Những kiểu lay lắt của y tế tư nhân

Tuy nhiên, nó được đặt ở Việt nam, phục vụ cho dân Việt nam, mà những nhà quản lí thì lại không rành văn hóa Việt nam, thì làm sao mà người Việt nam thích nó cho được, trừ một số những người sùng bái ngoại hoặc chịu không nổi thái độ của các bác sĩ Việt nam mà họ đã “kinh qua”.

  1. Kinh doanh chụp giựt:

Bệnh viện S được ra đời bởi sự hợp tác giữa một số nhà đầu tư và nhà quản lí. Để cho rạch ròi, họ thuê luật sư làm bản hợp đồng hợp tác, trong đó qui định rõ phần đóng góp, phần việc, phần hưởng của từng bên.

Sau thời gian đầu, bệnh viện ăn nên làm ra thấy rõ. Nhưng cái tính tham cố hữu đã phá vỡ mối liên kết giữa các nhà với nhau. Khi có một cái bánh và mỗi người có một phần nhất định, ai cũng muốn phần của mình ngày một to hơn. Nếu có tầm nhìn xa, các nhà sẽ cùng nhau tìm cách làm cho cái bánh to ra, nhưng một số nhà lại không chú trọng đến việc đó, mà chỉ chú trọng đến việc cắt xén phần của người khác đắp vào của mình.

Mối liên kết tan vỡ. Bệnh viện rơi vào hỗn loạn, kiện cáo nhau. Hàng loạt các biện pháp trên thực chất là lừa đảo người bệnh, được đưa ra nhằm bảo đảm doanh thu. Bệnh nhân xa lánh dần.

Lay lắt.

  1. Đầu tư nửa vời

Bệnh viện N được một nhà đầu tư có nhiều tiền mở ra, không nhắm đến mục đích lợi nhuận, chủ yếu làm màu phục vụ cho công việc làm ăn khác của ông ta.

Do không có mục tiêu rõ ràng, họ chỉ bỏ ra số tiền tối thiểu, nên bệnh viện manh mún, chắp vá, chẳng đâu vào đâu. Cũng vì không có mục tiêu rõ ràng, họ thuê những người không có phẩm chất lãnh đạo làm quản lí. Hậu quả là sau 5 năm, 6 đời giám đốc, số tiền phải bù đắp cho bệnh viện tồn tại lớn gấp 3 lần số tiền bỏ ra ban đầu.

Quyết không để ảnh hưởng đến công việc làm ăn chính, họ tìm đến một nhà quản lí. Hai bên thống nhất sẽ đầu tư nghiêm túc, nhưng rồi cái tư duy manh mún đã làm cho sự hợp tác ấy tan rã.

Lay lắt.

  1. Vung tay quá trán

Bệnh viện V được khai trương rầm rộ, có đủ bá quan văn võ tham dự. Với mô hình khách sạn cao cấp, nhà đầu tư trang bị một loạt các trang thiết bị cao cấp, phục vụ cho các kĩ thuật cao.

Nhưng chẳng thể nào đào đâu ra được lực lượng nhân sự có khả năng khai thác các phương tiện. Sau thời gian trang thiết bị đắp chiếu, lãi suất ngân hàng dồn lại, nhà đầu tư tìm cách xoay xở, trong đó có cả lừa đảo. Chủ đầu tư bị bắt. Lượng bệnh nhân đến khám đã ít lại càng ít. Nhân sự đã yếu, đã thiếu lại từ từ bái bai.

Lay lắt.

  1. Nhiều tiền ít chữ

Bệnh viện H được xây dựng khá bài bản, trang thiết bị cũng khá tốt và đồng bộ. Nhà đầu tư bỏ khá nhiều tiền của và công sức cho bệnh viện của mình.

Tuy nhiên, tính con buôn vẫn không thoát khỏi cho dù đang là chủ của một bệnh viện bề thế. Nhà đầu tư luôn coi thường các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, điều dưỡng… Họ được đối xử chẳng khác nào những kẻ ăn người làm trong nhà ông bà chủ. Những câu nói kiểu như thằng bác sĩ này, con y tá nọ là câu cửa miệng của cái gia đình nhà chủ  nhiều tiền ít chữ.

Cái tính con buôn còn thể hiện ở chỗ họ ra một cái lệnh: tôi lo cho anh 30 bệnh nhân để khám trong 1 ngày, anh phải bảo đảm cho tôi 20 cái xét nghiệm, 10 cái siêu âm, 5 cái CT, 2 cái MRI… Đói rách lắm thì cũng chẳng mấy ai chịu làm việc cho cái đám này.

Lay lắt.

  1. Quá tin vào hàng ngoại

Bệnh viện C là một bệnh viện được thiết kế, xây dựng và và vận hành bởi những nhà thiết kế, nhà xây dựng và nhà quản lí nước ngoài. Những tưởng nó sẽ nhanh chóng phát triển, đè bẹp các bệnh viện khác ở Việt nam.

Tuy nhiên, nó được đặt ở Việt nam, phục vụ cho dân Việt nam, mà những nhà quản lí thì lại không rành văn hóa Việt nam, thì làm sao mà người Việt nam thích nó cho được, trừ một số những người sùng bái ngoại hoặc chịu không nổi thái độ của các bác sĩ Việt nam mà họ đã “kinh qua”. Mà đã như vậy và có tiền thì họ có thể đi thẳng ra nước ngoài chữa bệnh chứ mắc gì đến cái chỗ nửa nạc, nửa mỡ đó.

Chủ đầu tư có ý thuê các bác sĩ giỏi của Việt nam làm việc, chủ yếu là lót ổ cho các bác sĩ nước ngoài qua chữa bệnh kiếm tiền. Họ nhờ chính các bác sĩ nước ngoài đó thẩm định khả năng của các bác sĩ Việt nam. Đương nhiên là các bác sĩ nước ngoài sẽ phải chọn người dốt hơn họ, chứ giỏi thì sức mấy mà chịu lót ổ cho họ kiếm ăn.

Kết quả là chỉ có các bác sĩ thường thường bậc trung.

Với cái giá trên trời để hưởng cái thường thường bậc trung thì…

Lay lắt.

  1. Dựa vào công lực

Bệnh viện P được thành lập dưới sự bảo trợ của một nhóm giữ chức quyền trong một bệnh viện công. Những ngày đầu, bệnh nhân ra vào tấp nập, công việc kinh doanh thuận buồm xuôi gió. Bao nhiêu máy móc kĩ thuật cao được đầu tư, tương lai sáng lạn.

Do có sự thay đổi trong Ban Giám đốc bệnh viện công, bệnh nhân không còn được chuyển ra, bác sĩ cũng không dám ra làm việc. Bệnh viện đột nhiên trở thành chùa Bà Đanh.

Lực lượng tại chỗ vừa không có trình độ, vừa hấp thu quen thói làm việc không cần bệnh nhân. Sau một thời gian quẫy đạp, lay lắt, bệnh viện được… khai tử.

Ngoài các kiểu lay lắt kể trên, sắp tới đây còn một kiểu lay lắt nữa mà các cơ sở y tế tư nhân sẽ phải hứng chịu. Mặc dù một số cơ sở làm ăn đàng hoàng, uy tín, đầu tư đúng mức, con người đi đôi với phương tiện, dựa vào nội lực và chăm chút đầu tư cho thương hiệu và y hiệu. Nhưng rồi sẽ có một vài trong số này sẽ sống lay lắt hoặc chết yểu vì không thể thích nghi được với những qui định ngày càng phức tại, rối rắm của nhà nước, dẫn đến sự chăm sóc quá ư là tận tình của hệ thống quản lí.

Theo: BS. Võ Xuân Sơn