Thầy thuốc và rác rưởi, ai hơn ai?

Bệnh nhân vào cấp cứu. Chỉ có một bệnh nhân nhưng ba bác sĩ cùng hơn chục điều dưỡng tập trung vào cấp cứu. Sự nhiệt tình của các bác sĩ và nhân viên được người nhà cho rằng các bác sĩ không đủ khả năng chữa bệnh. Rồi bệnh nhân xin chuyển đi vì cho rằng bệnh viện không đủ khả năng chữa trị. Đây là sự sỉ nhục về chuyên môn vì khám chữa cho bệnh nhân là các bác sĩ thuộc các bậc học cao nhất trong ngành y như Tiến Sĩ, Bác Sĩ chuyên khoa cấp II, những bác sĩ mà bệnh nhân sẽ khó có dịp để được thăm khám bởi một nhóm như vậy. Nhưng thôi, khách hàng là thượng đế, giải thích họ không nghe thì phải chịu thôi chứ sao. Bệnh nhân không chịu thanh toán tiền ngay vì cho rằng người nhà mình nặng quá. Thì thôi vậy, họ sốt ruột thì mình cũng ráng cắn răng mà thông cảm.

Mấy ngày sau, người nhà quay lại, khẳng định rằng bệnh viện không làm xét nghiệm, tại sao thu tiền xét nghiệm. Họ ngang nhiên chỉ mặt các bác sĩ, điều dưỡng, những người đã tận tâm với người nhà họ mà họ đã sỉ nhục. Trước đây, họ chửi rằng các bác sĩ, các điều dưỡng là quân ăn cướp. Họ còn giật cả bệnh án, may mà có mấy anh công an lấy lại được bệnh án chứ không thì không biết họ còn làm cái gì nữa. Hỏi ra thì họ cho biết là người nhà của họ nói là không thấy làm xét nghiệm, nhưng đến khi tìm hiểu kĩ, thì ra họ chỉ muốn làm ầm ĩ, để bệnh viện chán không đòi thanh toán khoản tiền họ thiếu.

Trước đó mấy hôm, nhân viên thu ngân của bệnh viện không thể thu tiền chênh lệch của một cán bộ hưu trí thuộc diện Bảo hiểm y tế với lí do ông ta đưa ra là ông ta ngu dốt, không biết gì cả nhưng từ xưa đến giờ ông đi khám bệnh không phải trả tiền, cho nên giải thích gì thì giải thích, ông không trả tiền. Cuối cùng nhân viên thu ngân bỏ tiền ra trả để cho yên chuyện vì ông ta tuy nhận mình là ngu dốt nhưng khoe thành tích thời tham gia nọ kia.

Cũng trước đó không lâu, vào dịp sắp đến ngày Thầy thuốc Việt Nam, cả bệnh viện phải họp lại để giải trình với Thanh tra Sở Y tế một trường hợp không biết phải gọi là cái gì. Một chị Ba chị Tư gì đó, xưng là Việt Kiều, than đau cổ gáy, đau lưng, đau khớp vai, đau khớp gối hai bên, muốn đến khám bệnh tổng quát, yêu cầu khám kĩ và xin cho tầm soát đủ thứ. Các bác sĩ khám và cho làm một số xét nghệm, chụp XQuang. Sau khi chụp XQuang xong chị có than là chụp nhiều quá, liệu có hại cho sức khỏe không?. Nhân viên bệnh viện giải thích cho chị với số lượng XQuang như vậy là không nhiều, đồng thời, mức độ có hại của XQuang cũng không phải là cao lắm với việc chụp XQuang thông thường bằng các loại máy chụp Xquang hiện đại hiện nay. Khám xong chị vui vẻ ra về, tổng chi phí khoảng 1 triệu 8 trăm ngàn đồng, tức là chưa đến 90 đô la. Sau khi chị về khoảng 10 ngày thì Thanh tra Sở Y tế xuống, đưa ra một xấp giấy photo các ghi chép lộn xộn trên những mẩu giấy lộn với những dòng chữ to nhỏ khác nhau, lúc nằm ngang, lúc nằm dọc, có lúc viết bằng bút mực, có lúc bằng bút lông… rằng mấy ngày qua không ăn uống gì được do bị nhốt trong phòng XQuang, rồi thì mô tả bệnh viện giống như nơi mà sẵn sàng làm đủ thứ xét nghiệm không cần thiết để thu tiền, nào là bác sĩ bệnh viện tàn nhẫn vô lương tâm… Đáng chú ý là trong mớ giấy lộn chỉ có một chỗ là có chạm đến tên người nhận, đó là câu: “Em D. ơi, em có khỏe không…” trong đó em D là một cán bộ thành ủy, rồi thì những lời cay độc, những yêu cầu dẹp bỏ bệnh viện…

Kinh tế thị trường sản sinh ra những thứ rác rưởi, sẵn sàng vì vài trăm ngàn mà sỉ vả các bác sĩ, điều dưỡng, những người có ăn có học. Những thứ rác rưởi đó cũng sẵn sàng chà đạp lên những nỗ lực của những con người có giá trị, đáng lẽ phải được kính trọng trong xã hội, chỉ vì những suy xét ở tầm mức hiểu biết nông cạn, rồi mượn danh người này người khác để chà đạp. Và điều đáng nói hơn là hiện nay chúng ta đang ở trong một thời kì nửa thị trường, bởi vì mặc dù chúng ta có đủ thứ luật, luật dân sự, luật khiếu nại tố cáo, luật tố tụng hình sự… nhưng những mẩu giấy lộn cũng được coi là cơ sở để thanh tra, những thứ rác rưởi, cặn bã cũng có thể gây khó dễ cho các thầy thuốc. Vậy thì ai bảo vệ những người thầy thuốc đây? Ai bảo vệ nhân phẩm của họ?

Nhớ đến các bài báo ghi nhận lại tố cáo của bệnh nhân về các bác sĩ, nhân viên y tế vô lương tâm, không quan tâm đến bệnh nhân, không biết các thông tin đó chính xác đến đâu, hay lại là những thông tin từ những thứ rác rưởi, cặn bã, chung qui thì cũng chỉ là để không phải trả tiền, hoặc muốn kiếm chác ít nhiều từ thầy thuốc?

Khi tôi bước chân ra khỏi hệ thống y tế nhà nước, tôi chỉ nghĩ đơn giản là tôi có nhiều cơ hội để thực hiện được những ước mơ tốt đẹp, thực hiện được các kĩ thuật tiên tiến, mang những tiến bộ khoa học đến cho đồng bào, cho nhân dân. Và tôi trở thành anh hùng trong mắt một số người, nhưng số khác lại bảo: “Thằng ngu”. Tiếc rằng cho đến bây giờ, suy nghĩ của “số khác” lại là đúng. Lúc đó tôi không biết rằng ở ngoài kia có những con người sẵn sàng cắn xé nhau vì tiền, có những con người sẵn sàng sổ toẹt vào mọi cam kết, chỉ vì những lợi lộc vật chất nhỏ nhoi mà có những hành vi vô liêm sỉ, có những con người chỉ biết lợi dụng người khác, sẵn sàng lừa lọc nhau dù vẫn nói vẫn cười. Lúc đó tôi không biết rằng có những thứ rác rưởi mang danh con người. Và đặc biệt, tôi không biết rằng tư nhân là cái gì đó không được quyền tồn tại bình thường, không được có danh dự, có nhân phẩm trong xã hội này.

Rõ ràng là tôi đã không đúng khi chọn cho mình con đường mà tôi đang đi hôm nay. Tôi không rõ tôi sai bắt đầu từ bao giờ. Có lẽ sai lầm lớn nhất là khi tôi bước chân vào ngành y, ngành mà ai cũng có quyền đòi hỏi người vào đó phải có lòng trắc ẩn, phải có lòng nhân đạo, nhưng nếu có ai chà đạp lên thì những kẻ bị chà đạp lại chỉ là vật vô tri, không đáng phải quan tâm, không đáng phải bảo vệ. Hoặc có lẽ sai lầm của tôi là khi bước chân ra khỏi bệnh viện Chợ rẫy. Nếu còn ở Chợ rẫy, có lẽ tôi sẽ oai hơn bây giờ cho dù tôi không làm được kĩ thuật gì mới cả, có lẽ ngoài sếp và các sếp của các sếp thì chẳng ai dám sỉ nhục tôi, chà đạp tôi. Hoặc sai lầm của tôi là ở chỗ muốn làm một cái gì đó cho đến nơi đến chốn, muốn xây dựng cái gì đó cho thật qui củ, yêu cầu nhân viên phải hết sức nhã nhặn với khách hàng, bệnh nhân, làm cho họ nghĩ rằng chúng tôi không biết phản kháng, không dám phản kháng.

Bây giờ tôi nên làm gì? Cứ chịu đựng, cứ để cho người ta chà đạp? Bỏ cái nghề đòi hỏi lòng trắc ẩn này, đi làm cái nghề nào không cần lòng trắc ẩn? Thích nghi với rác rưởi? Hay là biến mình thành rác rưởi?

Muốn làm một con người với đúng nghĩa con người sao mà khó thế. Muốn sống ngay thẳng, trung thực, nhân ái sao mà khó thế. Nhưng tôi ơi, liệu tôi có đủ khả năng trở thành rác rưởi được không? Hình như không phải ai cũng có khả năng trở thành rác rưởi được đâu, rác rưởi cũng phải có gen rác rưởi, hay ít nhất cũng phải có truyền thống, có sự giáo dục đủ mạnh để có thể trở thành rác rưởi, trở thành cặn bã được.

Gần đến tuổi về hưu rồi, vậy mà vẫn còn hỏi những câu hỏi của kẻ mới vào đời, thật đáng thương cho kẻ không biết trưởng thành, không biết lớn.

Theo : TD