Giám đốc và y đức

Đi đám cưới, gặp anh bạn bác sĩ thuộc hàng cao thủ trong ngành. Anh bỏ một bệnh viện công đến một bệnh viện công khác, sau đó lại bỏ luôn bệnh viện công, để ra làm thuê cho một bệnh viện tư nhân. Hỏi thăm anh mới biết nỗi niềm.

Anh cho biết anh nghỉ việc vì giám đốc bất nhân. Giữa anh và giám đốc không có vấn đề gì, thậm chí về mặt anh em còn là tốt nữa. Nhưng vì giám đốc luôn đưa ra các lệnh vô lí, không thể hiện tinh thần vì bệnh nhân của người thầy thuốc mà chỉ chăm bẳm vào việc kiếm tiền. Theo anh bạn cho biết thì có nhiều bác sĩ khác cũng có cùng suy nghĩ với anh. Từ khi ra bệnh viện tư, anh làm trưởng khoa, không liên quan gì đến việc tiền bạc, và ở đó người ta cũng không có kiểu hành xử chỉ để kiếm tiền như ở cái bệnh viện công kia.

Tôi có nhiều bạn bè là giám đốc các bệnh viện công, thường gặp nhau nói chuyện, đặc biệt là về các thay đổi trong chính sách về y tế. Ngay cả vị Giám đốc mà anh bạn đề cập đến cũng khá thân với tôi, thỉnh thoảng anh cũng trao đổi với tôi một số chuyện, trong đó có cả những quyết định “kém y đức” của anh.

Một anh bạn là giám đốc một bệnh viện công khác, sau khi nghe tôi khoe về hệ thống phần mềm và việc quản lí bằng phần mềm, đã ngậm ngùi tâm sự: “Khi chưa lên làm giám đốc, tôi cứ nghĩ là tôi sẽ làm được nhiều cái nếu có quyền, nhưng đến khi nhận chức giám đốc mới biết rằng còn quá nhiều thứ ràng buộc để mình không thể làm những điều mình muốn”.

Trong các bệnh viện công, việc giao cho bệnh viện tự chủ về tài chánh trong khi nhà nước quyết định giá đã tạo cho người lãnh đạo một áp lực ghê gớm, làm sao cân đối giữa việc duy trì hoạt động của bệnh viện, thu nhập của cán bộ công nhân viên và bảo đảm tính nhân đạo của ngành y là một bài toán khó.

Ở bệnh viện công, nhà nước trói tay giám đốc và cho tự bơi. Lúc đó Giám đốc chỉ có thể dựa vào cái phao là bệnh nhân. Mặc dù là đối tượng phục vụ nhưng nếu có giảm quyền lợi của họ một chút thì họ cũng chẳng làm gì khác được vì bắt buộc phải cầu cạnh bệnh viện. Và không ít giám đốc phải trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra các giải pháp “kém y đức” (nói thẳng hoặc vòng vo trốn tránh sự thực).

Đây cũng là một vấn đề hóc búa đối với giám đốc của các bệnh viện tư. Ngoài các áp lực trên, giám đốc các bệnh viện tư còn phải bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở tư nhân, mặc dù giám đốc phải bơi trong một môi trường khó khăn hơn nhiều nhưng họ không bị trói buộc như ở môi trường công lập. Ngoài ra, việc làm hài lòng bệnh nhân là yêu cầu sống còn còn y tế tư nhân. Mặc dù vậy, chỉ có một số ít bệnh viện tư ăn nên làm ra là có thể cân đối được giữa quyền lợi của người bệnh với quyền lợi của nhân viên cũng như của nhà đầu tư.

Với đa số bệnh viện tư còn lại, không ít giám đốc có những hành xử “kém y đức” đối với bệnh nhân, nhưng họ khéo che đậy hơn, dựa vào sự mặc nhiên mà xã hội đang chấp nhận là chuyên môn của tư nhân đương nhiên là kém hơn nhà nước. Ngoài ra, do khó khăn về nhân lực, những chuyên gia y tế sẽ được giám đốc và các ông chủ tư nhân ưu ái nhiều hơn so với trong nhà nước, từ đó họ cảm thấy mình có quyền hơn và bảo đảm y đức tốt hơn.

Ngọn nguồn của vấn đề vẫn là làm sao có đủ tiền để đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, y đức, đồng thời bảo đảm được cuộc sống cho nhân viên y tế và khấu hao tài sản, máy móc trang thiết bị để có thể bảo toàn vốn đầu tư, chưa kể đến lợi nhuận.

Còn rất nhiều việc phải làm, từ tầm vĩ mô cho đến những chi tiết vi mô, để cho y đức được bảo đảm, để quyền lợi của cả người bệnh và nhân viên y tế cũng như của nhà đầu tư không bị xâm phạm. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như chúng ta đang đi dứt khoát không thể làm được việc này.

Theo : BS. Võ Xuân Sơn.