Ông Lý Hiển Long chữa bệnh tại bệnh viên Singapore

Nhân có bạn nói về chuyện ông Lý Hiển Long mổ tiền liệt tuyến tại Singapore, còn cán bộ cao cấp của Việt nam thì ít khi điều trị bệnh ở trong nước. Tôi nhớ đến câu chuyện của một chứng nhân lịch sử đã được mổ tại bệnh viện trong nước.

Hồi đó, có một vị giáo sư, nghe nói là chứng nhân lịch sử, bị bệnh. Không biết ai sắp xếp nên ông ấy được một giáo sư bác sĩ Pháp qua tận Việt nam, đến bệnh viện Chợ rẫy để mổ. Nghe nói là bệnh u tủy. Chắc phải khó khăn lắm mới phải mời vị giáo sư người Pháp qua mổ. Chúng tôi háo hức chờ đợi.

Rồi cái ngày ông ấy lên bàn mổ cũng đến. Hình như là phòng mổ được lệnh hạn chế người vào, nhưng vì tôi là người thường xuyên mổ bệnh này nên không ai chặn tôi lại. Khi xem phim gắn trên đèn đọc phim ở phòng mổ, tôi hơi ngỡ ngàng, trường hợp này quá đơn giản. Chúng tôi hay nói đùa với nhau là khi mổ loại u này phải thật cẩn thận, chứ nếu không là vừa mở ra nó đã nhảy văng xuống đất, rất mất công đi tìm. Không biết có lí do gì mà phải mời giáo sư Pháp qua mổ nữa?

Hồi đấy tôi chưa biết đến cái hệ thống Ban bảo vệ sức khỏe dành riêng cho các sếp. Nhưng tôi biết mỗi khi các sếp bệnh, thường hay tổ chức hội chẩn, mà khi hội chẩn thì thường các trưởng khoa hay được mời tham dự. Lúc ấy do thiếu người, lại thêm yếu tố chính trị, nên có khi trưởng khoa không phải người thật sự am hiểu lĩnh vực của mình. Tuy nhiên, trưởng khoa của tôi lúc đó khá am hiểu về loại bệnh u tủy này. Vậy sao lại phải mời vị giáo sư Pháp đó qua nhỉ?

Hôm đó, trong phòng mổ có một bác sĩ khá nổi tiếng về cột sống, đến từ một bệnh viện của thành phố. Tuy nhiên, ông làm về lĩnh vực lao hay gù vẹo, thời đó có làm về chấn thương nhưng cũng chưa nhiều. Sau khi vị giáo sư Pháp lấy khối u ra xong và đúng là loại mà tôi dự đoán, vị bác sĩ người Việt đó hỏi vị giáo sư Pháp, rằng đó là loại u gì, ngoài màng cứng hay trong màng cứng ngoài tủy, hay u nội tủy.

Sau khi được biết đó là u trong màng cứng ngoài tủy, vị bác sĩ đó quay qua tôi, giảng giải cho tôi biết thế nào là u trong màng cứng ngoài tủy. Ông giảng giải rất khí phách, chỉ có điều tôi và một vài anh em cùng khoa phải bụm miệng cười vì kiến thức của ông về bệnh lí này ngang bằng với kiến thức chúng tôi giảng dạy cho sinh viên Y5 đi thực tập tại khoa của chúng tôi.

Vài hôm sau, tôi mới được biết người phụ trách về chuyên môn, thăm khám và quyết định điều trị cho vị giáo sư, chứng nhân lịch sử kia, chính là vị bác sĩ đã giảng giải cho tôi về bệnh u tủy trong phòng mổ. Thì ra vị nhân chứng lịch sử đó được mổ tại bệnh viện Chợ rẫy chỉ vì Chợ rẫy có cái phòng mổ “ngon lành” do Nhật xây dựng, còn dàn bác sĩ của Chợ rẫy không đáng tin cậy lắm. Sau này, khi tôi đã khá “già dặn”, một đàn anh tiết lộ cho tôi, rằng khi đó, đa phần bác sĩ ở Chợ rẫy có dính dáng đến cách mạng hay từ ngoài bắc vào.

Thỉnh thoàng, sếp lôi tôi, có khi phải đi đến những bệnh viện khác, tham dự các buổi hội chẩn cho những trường hợp phức tạp. Có một vị tướng công an bị bệnh, tôi được phân công khám, nhưng sau đó khi mổ thì là sếp của tôi mổ, và tôi cũng chỉ nghe nói chứ đến vòng hội chẩn mổ tôi không được tham gia. Cách đây khoảng hơn 1 năm, một người tự xưng là thư kí của vị tướng hồi đó đến khám bệnh, và kể cho tôi biết, vị tướng đó muốn tôi mổ, nhưng vì tôi không phải là đảng viên nên Ban bảo vệ sức khỏe không đồng ý.

Có một vài quan chức gặp tôi, yêu cầu tôi ra bệnh viện tư mổ cho họ, hoặc họ đi đến bệnh viện tư và yêu câu tôi mổ. Tôi cũng đã mổ cho một số trường hợp, quan to có, quan bé có, quan vừa vừa cũng có. Với tôi, đơn giản họ chỉ là bệnh nhân, nếu tôi làm được gì cho họ thì tôi nên làm.

Khi biết tôi mổ cho những trường hợp đó, có đàn anh khuyên tôi rất thật lòng: “đừng nên đụng đến những trường hợp đó, rách việc lắm, tốt thì chẳng ai khen, mà lỡ có gì thì sự nghiệp đi đời luôn”. Không biết đó có phải là một trong các nguyên nhân làm cho các quan chức của chúng ta hay ra nước ngoài chữa bệnh không nữa?

Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn