Tâm, mắt, tai và miệng

Nếu tâm ta sáng, lời giải thích của bác sĩ mới lọt vào tai ta, mắt ta mới nhìn thấy được họ cố gắng như thế nào. Ngược lại thì…

Bữa đó, cậu Sáu, út nam trong nhà, đi nhậu về bị té xe, chấn thương đầu, được đưa vào cấp cứu. Bác sĩ nói: “Bệnh nhân cần nằm theo dõi đêm nay”. Thỉnh thoảng ngó qua khe cửa, người nhà thấy mấy bác sĩ, y tá chạy tới chạy lui với một người bệnh nằm cách mấy giường, không thấy ai ngó ngàng gì tới cậu Sáu cả.

Anh Hai lo lắng: “Chắc không quen biết gì nên họ bỏ lơ”. Thế là đôn đáo, sau khi nhờ được ông sếp của cậu em rể của vợ anh Ba cùng cơ quan với chú Tư hàng xóm của ông xui gia bên nhà chồng cô Út, nói chuyện với một bác sĩ làm ngay trong cái khoa mà cậu em đang nằm theo dõi. Sau 7 tầng điện thoại, người nhà được biết: “Trường hợp này chấn thương đầu, cần theo dõi”.

Anh Hai sốt ruột: “Theo dõi gì kì vậy? Không có tiền nên chúng nó bỏ lơ”. 11 giờ đêm, 7 cú điện thoại đi từ cô Út cho tới cái ông bác sĩ làm trong cái khoa mà cậu em đang nằm theo dõi. Rồi lại 7 cú điện thoại quay trở ngược lại cho tới cô Út: “Để người ta theo dõi, tiền bạc cái gì, lộn xộn”.

Không biết làm gì hơn, cả nhà xúm lại với nhau trong sân bệnh viện. Những người khác cũng vậy. Họ làm quen với nhau, bao nhiêu là câu chuyện được kể, nào là các bác sĩ bây giờ là phải có phong bì, nào là bệnh viện bây giờ là phải có tiền thì mới chịu cấp cứu. Cứ nhìn vào trong phòng cấp cứu mà xem. Có một người bệnh mà lúc nào bác sĩ, y tá cũng xúm lại, chắc là quen biết lớn, hay đại gia chi đó. Tội nghiệp cho mấy người bệnh khác, không ai ngó ngàng gì.

2 giờ sáng, cửa sau phòng cấp cứu xịch mở. Một chiếc băng ca được đẩy ra, trên đấy có một người nằm, tấm khăn trải che kín mặt, lộ 2 bàn chân ra ngoài. Một người hô lớn: “Người nhà của ai chết rồi nè, lại nhận mặt đi”. Thế là ồn ào: “Sao người bệnh chết mà không báo cho thân nhân, lẳng lặng đẩy xuống nhà xác là sao?”, “Nãy giờ mọi người ngồi đây đâu có ai được kêu”. “Giở mặt ra cho tụi tui coi coi”. Cô hộ lí đẩy xe gằn giọng: “Ca này vô danh, không có người nhà, đừng có mà suy diễn bậy bạ”. Ai đó cất tiếng: “Y bác sĩ gì mà ăn nói cộc cằn vậy”.

Chiếc băng ca được đẩy ra cửa sau bệnh viện. Một người nói: “Tai nạn vào đây mà không có người nhà, chắc không có ai đóng tiền nên chúng nó để cho chết”. Một cô kể: “Tuần trước chị dâu tôi thai 7 tháng không thấy đạp, vô bệnh viện phụ sản kêu thai chết rồi. Mình không có tiền, chúng nó không chịu mổ, bắt chờ sanh thường, mặc cho người nhà năn nỉ xin mổ đã đời”. Rồi mọi người thi nhau kể những câu chuyện chứng tỏ cho cái y đức tồi tệ của y tá, bác sĩ thời nay.

Cùng một sự việc, nhưng mỗi người lại có nhận định khác nhau. Các họa sĩ nói đó là do góc nhìn, nhưng người khác lại bảo là do cái tâm của ta mà ra. Khi tâm không an, cho rằng người trước mặt mình là ác, thì chúng ta thấy mọi việc họ làm là ác. Và khi tâm ta nghiêng về cái xấu, thì mắt ta chỉ nhìn thấy cái xấu, tai ta chỉ nghe được tiếng xấu, miệng ta sẽ nói ra những điều xấu. Không phải không có cái tốt đẹp, có đấy. Cái tốt đầy rẫy ngay trước mặt, nhưng cái tâm chất chứa sự xấu xa không cho phép ta nhìn thấy hay nghe thấy điều tốt đẹp.

Nếu cái tâm ta trong sáng, câu chuyện sẽ được nhìn thấy như thế này:

Cậu Sáu bị chấn thương đầu, cần theo dõi, có nghĩa là cậu ấy phải nằm đó, các bác sĩ chỉ cần ngó qua tư thế nằm, vài ba tiếng đồng hồ kiểm tra xem cậu ấy có dấu hiệu gì không, in hệt như bác sĩ giải thích lúc đầu.

Còn cái ca mà bác sĩ y tá xúm xít vô kia là một người bị đột quị trên đường, người đi đường đưa vô bệnh viện mà không có thân nhân. Các bác sĩ, y tá đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn không cứu được, tử vong lúc 2 giờ sáng. Chẳng liên quan gì đến tiền bạc.

Về cái thai lưu. Khi con bị nguy hiểm đe dọa thì người ta mới mổ, vì mổ là làm hại cho mẹ. Khi thai đã chết thì tìm cách cho sanh thường, tránh làm hại thêm cho người mẹ. Chỉ khi nào không thể trục được cái thai lưu kia ra thì người ta mới mổ.

Nếu tâm ta sáng, lời giải thích của bác sĩ mới lọt vào tai ta, mắt ta mới nhìn thấy được họ cố gắng như thế nào. Ngược lại thì…

Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn