Tiếng hát trong phòng mổ

Âm nhạc làm cho tâm hồn con người ta được thư thái, làm tan biến đi những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi người có một loại âm nhạc yêu thích, có những bài hát ưa thích của riêng mình. Khi những bản nhạc, bài hát yêu thích cất lên, tâm hồn như bay bổng, thậm chí có lúc con người ta trở nên khoái lạc, đê mê. Chẳng vậy mà có những ban nhạc làm say mê hàng triệu khán giả, đến mức mà người ta nói những bài hát của họ có chất ma túy.

Có rất nhiều bệnh viện, nhiều phẫu thuật viên, đặc biệt là ở các nước phát triển, luôn mở nhạc khi mổ. Nhiều khi phẫu thuật viên còn hát cả trong lúc đang mổ. Âm nhạc giúp cho phẫu thuật viên và kíp mổ giảm đi được những căng thẳng trong cuộc mổ, từ đó tăng cường độ tập trung hơn (ngược lại với suy luận của một số người là làm giảm mức độ tập trung của phẫu thuật viên). Việc nghe các phẫu thuật viên hát trong lúc mổ là việc bình thường đối với nhiều phòng mổ, bình thường giống như việc nghe các phẫu thuật viên quát tháo, la lối. Cuộc mổ luôn là một thử thách đối với thần kinh của các phẫu thuật viên, của những người tham gia kíp mổ. Việc la hét cũng như việc ca hát của các phẫu thuật viên đều chỉ nhằm một mục đích: giảm căng thẳng. Chính vì vậy mà những ai đã từng làm việc ở các phòng mổ đều rất thông cảm với cái tính khí thất thường của các phẫu thuật viên khi bước vào phòng mổ.

Đối với người bệnh, cuộc mổ là một thử thách còn lớn hơn rất nhiều đối với các phẫu thuật viên và những người tham gia kíp mổ. Trong đa số trường hợp, người bệnh được gây mê, và khi cuộc mổ xong rồi thì người bệnh mới tỉnh dậy, họ không được chứng kiến cuộc mổ, không nghe thấy các phẫu thuật viên quát tháo hay ca hát. Nếu như người bệnh mà nghe thấy những điều trên thì chắc là phải lo sợ lắm.

Nhưng gây mê lại là một biện pháp được gọi là “xâm lấn”, có nghĩa là có thể xảy ra biến chứng, thậm chí có thể gây chết người. Chính vì vậy mà hiện nay, xu hướng gây tê đang ngày càng được các bác sĩ chọn dùng cho bệnh nhân. Điều này giúp giảm thiểu tối đa các nguy cơ cho người bệnh. Đối với phẫu thuật viên, mổ cho một bệnh nhân tỉnh, không được gây mê là một thử thách lớn hơn rất nhiều so với mổ cho bệnh nhân được gây mê. Phẫu thuật viên có thể hát nhưng lại không thể hét, bởi vì nếu hét thì người bệnh có thể sẽ lo sợ dẫn tới nguy hiểm. Thế nhưng trong lòng đang sôi lên, chỉ muốn hét mà lại phải ráng hát thì có lẽ máu trong người phải sôi lên quá. Vì sự an nguy của người bệnh, các phẫu thuật viên đã chấp nhận thử thách, chỉ mong mang lại càng nhiều lợi ích cho người bệnh càng tốt.

Đối với nhiều bác sĩ ở Việt Nam, việc mổ cột sống mà chỉ gây tê đôi khi được cho là chơi trội hoặc chơi ngông. Với tần suất tai biến thấp hiện nay của gây mê, việc gì mà phải quan trọng hóa vấn đề. Đây chính là nền tảng tư duy của điều trị ít xâm lấn. Để bớt đi vài trường hợp tai biến, những người ủng hộ tư tưởng điều trị ít xâm lấn chấp nhận bỏ ra nhiều công sức, tiền bạc để đạt được mong muốn, giảm bớt tai biến, giảm bớt lo lắng cho người bệnh. Và đến một ngày kia, khi phẫu thuật viên và cả kíp mổ đang vừa làm việc, vừa thưởng thức một khúc tình ca. Một giọng ca lạ khe khẽ cất lên. Mọi người ngỡ ngàng nhìn nhau và tìm quanh xem có người lạ nào vào trong phòng. Không có. Thì ra là bệnh nhân. Trong một phút giây, người bệnh đã quên mất là mình đang nằm trên bàn mổ, cất tiếng hát hòa cùng với tiếng hát phát ra từ chiếc loa trong phòng mổ.

Có lẽ trên đời này ít có phẫu thuật viên nào được may mắn như tôi, được nghe chính người bệnh đang nằm trên bàn mổ, chính người bệnh mà mình đang mổ cất tiếng hát. Thật bõ công cho những ngày tháng nhọc nhằn ở sa mạc Arizona, bõ công cho những lúc ướp mình trong bầu không khí đặc quánh formol của các phòng xác. Và tiếng hát ấy còn khẳng định một điều khác, rằng tôi đã được nhiều hơn mất khi quyết định rời Chợ Rẫy trong độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời phẫu thuật viên.

Bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu sóng gió dường như tan biến sau tiếng hát đó. Niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào tương lai, đã có lúc tưởng như đã mất, tưởng như sụp đổ, nay đã sống lại. Tất cả bắt đầu trở lại từ một tiếng hát, tiếng hát của người bệnh đang nằm trên bàn mổ.

Theo : T.D