy tinh đặc biệt, không bị tan trong các dung môi, không để cho các phân tử nhựa hay thủy tinh đi vào trong cơ thể, gây biến chứng. Những loại nhựa hay thủy tinh mắc tiền nhất sử dụng trong công nghiệp thực phẩm đều không đủ tiêu chuẩn sử dụng trong y tế. Ngay cả chi phí để xử lí rác y tế cũng đắt hơn nhiều so với rác thông thường.

Các qui trình y tế thường nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với các qui trình làm việc khác. Ví dụ như khâu vết thương. Với mỗi loại mô phải dùng loại chỉ khâu, kim khâu khác nhau. Chỉ khâu vừa khác nhau về chất liệu, tiết diện, độ dài, vừa khác cả về mức độ tương tác với cơ thể (tiêu nhanh, tiêu chậm, không tiêu). Kim khâu vừa khác nhau về hình dáng tổng thể (cong ½, 1/3, ¼ hay 2/5 vòng tròn, thẳng…), hình dạng tiết diện (tam giác, tròn, bầu dục…), kích cỡ (tiết diện, độ dài…). Rồi cách tiếp nối giữa kim và chỉ, kim to hơn chỉ, chỉ to hơn kim, tiếp nối mềm, tiếp nối nửa cứng…

Có bạn comment, rằng “mổ tiểu phẫu tính tới 3 cuộn chỉ, để cuốn 10 vòng quanh người à”, đúng là không hiểu. Có những ca mổ tiểu phẫu dùng tới 5 hay 6 loại chỉ khác nhau, đương nhiên mỗi loại là một “cuộn” khác nhau. Đấy là chưa kể bác sĩ Việt nam tiết kiệm chỉ tối đa. Các bác sĩ Mỹ cứ mỗi mũi khâu là 1 sợi chỉ, kể cả những loại chỉ có giá vài trăm đô la một sợi.

Qui trình vô trùng cũng vậy. Vừa phải bảo đảm tránh nhiễm trùng cho người bệnh, nhưng cũng phải tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế. Với một số dụng cụ, bạn phải sử dụng găng, một số khác phải dùng tay trần. Bạn đang mang găng phải tháo ra (đương nhiên là phải vứt đi) để cầm vào thứ cầm bằng tay trần, rồi lại phải mang găng lại. Người bạn trên cho rằng dùng 12 cặp găng sạch cho tiểu phẫu là quá nhiều. Còn tôi thì khẳng định không nhiều, hay nói cho đúng hơn, nếu dùng ít hơn có nghĩa là bạn bị nguy hiểm rồi đấy.

Ở Việt nam, máy móc, thiết bị, vật tư y tế đều mắc hơn rất nhiều so với nước ngoài một cách vô lí. Thêm nữa, có qui định bắt buộc bệnh viện không được phép thu thêm tiền cho thuốc và vật tư tiêu hao, mua bao nhiêu thì tính cho bệnh nhân bấy nhiêu. Từ đó, chênh lệch giữa doanh thu và chi phí rất ít, lợi nhuận thường bằng 0. Trên thực tế, vốn lưu động rất ít hay gần như là không có, thường phải chiếm dụng vốn của các công ty dược.

Vì vậy, cho dù chi phí cho mỗi ca bệnh rất lớn, doanh thu rát cao, nhưng khả năng chịu đựng tài chính của các bệnh viện đều rất mong manh, phải dựa vào lòng tốt của các công ty dược. Đã có lúc, một bệnh viện bị BHYT nợ một số tiền khá nhỏ so với doanh thu của bệnh viện. Dù phải xử lí bằng chậm trả lương cho nhân viên, nhưng bệnh viện vẫn bị các công ty dược ngưng cung cấp thuốc, gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động. Không biết khi đó có đám tang oan nào xảy ra hay không?

Các bạn ngoài ngành y và cả trong ngành y có thể kể ra bao nhiêu là bất cập trong thu chi ở các bệnh viện, nhưng có lẽ chỉ khi nào các bạn ở vào vị trí quản lí một cơ sở y tế, các bạn mới hiểu được, tiền quan trọng như thế nào đối với y tế.

Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn