You are currently viewing MỘT SỐ VẤN ĐỀN LIÊN QUAN ĐẾN MẤT VỮNG CỘT SỐNG

MỘT SỐ VẤN ĐỀN LIÊN QUAN ĐẾN MẤT VỮNG CỘT SỐNG

[seasidetms_row][seasidetms_column data_width=”1/1″][seasidetms_text]

Rất nhiều người mắc bệnh đau thắt lưng hoặc cổ gáy bị mất vững cột sống. Phương pháp điều trị, không phẩu thuật hay phẫu thuật, đều rất khác nhau giữa người bệnh có mất vững cột sống với người không bị mất vững.

Nói chung, việc xác định có mất vững cột sống hay không là việc khá quan trọng khi khám bệnh cột sống.

Bình thường, các đốt sống xếp chồng lên nhau được liên kết với nhau bằng hệ thống đĩa đệm, dây chằng và các cơ. Mỗi khi chúng ta di chuyển, nếu không bị mất vững, các đốt sống di chuyển nhịp nhàng với nhau. Nếu cột sống bị mất vững, các liên kết bị xộc xệch, mỗi đốt sống di chuyển một kiểu khác nhau, lộn xộn như một đám mới học nhảy đầm.

 

1. LẠM DỤNG XQUANG?
Tuy nhiên, khoảng 20 năm nay, mặc cho rất nhiều nỗ lực khuyến cáo, nhưng ở rất nhiều trung tâm, người bệnh khám bệnh cột sống không được khảo sát có mất vững cột sống hay không. Không riêng gì các bác sĩ lâm sàng, ngay cả các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh ở nhiều trung tâm cũng không thật sự quan tâm đến vấn đề này.

Việc có nhiều trung tâm không quan tâm đến vấn đề mất vững cột sống làm cho một số bệnh nhân nghi ngờ những bác sĩ yêu cầu chụp phim Xquang cột sống động (phương pháp xác định có mất vững cột sống khá đơn giản). Có người cho rằng bác sĩ chỉ định Xquang cột sống động là lạm dụng, nhất là khi người chỉ định là những bác sĩ không phải ở những bệnh viện lớn.

2. HẠN CHẾ VẬN ĐỘNG HAY TẬP LUYỆN?
Lí do gây ra mất vững cột sống thì có rất nhiều, nhưng trong phần lớn các trường hợp, các dây chằng bị yếu. Theo lí luận thông thường, khi các dây chằng bị yếu, nếu chúng ta cử động nhiều, liên kết giữa các đốt sống lại càng bị xộc xệch. Tuy nhiên, đó là suy luận sai. Cơ thể của chúng ta là một cơ thể sống, nên khi chúng ta vận động, cơ và dây chằng của chúng ta sẽ mạnh lên, và sự mất vững sẽ giảm đi.

Càng hạn chế vận động, hệ cơ và dây chằng của chúng ta càng yếu, mất vững càng ngày càng nghiêm trọng. Một trong các sai lầm là mang nẹp. Nẹp cột sống là rất cần thiết trong một số giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn cấp, sau chấn thương, sau mổ… Nẹp lưng hoặc nẹp cổ cũng cần thiết khi chúng ta phải ngồi quá lâu, hoặc đi xe, máy bay bị dằn xóc. Nhưng nếu mang nó thường xuyên, cơ không được hoạt động, mối liên kết giữa các đốt sống ngày càng yếu.

3. MẤT VỮNG CỘT SỐNG VÀ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM
Đĩa đệm của chúng ta gồm có hai dĩa sụn bám vào xương của 2 đốt sống kế cận. Bao xơ liên kết 2 đĩa sụn với nhau. Bên trong, giữa bao xơ là nhân nhầy. Khi bị thoát vị đĩa đệm, bao xơ bị rách, nhân nhầy thoát ra tạo thành khối thoát vị đĩa đệm, chèn vào thần kinh. Nếu phải mổ thoát vị đĩa đệm, người ta chỉ cần lấy khối thoát vị, giải phóng dây thần kinh, và lấy hết phần nhân nhầy còn lại trong bao xơ để tránh tái phát. Thế là đủ. Sụn không bị tổn thương nên nó được để lại.

Cột sống của chúng ta có 3 trục vững, gồm trục các thân đốt sống và đĩa đệm ở phía trước, 2 trục liên kết bởi các khớp hoạt dịch ở phía sau. Khi bị thoát vị đĩa đệm, chỉ có bao xơ và nhân nhầy bị hư, còn khi bị mất vững, thì toàn bộ đĩa đệm, kể cả sụn cũng bị vỡ ra, 2 khớp đằng sau lỏng lẻo. Vì vậy, nếu có mất vững cột sống mà mổ như thoát vị đĩa đệm đơn thuần thì sẽ thất bại, do sụn vỡ ra, chèn ép tiếp vào thần kinh.

Để mổ những trường hợp có mất vững cột sống, người ta phải lấy hết cả sụn vỡ. Khi đó, 2 đầu xương sẽ tiếp xúc với nhau. Không ai chịu nổi cái đau khi 2 đầu xương chà lên nhau cả. Người bệnh phải bất động khoảng 6 tháng đến 1 năm, để cho xương mọc ra, 2 đốt sống dính liền với nhau. 100 năm trước, người ta phải nằm cả năm sau mổ, và hàng loạt biến chứng do nằm lâu xảy ra. Bây giờ, người ta cố định nẹp vít, bất động hai đốt sống kế cận lại để chúng không gây đau, lại dễ liền xương hơn, trong khi, phần còn lại của cơ thể cứ việc hoạt động thoải mái.

Việc hàn cứng 2 đốt sống kế cận đôi khi gây ra sự quá tải, dẫn đến mất vững dây chuyền ở các đốt sống kế cận. Một số bác sĩ chủ trương bảo tồn sự cử động của các đốt sống mà không hàn cứng chúng lại. Nhiều dụng cụ “bán động” được sáng chế. Tuy nhiên, việc xác định mức độ mất vững để có thể sử dụng các phương pháp “bán động” là rất khó khăn, đồng thời, tình trạng cột sống có thể thay đổi theo thời gian. Do vậy, nhiều bác sĩ không ủng hộ “bán động”, do nó dễ bị thất bại.

4. CÓ CẦN NẮN LẠI CỘT SỐNG TRƯỢT KHÔNG?
Khi mối liên kết giữa 2 đốt sống bị hư hại đủ nặng, các đốt sống bị trật ra, gọi là trượt đốt sống. Đốt sống có thể bị trượt ra trước, trượt ra sau, hoặc trượt sang ngang. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong đa số trường hợp trượt đốt sống lại là hiện tượng mất vững.

Khi các đốt sống bị xộc xệch, các cấu trúc ràng buộc chúng lại với nhau bị giằng xé, đĩa đệm, gồm cả sụn và bao xơ bị vỡ ra, các thớ nhỏ của dây chằng, bao khớp bị đứt. Phản ứng của cơ thể sẽ tạo mô sẹo làm lành những chỗ đứt gãy. Quá trình đứt – lành, đứt – lành làm cho dây chằng vào bao khớp phì đại, dày lên, chèn ép vào thần kinh.

Nếu cơ thể chúng ta có thể sắp xếp được một sự cân bằng tương đối như sau: dây chằng bị dầy lên đủ mạnh để cùng với cơ, giữ cho các đốt sống không bị xô lệch, và dây chằng không dầy đến mức chèn ép các cấu trúc thần kinh, đồng thời, phần đốt sống bị trượt không tạo thành khối chèn ép vào thần kinh, thì chúng ta khỏe.

Nếu sự cân bằng bị phá vỡ, hiện tượng mất vững xuất hiện trở lại, gây ra những hệ quả về thần kinh, hoặc đau quá làm mất chức năng đi, đứng, nằm, ngồi, mất khả năng vui vẻ, mất khả năng kiếm tiền… mà không có cách nào khác, chúng ta phải mổ. Giải phóng thần kinh, hàn xương, bất động bằng nẹp vít…

Sau mổ, người bệnh hết đau, thần kinh bình thường. Nhưng một ngày nào đó, có ai nhìn vào phim Xquang chụp kiểm tra sau mổ: Ồ, vẫn còn trượt. Và thế là lo lắng. Không sao, trượt không phải vấn đề. Nếu không còn chèn ép, không còn mất vững, thì cứ vui sống, miễn là đừng đi đâu cũng dán cái phim Xquang sau lưng, để cho các bác sĩ thích nói xấu đồng nghiệp, hoặc các chuyên gia bàn phím bàn tán, bình luận, là OK.

5. THAY ĐĨA ĐỆM
Thay đĩa đệm là một phương pháp mới được phổ biến trong thế kỉ 21. Các đĩa đệm thay thế thực chất là 2 mảnh kim loại rời nhau, xếp chồng lên nhau, làm thành một cái khớp cử động. Ngoài việc là một cái khớp cử động được, thì cái đĩa đệm nhân tạo của chúng ta không thay thế được những chức năng khác của đĩa đệm thứ thiệt.

Việc dùng một mảnh ghép nhét vào giữa hai đốt sống để cho hai đốt sống ấy hàn lại với nhau tốt hơn không phải là thay đĩa đệm, nó được gọi là hàn xương (fusion), các mảnh ghép ấy không được gọi là đĩa đệm, mà gọi là mảnh ghép.

Nhưng nếu gọi nó là đĩa đệm sẽ sang hơn, dễ tính tiền hơn. Bác sĩ được coi là giỏi hơn khi thay đĩa đệm. Bệnh nhân khi khoe với bạn là được mổ thay đĩa đệm nghe cũng “oách” hơn so với mổ hàn xương. Cho nên, ở ta, mảnh ghép đó hay được gọi là đĩa đệm nhân tạo, và cuộc mổ sử dụng mảnh ghép để hàn xương được gọi là mổ thay đĩa đệm. Bệnh nhân, phẫu thuật viên, hãng bán dụng cụ, tất cả đều vui.

Mất vững cột sống là một trong các chống chỉ định tuyệt đối của thay đĩa đệm. Do vậy, để quyết định thay đĩa đệm cổ, bắt buộc phải xác định có mất vững hay không. Nếu có mất vững cột sống mà thay đĩa đệm cổ, khi đó sẽ là một thảm hoại. Khi có mất vững, hai trục khớp của cột sống đã không ổn định, xộc xệch, chúng ta lại dùng 2 mảnh kim loại rời nhau thay cho cái trục đằng trước, vậy là cả 3 cái trục của cột sống đều xộc xệch. Khi ấy thì dù cuộc mổ thay đĩa đệm có “sang” đến đâu, mắc tiền đến mấy, cũng không còn có thể khoe được, vì nó trở thành thảm họa.

Ở lưng, nhiều người nhầm tưởng thay đĩa đệm được dùng cho mổ thoát vị đĩa đệm. Sai. Trong khi ở cổ, người ta mổ thoát vị đĩa đệm từ phía trước, và phải lấy hết cả sụn, bao xơ… thì mới lấy được khối thoát vị ra, thì nếu không thay đĩa đệm cũng phải hàn xương, chứ không để khơi khơi cho nó tự lành được.

Nhưng khi mổ thoát vị đĩa đệm thắt lưng, người ta đi từ đằng sau, chỉ cần lấy khối thoát vị và phần nhân nhầy trong đĩa đệm là OK, nên không ai đi thay đĩa đệm cho nó rối chuyện. Không ai điều một cái cần cẩu để trục một đôi đũa từ bàn ăn đặt lên cái chén cả. Trong khi đó, hầu hết các bệnh lí khác của vùng thắt lưng mà phải mổ đều liên quan đến mất vững, chống chỉ định tuyệt đối của thay đĩa đệm.

Vậy, thay đĩa đệm cột sống thắt lưng được dùng cho trường hợp nào? Có một bệnh lí gọi là thoái hóa đĩa đệm (DDD Disc Degenerative Disease). Bệnh này vừa hư nhân nhầy, vừa hư bao xơ, lại hư cả sụn, nhưng các khớp phía sau vẫn tốt. Người ta có thể thay đĩa đệm cho trường hợp này.

Nhưng nhiều bác sĩ không ủng hộ việc thay đĩa đệm cho cột sống thắt lưng. Đó là vì tính hay thay đổi về độ vững của cột sống thắt lưng. Hôm nay thì các khớp còn tốt, nhưng ngày mai, không ai biết các khớp cột sống thắt lưng có còn ổn định hay không. Khi đã thay đĩa đệm mà các khớp phía sau lại xộc xệch thì chắc chắn đó sẽ là thảm họa.

TS.BS Võ Xuân Sơn

[/seasidetms_text][/seasidetms_column][/seasidetms_row]