Giám khảo

giam-khao-1

Mấy hôm nay, các trang mạng xôn xao với việc diễn viên Hòa Hiệp phản ứng ban Giám khảo trong cuộc thi Bước Nhảy Hoàn Vũ. Trước đó một thời gian, ca sĩ Phương Thanh cũng làm nóng các trang mạng vì những thông tin như vậy.

Bước Nhảy Hoàn Vũ thực ra chỉ là một game show truyền hình, không biết những người chơi nó có được lợi lộc gì, và Ban giám khảo được lợi lộc gì từ cuộc chơi đó? Có lẽ cái được lớn nhất của họ là sự nổi tiếng, cái mà vào thời buổi kinh tế thị trường này có giá khá cao. Như vậy thì những cuộc ồn ào này đều mang lại lợi lộc cho cả đôi bên. Ngoài ra, Ban tổ chức được hưởng lợi do có thêm nhiều người biết đến chương trình của mình, công chúng có chuyện để mà bàn tán, giết thời gian trong mấy ngày nghỉ lễ dài lê thê.

Đấy là câu chuyện của giới showbiz. Chuyện chẳng có gì lạ lẫm, cũng chẳng có gì mà ầm ĩ đối với một người trong ngành y như tôi. Nhưng câu chuyện lại làm tôi nhớ đến những kỉ niệm khó quên giữa giám khảo và thí sinh trong các buổi trình luận văn Cao học, Tiến sĩ hoặc Chuyên khoa cấp I, Chuyên khoa cấp II.

Các buổi trình luận văn Cao học, Tiến sĩ, Chuyên khoa cấp I, Chuyên khoa cấp II là những buổi trình luận văn khoa học, khác xa so với các Game Show. Những đòi hỏi đối với thí sinh cũng như luận văn là hết sức khắt khe, và những đòi hỏi về tính chính xác trong nhận xét của các Giám khảo còn khắt khe hơn nữa. Ở đây, người ta dùng khoa học để giám định khoa học, dùng các lí luận khoa học cùng với những bằng chứng thuyết phục để kiểm chứng và đánh giá một công trình nghiên cứu khoa học. Ở các game show hiện nay, người ta để cho công chúng tham gia chấm điểm cho thí sinh với mục đích lôi kéo khán giả đến với game show. Còn ở các buổi trình luận văn khoa học, khán giả cũng được tham gia chất vấn thí sinh, với mục đích làm tăng thêm tính chính xác cho các nhận xét cuối cùng đối với luận văn. Nói như vậy có nghĩa là việc trình luận văn khoa học sẽ cho ra một kết quả vô cùng chính xác. Như vậy thì làm sao có các “Tiến sĩ giấy” như người ta vẫn đồn đoán râm ran?

giam-khao-2

Khi tôi còn là một thí sinh trình luận văn Cao học, thầy Chủ tịch Hội đồng chấm thi không tiếc lời khen ngợi luận văn của tôi. Một số người hỏi tôi đã biếu thầy cái gì mà thầy khen quá như vậy. Điều này xúc phạm tôi rất nặng nề, và tôi nghĩ rằng nếu thầy Chủ tịch Hội đồng biết điều đó, thầy cũng rất phẫn nộ. Thực tế thì lúc đó tôi chẳng biếu thầy nào cái gì cả (có tới 5 thầy trong Hội đồng chấm thi), bao nhiêu thời gian, công sức tôi tập trung cho cái luận văn của mình. Đến khi trình luận văn Tiến sĩ, tôi phải trình tới 2 vòng, cấp trường và cấp Quốc gia (hiện nay không còn trình cấp Quốc gia), trước đó còn có buổi trình “thử” ở bộ môn nữa. 2 lần trình đầu tiên (trình “thử” ở cấp bộ môn và trình cấp trường), tôi không gặp khó khăn gì mặc dù tôi cũng chẳng biếu cái gì cho các thầy. Toàn bộ Hội đồng chấm thi là những thầy, những anh em làm việc cùng với nhau, hiểu biết nhau rất rõ, hầu hết họ đều có tham gia giúp đỡ trong công trình nghiên cứu của tôi. Người ta bảo là tôi may mắn (có người bảo tôi giỏi chạy) do có được Hội đồng “đẹp”. Sau đó, công trình của tôi được gởi ra Bộ và bắt đầu giai đoạn chờ đợi.

Lúc này thì luận văn của tôi sẽ phải qua một giai đoạn gọi là “phản biện kín”, ngoài ra tôi phải xin nhận xét của 50 tổ chức và cá nhân về luận văn của mình. Việc xin nhận xét của các tổ chức và cá nhân trong chuyên ngành Phẫu thuật Thần kinh đối với tôi không quá khó vì trong chuyên ngành này chúng tôi biết nhau khá rõ. Tuy nhiên có một khó khăn là tìm đâu ra cho đủ số lượng Tiến sĩ để nhận xét luận văn của mình. Thế là tôi phải gởi luận văn đi tới các Giáo sư, Tiến sĩ thuộc các chuyên ngành có quan hệ gần gũi như Nội Thần kinh, Chấn thương Chỉnh hình… từ Bắc chí Nam. Đến đây thì tôi mới thấy những khó khăn của việc muốn trở thành Tiến sĩ ở Việt Nam. Khi làm nghiên cứu, thỉnh thoảng tôi phải lặn lội đi đến những vùng sâu, vùng xa để thăm khám cho những bệnh nhân đặc biệt trong nghiên cứu của mình mặc dù nhiều bác sĩ ở các tỉnh đã giúp tôi thăm khám và đánh giá bệnh nhân. Việc đó tuy vất vả nhưng không khó khăn bằng một số trường hợp tôi cần lấy được nhận xét luận văn. May mà sau đó tôi được biết là chỉ cần nhận xét của 20 cá nhân và 7 tổ chức là đủ.

Tôi không biết ai là thầy phản biện kín cho mình. Sau khi trở thành Tiến sĩ, tôi biết được một người, còn người kia cho đến nay tôi vẫn không biết là ai (có hai thầy phản biện). Tôi chờ đến hơn 2 năm mới được trình cấp quốc gia. Nghe nói thời gian chờ trình cấp quốc gia của tôi là kỉ lục. Bạn bè bảo tôi chậm là phải, do tôi chỉ “đi” chứ không “chạy”, đến ngay cả thầy phản biện kín mà cũng không biết thì làm sao mà không chậm cho được. Thực ra nhận xét của các thầy phản biện kín đều hết sức công bằng và chính xác, chẳng ai làm gì để có thể nói là gây khó dễ cho tôi.

Cuối cùng thì tôi cũng nhận được thông báo từ Bộ Đại học về việc cho phép tôi bảo vệ luận văn Tiến sĩ cấp Quốc gia và lập Hội đồng chấm thi luận văn Tiến sĩ cấp Quốc gia. Đến đây thì tôi mới thấm thía về cái Hội đồng không “đẹp”. Các bạn bảo không “chạy” thì làm sao có Hội đồng “đẹp” được. Trong Hội đồng có một thầy từ ngoài Bắc, nổi tiếng là khó tính, thầy Chủ tịch Hội đồng thì có một số hiềm khích với sếp trực tiếp của tôi, còn một thầy thì tuyên bố nửa đùa nửa thật: “Cậu không xong với tôi đâu”. Mấu chốt chính là ở người thầy khó chịu này. Những người quen biết tôi ở chuyên ngành của thầy này cho tôi biết là đa số nghiên cứu sinh trong chuyên ngành đó khi gặp thầy này thì họ “sổ chấp”, tức là bỏ hẳn điểm của thầy này, miễn sao 6 thầy kia chấm đạt là đủ (Hội đồng có 7 thầy). Thậm chí có những câu chuyện lan truyền trong giới về thầy này với những đòi hỏi hết sức phi lí. Có học viên bị dọa sẽ không cho đậu nếu Bộ Đại học không thay đổi Hội đồng để cho thầy đó làm Chủ tịch Hội đồng. Người ta còn nói là thầy đã từng kiện các thầy khác chấm đậu cho một thí sinh với lí do là các thầy khác trong Hội đồng không có tư cách chấm luận văn đó, trong khi có tới mấy thầy trong Hội đồng đó đã từng chấm cho thầy này khi thầy này bảo vệ luận văn Phó Tiến sĩ (sau này được coi là Tiến sĩ). Điều đặc biệt là thầy này rất ư là nổi tiếng trong công chúng ngay cái lĩnh vực mà tôi được nhiều người biết đến và họ nói rằng thầy không chấp nhận ai như vậy cả.

Thực sự tôi làm Tiến sĩ chẳng với mục đích gì cả. Mọi việc cứ tự nhiên, là bác sĩ rồi thì vẫn phải học tiếp, giống như đến tuổi thì phải đi học mẫu giáo, rồi cấp I, cấp II, cấp III… Các thầy tôi sau khi về hưu vẫn không ngừng học hỏi. Mọi người học thì mình cũng học, và bằng cấp Thạc sĩ, Tiến sĩ, Chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II… là những yêu cầu cơ bản cần phải có mà thôi. Gặp trường hợp khó khăn, tôi đã định bỏ ngang khi thấy rằng cái bằng Tiến sĩ không phải là cái gì thực sự cần thiết đối với tôi. Tuy nhiên bạn bè, đồng nghiệp và các đàn anh khuyên bảo, tôi lại tiếp tục. Việc đầu tiên tôi phải đáp ứng cho người thầy khó chịu nói trên là tôi phải mời được hai bác sĩ nổi tiếng thế giới ở Mỹ đến Việt Nam – một trong hai người đã từng là thầy dậy tôi. Khi hỏi ra mới biết là người thầy khó chịu đó đã mời hai bác sĩ này mấy lần nhưng họ không đến, tuy nhiên lần này thì họ không trả lời có đến hay không mà nhắc là họ có biết tôi. Người Mỹ rất tôn trọng cá nhân. Trước đó, Đại học Michigan đã nhận một bác sĩ Việt Nam qua học với một số điều kiện, trong đó có sự giới thiệu của tôi, chỉ vì tôi có tham gia một công trình nghiên cứu cùng với người quyết định phân bố học bổng đó. Cuối cùng thì hai bác sĩ nổi tiếng thế giới nói trên đã đến Việt Nam. Khi biết chuyện người thầy khó chịu này sẽ chấm luận văn Tiến sĩ cho tôi, hai bác sĩ trên đã hết sức nhiệt tình giúp đỡ tôi, nói vào cho tôi quá nhiều, thậm chí còn hứa cho một suất đi học ngắn hạn ở Mỹ cho con của người thầy khó chịu đó (sau đó họ đã thực hiện lời hứa). Sự giúp đỡ đó giúp cho tôi nhận được phiếu đạt cuối cùng mặc dù trong nhận xét còn có nhiều câu chữ không thật sự hay ho. Ngoài trường hợp người thầy khó chịu đó ra, tôi nhận được sự phản biện, nhận xét hết sức công bằng và công tâm của tất cả các thầy, kể cả những người mà tôi đã từng lo lắng rằng sẽ gây khó dễ cho mình.

Sau này, khi tôi nằm trong các Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ, Chuyên khoa cấp I, Chuyên khoa cấp II, rồi những lúc phải làm công tác giảng dạy cho nghiên cứu sinh, hoặc trực tiếp hướng dẫn luận văn cho nghiên cứu sinh… tôi luôn tâm niệm mình hãy làm gì tốt nhất, đòi hỏi tính chính xác nhưng không được khó chịu, luôn phải mở ra con đường thoát cho thí sinh. Với những thí sinh không quen biết từ trước, đa số trường hợp tôi phải nhận quà khi họ biếu, vì nếu không nhận, họ sẽ hết sức lo lắng. Còn đối với những thì sinh hoặc học viên đã từng quen biết nhau trước đó, tôi dứt khoát không bao giờ nhận quà cáp, vì ngay bản thân tôi cũng không vui vẻ gì khi phải biếu quà cho những chuyện như vậy. Những tưởng mình cố gắng thể hiện sự công tâm như vậy sẽ nhận được sự kính trọng của mọi người. Thế nhưng sự đời lại không đơn giản như vậy.

Tôi được phân công hướng dẫn cho một học viên cao học. Suốt mấy năm trời, học viên không liên hệ gì, tôi cũng quên mất việc mình hướng dẫn cho học viên này. Đùng một cái anh ta đến, gởi cho tôi một gói quà và một cuốn luận văn, xin phép được trình luận văn (một thủ tục cần thiết). Sau khi xem luận văn thì tôi thấy luận văn thật tệ hại, tôi đề nghị sửa lại, có nêu cụ thể cần sửa như thế nào. Sau đó anh ta email cho tôi một luận văn mới không khác gì mấy so với luận văn cũ. Tôi đề nghị sửa đúng như trình tự phải có của một luận văn. Rất lâu sau đó tôi không thấy anh ta liên hệ lại. Thì ra anh ta phù phép làm sao mà cả Hội đồng tin rằng do tôi đang đi nước ngoài nên không kí được giấy cho phép anh ta trình luận văn và tôi đã đồng ý với luận văn của anh ta. Tất nhiên là luận văn gặp phải sự phản kháng rất dữ dội và anh ta bị Hội đồng bắt phải viết lại luận văn, khi nào các thầy trong hội đồng đồng ý thì mới thông qua cho anh ta mà không phải tổ chức trình một lần nữa. Đây là một giải pháp không gây phiền hà cho thí sinh mà vẫn bảo đảm chất lượng của luận văn. Khi biết câu chuyện này, tôi đã trở thành một người thầy khó chịu trong mắt một số người, khó chịu đến mức mà học trò của mình phải tìm cách qua mặt để tốt nghiệp. Không biết anh chàng đó nói gì với mọi người, cũng chẳng biết thân thế của anh ta ra sao mà anh ta nhận được sự can thiệp của giới chức cấp cao ở tỉnh nhà. Phần tôi cũng đành ngậm ngùi cười khi mình tự nhiên bị mất dạy. Cũng còn may là cậu ta không phải học trò duy nhất mà tôi hướng dẫn, và may hơn nữa là cho đến nay cậu ta vẫn là người duy nhất dám qua mặt thầy hướng dẫn như vậy.

Thế đấy, không phải chỉ ở các game show, không phải chỉ ở giới showbiz, ngay trong giới các nhà khoa học, ngay trong việc trình luận văn khoa học, vẫn có những người giám khảo thực sự khó chịu, và vẫn có những thí sinh thực sự không ra gì, vẫn có những thí sinh bị chèn ép và vẫn có những giám khảo bị mang tiếng xấu một cách oan uổng. Cũng còn may mắn cho chúng ta là tỉ lệ giám khảo khó chịu, hay nói cách khác là giám khảo xấu tính không cao, trường hợp của tôi là 1/7, đồng thời tỉ lệ thí sinh không ra gì cũng rất thấp, đối với kinh nghiệm cá nhân của tôi, tỉ lệ này còn nhỏ hơn cái tỉ lệ 1/7 kia nữa.

Theo : T.D