Quyền được chết

Tất nhiên, nếu chúng ta ủng hộ quyền được chết, chúng ta phải có đầy đủ các qui định pháp lí, các qui trình cụ thể, để có thể xác định thực sự người bệnh đã hết hi vọng cứu chữa, và nguyện vọng được chết của người bệnh không phải do một trạng thái tâm thần bất thường chi phối, cũng không phải là một nguyện vọng nhất thời.

Đọc truyện Kim Dung, thấy các “cao nhân” của các môn phái có chút tà tính hay dùng các chiêu khống chế đối thủ bằng cách làm cho họ đau đớn đến mức muốn chết để mà giải thoát cũng không thể chết được. Đứng đầu có thể kể đến là Sinh tử phù của Tiêu dao phái.

Kim Dung đã dùng Sinh tử phù để mô tả sự đau đớn, vật vã của kẻ ác khi đền tội. Trước hình ảnh một Đinh Xuân Thu quằn quại trong đau đớn, ngay cả các hào kiệt võ lâm, cả chính lẫn tà, đều phải nhăn mặt và rùng mình khi nhìn cảnh ấy.

Trong truyện, vẫn có một Hư Trúc, người đã “ám” Sinh tử phù vào Đinh Xuân Thu, là có khả năng giải được độc tố của Sinh tử phù. Bản thân Hư Trúc đã giải Sinh tử phù cho quần hùng ở 36 đảo và 72 động. Nhưng nếu Hư Trúc không giải được Sinh tử phù, và không ai trên đời này giải được nó, người bị “ám” Sinh tử phù là những quân tử trong quần hùng, lỡ bị ác nhân “ám” thì sao?

Đấy chính là câu chuyện chúng ta đang nói đến. Bạn đứng đó, nhìn người bệnh quằn quại trong đau đớn từ ngày này sang ngày khác mà chẳng làm gì được cho người ta. Người bệnh thì chỉ muốn được giải thoát. Với họ, mạng sống không còn giá trị gì nữa, ngoài việc làm cho nỗi đau khổ của họ kéo dài thêm.

Khi đó, người bệnh muốn được chết. Tất nhiên bạn sẽ giải thích cho họ, mạng sống quí giá như thế nào, rằng chúng ta phải nuôi hi vọng, rằng chúng ta phải trân trọng mạng sống mà Đấng tạo hóa ban cho… Bạn nói hay lắm, nhưng bạn đâu có đau đâu mà biết cái khát vọng được chết kia lớn như thế nào.

Ngày nào bạn cũng đứng nhìn người bệnh quần quại, la thét, đòi chết. Ngày nào bạn cũng cố gắng thuyết phục người bệnh, dũng cảm lên, đừng có nghĩ đến cái chết, có khi bạn còn nhỏ những giọt nước mắt, có khi bạn vừa nuốt nước mắt, vừa cố vui đùa, nói tếu với người bệnh… Và bạn cảm thấy thanh thản, vì bạn không giết người.

Con người có quyền được sống, vậy thì họ cũng có quyền được chết. Mạng sống quí giá thật, sự sống quí giá thật, nhưng trong những hoàn cảnh nhất định, vào một thời điểm nhất định, đối với một con người nhất định, nó mất đi sự quí giá, và trở thành nguồn gốc cho những đau khổ mà họ phải gánh chịu. Chủ sở hữu của cái cuộc đời đang mang cái sự sống ấy phải có quyền được lựa chọn, cái gì là tốt nhất cho họ.

Nếu người thầy thuốc quan niệm rằng việc giúp cho một người bệnh được chết khi không còn khả năng cứu chữa cho họ, khi họ mong muốn chấm dứt cái sự sống gây đau khổ cho họ, là một phương pháp chữa bệnh, là giúp họ giải thoát khỏi những đau đớn của cuộc đời, sẽ cảm thấy thanh thản hơn.

Hãy nghĩ đi, để cho mình được có cảm giác thanh thản, rằng mình không giết người, chúng ta để mặc cho người bệnh chịu đựng sự đau khổ của họ, không đếm xỉa đến nguyện vọng được chết của họ. Như vậy là nhân đạo hơn, hay giải thoát cho người bệnh, đúng theo nguyện vọng của họ, là nhân đạo hơn?

Đồng thời, chúng ta cũng phải hiểu rằng, không ai có quyền quyết định thay người bệnh, trong việc bắt họ tiếp tục sống, hay để cho họ được chết theo mong muốn, kể cả khi người đó là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột thịt.

Đôi khi, việc duy trì tình trạng đau đớn của người bệnh mà không cho họ chết theo nguyện vọng, có thể được hiểu theo cách khác, rằng chúng ta mong muốn họ phải chịu đau đớn nhiều hơn. Trong bộ phim Green Mile do Tom Hanks thủ vai chính, có một tên cai ngục luôn tìm cách hành hạ các tử tù, kể cả cách làm cho họ thật đau đớn khi bị xử tử hình. Đã có những người bệnh cho rằng, bác sĩ đã rất ác khi không để cho họ được chết.

Tất nhiên, nếu chúng ta ủng hộ quyền được chết, chúng ta phải có đầy đủ các qui định pháp lí, các qui trình cụ thể, để có thể xác định thực sự người bệnh đã hết hi vọng cứu chữa, và nguyện vọng được chết của người bệnh không phải do một trạng thái tâm thần bất thường chi phối, cũng không phải là một nguyện vọng nhất thời.

Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn