Tổ chức hệ thống y tế khám chữa bệnh

Hiện nay, hệ thống khám chữa bệnh được phân tuyến thành 4 cấp từ thấp đến cao: xã, huyện, tỉnh và trung ương. Mỗi cấp được trang bị theo một tiêu chuẩn khác nhau, biên chế nhân sự khác nhau về số lượng. Về mặt kĩ thuật, mỗi tuyến chỉ được phép thực hiện một số kĩ thuật nhất định, tuyến dưới ít hơn tuyến trên. Theo sự phân cấp trên, đương nhiên là các tuyến cao giỏi hơn, được trang bị tốt hơn, khả năng khám chữa bệnh cao hơn.

Đối với cái thưở “hồng hoang”, cả nước chỉ lèo tèo vài bác sĩ, ngân sách chỉ đủ mua mấy cái máy Liên Xô cà ạch cà đụi, thì đây là cách phân tuyến khôn ngoan, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị. Tuy nhiên, cùng với sự hội nhập với thế giới, y khoa Việt nam đã phát triển mạnh kể cả về lượng và chất, nhu cầu của xã hội cũng phong phú và đa dạng hơn, cách phân tuyến như trên đã trở nên lạc hậu và ngăn cản sự phát triển của ngành y.

Trong các nhu cầu của con người ta, nhu cầu chữa bệnh có những đặc điểm khác biệt so với những như cầu khác. Nó liên quan mật thiết đến sự tồn tại của con người, ở một chừng mực nào đó, nhu cầu chữa bệnh là những nhu cầu quan trọng nhất của con người. Do vậy, việc người bệnh không chấp nhận khám chữa bệnh ở tuyến dưới, nơi mà bác sĩ thì không được đào tạo, trang thiết bị thì nghèo nàn, là chuyện đương nhiên. Việc bắt buộc người bệnh khám bệnh theo tuyến là hết sức phản tự nhiên.

Về mặt chuyên môn, không một bác sĩ nào muốn mình trở thành bác sĩ hạng hai cả. Cũng không có tiêu chuẩn nào cho thấy người bác sĩ tuyến trên là giỏi hơn, là xứng đáng được đào tạo hơn, để từ đó cho phép họ làm những cái khó hơn, và quay trở lại, làm thầy của người bác sĩ tuyến dưới. Cách phân tuyến như hiện nay kềm hãm sự phát triển của các bác sĩ, của cơ sở y tế, từ đó, kềm hãm sự phát triển chung của y tế nước nhà.

Việc chuyển giá dịch vụ y tế sang cơ chế thị trường mở ra một triển vọng mới để tổ chức lại hệ thống y tế. Thay vì tổ chức theo hàng dọc từ dưới lên trên như trước giờ, việc tổ chức hệ thống y tế theo hàng ngang sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề quá tải, căn bệnh trầm kha của y tế Việt nam.

Hệ thống khám chữa bệnh nên được chia làm 2 loại, loại khám chữa bệnh ban đầu, và loại điều trị tập trung. Hệ thống khám chữa bệnh ban đầu là các bác sĩ gia đình, quản lí bệnh nhân từ gốc, điều trị tại chỗ các căn bệnh thông thường, hỗ trợ cho y tế dự phòng trong việc tiếp cận người dân, thực hiện các chương trình y tế dự phòng. Khi cần thiết, các bác sĩ gia đình sẽ chuyển bệnh nhân đến các cơ sở khám chữa bệnh tập trung (là các bệnh viện như hiện nay). Việc chuyển bệnh nhân đến cơ sở nào là do bác sĩ gia đình và bệnh nhân quyết định, không bắt buộc theo tuyến nào cả, chỉ dựa trên khả năng chuyên môn và giá cả.

Ngoại trừ những cơ sở phục vụ cho người nghèo, các cơ sở y tế sẽ được toàn quyền định giá dịch vụ, quyết định hình thức hoạt động chuyên môn, bác sĩ gia đình, đa khoa hay chuyên khoa. Khả năng chuyên môn, chất lượng dịch vụ và giá cả sẽ là những yếu tố thu hút bệnh nhân. Thị trường sẽ điều tiết, sẽ không còn cảnh quá tải, ngoại trừ những đợt dịch bệnh đột xuất.

BHYT sẽ không còn được quyền bắt bệnh nhân phải chữa ở đâu, chỉ có thể phân biệt nhóm có giới thiệu của bác sĩ gia đình (được trả toàn bộ chi phí ở mức cơ bản, phần vượt trội bệnh nhân tự trả), và nhóm không đi theo giới thiệu của bác sĩ gia đình (được trả một phần chi phí ở mức cơ bản, ngoại trừ cấp cứu).

Ở những khu vực mà y tế có khả năng sinh lợi nhuận, nên để cho tư nhân gánh vác. Các cơ sở y tế hiện có của nhà nước ở những vùng đó cũng nên chuyển cho tư nhân quản lí. Nhà nước tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực chuyên môn, những khu vực có khả năng sinh lợi kém, bảo đảm cho người nghèo và người dân được hưởng các dịch vụ y tế, ít nhất là ở mức cơ bản.

Hàng năm, một tổ chức độc lập đánh giá, xếp hạng các cơ sở y tế theo những tiêu chí cụ thể, khoa học. Dựa trên cơ sở xếp hạng và cảm nhận thực tế của mình, bệnh nhân sẽ quyết định đến với cơ sở nào.

Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn