Cây gậy cong

cay

Khác với đa số đồng nghiệp, khi mới bước chân vào trường y, hắn đã phải tuyên thệ tới hai lời thề, một là lời thề của nhà trường, soạn riêng cho học sinh của trường, còn lại là lời thề Hypocrate. Nội dung của cả hai lời thề đều tương tự nhau, coi tính mạng người bệnh là quan trọng, hơn cả bản thân mình. Nghi thức thề được tổ chức rất trang trọng, mỗi học sinh phải sờ lên đầu một cây gậy và tuyên thệ. Tương truyền rằng cây gậy đó đã được truyền từ đời đầu tiên, cách hắn 300 năm. Trước đây, khi còn các triều đại phong kiến, chỉ có nhà Vua hoặc đức Tổng Giám mục mới được cầm cây gậy để cho các tân sinh viên sờ lên đó mà thề. Người ta còn lưu truyền cả chuyện những ai đã thề trên cây gậy đó, nếu làm sai lời thề sẽ bị cây gậy đập cho.

Trong suốt bao nhiêu năm hành nghề, mặc dù có không biết bao nhiêu là khó khăn nhưng không khi nào hắn nghĩ đến việc làm trái với những gì mình đã thề. Cũng chính vì thế mà thỉnh thoảng hắn vẫn hay gặp những cảnh trớ trêu, những khó khăn, phiền muộn không đáng có. Nhiều anh em, bạn bè và ngay cả những người thân cũng thường góp ý với hắn, khuyên hắn bớt đi những hăng hái không cần thiết, có người bảo là hắn muốn chứng tỏ mình, có người lại bảo hắn ngu, không biết thương thân… Ai cũng có phần đúng, nhưng có một điều rất đúng là dù đã ngoại ngũ tuần nhưng hắn vẫn cứ như một chàng trai trẻ, luôn húc đầu vào những bức tường, những thành trì của ngành y, hắn luôn ngạo mạn, cho rằng mình là cây ngay thì không sợ chết đứng.

Cho đến một ngày, những hăng hái, nhiệt tình, những ngu si, ngạo mạn đã bắt hắn phải trả giá. Đã có lúc hắn nghĩ đến việc xếp hết lại, dẹp hết tất cả, để lại các bức thành trì ở sau lưng, ra nước ngoài sống, hành nghề chỉ để kiếm tiền. Hắn có nhiều “cơ sở cách mạng” có thể giúp hắn làm việc ở nước ngoài, ngay cả khi chỉ làm chui thôi thì cũng có thu nhập gấp nhiều lần ở cái nơi khốn khổ này. Làm việc vài năm, trở về xênh xang (nếu còn muốn trở về), có khi lại được hoan nghênh, thành nhà yêu nước chứ chẳng chơi. Nhưng rồi hắn lại bỏ cái ý định ra đi đó do có nhiều lí do. Lí do làm cho hắn cảm thấy yên tâm nhất là có bao nhiêu con người trông chờ vào hắn, rồi thì một mô hình chăm sóc hợp lòng dân cũng đang trông chờ hắn, vân vân và vân vân… Tuy nhiên, sâu thẳm trong hắn là sự hèn hạ, là một con gì đó yếu đuối, làm cho hắn không muốn phiêu lưu nữa, làm cho hắn thấy rằng hắn không cần phải làm theo lời thề nữa.

Bệnh nhân bị yếu và sau đó liệt dần từ 30 năm nay. Nghe được tên hắn, người bệnh khăn gói lên thành phố gặp hắn. Hắn đã tìm ra được nguyên nhân dẫn đến liệt của người bệnh. Nhưng xử lí như thế nào? Nếu không làm gì, bệnh nhân sẽ chỉ có thể sống với hai chân liệt hoàn toàn, hai tay quơ quơ mà chẳng cầm nắm được gì, người bệnh có thể sẽ ngày càng nặng rồi chết, hoặc cứ sống ngắc ngoải như vậy hoài. Còn nếu mổ? Khả năng cao nhất là chẳng thay đổi gì, nhưng cũng có khả năng dù rất nhỏ là mọi chuyện sẽ cải thiện, người bệnh sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nếu đứng về phía quyền lợi của người bệnh, hắn sẽ phải khuyên người bệnh chấp nhận cuộc mổ. Nhưng hắn mới bị ngã ngay đúng chỗ đó. Một bệnh nhân ở hoàn cảnh tương tự đã kiện hắn dù rằng trước đó anh ta năn nỉ hắn mổ, ngay cả sau khi hắn giải thích kĩ lưỡng những gì có thể xảy ra. Nhân cơ hội có bệnh nhân kiện hắn, một vài đồng nghiệp đáng kính của hắn cùng vài nhà báo lao vào cắn xé hắn, nhai hắn ngấu nghiến. Sau vụ đó, hắn còn nhận ra một điều, hắn đã bỏ bệnh viện công ra đi thì chỉ có đi kiếm tiền thôi, đừng có nghĩ đến khoa học, y đức, đừng nghĩ đến quyền lợi người bệnh. Người ta đã công khai phát biểu rằng bệnh viện tư chỉ để kiến tiền, ai có thể tin là ở bệnh viện tư có y đức, có trái tim, có tấm lòng? Và khi không có ai đứng về phía hắn, tại sao hắn phải đứng về phía người bệnh?

Sau khi hắn giải thích rõ tất cả mọi vấn đề cho người bệnh, người bệnh đặt lại câu hỏi cho hắn: “Theo bác sĩ, bây giờ tôi nên quyết định như thế nào?” Hắn không khuyên gì cả, hắn chỉ cung cấp thông tin thôi, và thông tin lại nhấn mạnh vào những khó khăn, trở ngại. Rõ ràng là người bệnh mất phương hướng, hoang mang, không biết quyết định như thế nào. Sau khi người bệnh ra về, hắn thở phào như trút được một gánh nặng.

Tuy nhiên, hắn không vui được, không thở phào được vì hắn không phải loại vô lương tâm, lương tâm của hắn chỉ “bị chó ăn mất một nửa” thôi. Thế là hắn cứ day dứt, day dứt mãi. Hắn nhớ đến cây gậy, hắn cảm thấy cây gậy cong đi, không còn thẳng thắn, hiên ngang như trước đây nữa. Có lúc hắn sôi sục lên, muốn trở thành một Pa-ven Coóc-sa-ghin như ngày nào. Nhưng rồi hắn lại tự nhủ: ngoại ngũ tuần rồi, lớn lên đi, trưởng thành đi.Rồi một ngày kia, bệnh nhân đó quay lại và quyết định mổ. Hắn như rơi vào khoảng không giữa hai phần lương tâm, phần nằm trong bụng chó và phần còn lại đang treo lơ lửng trước mõm chó. Hắn phải quyết định cho phần còn lại của lương tâm: đi về đâu, chui vào bụng chó hay chui vào bụng các đồng nghiệp đáng kính của hắn?

Theo : Trung Dũng