Câu chuyện nội soi tiêu hóa

tieu-hoa

Sau gần 12 năm học hành quên cả chuyện vợ con, hai bác sĩ bắt đầu được đứng độc lập để làm việc.

        Nội và Cảm là hai người bạn thân, cùng học ở trường phổ thông, cùng thi vào trường Y, cả hai cùng trúng tuyển và trở thành bác sĩ sau 6 năm mài quần trên giảng đường, lăn lộn trong các phòng xác, labo… và vật lộn với bệnh nhân tại các bệnh viện.

        Chẳng có nhiều mối quan hệ, hai người bạn này xin vào Bệnh viện Quận làm việc, Nội được phân vào khoa nội, còn Cảm thì vào khoa Gây mê Hồi sức. Sau 2 năm làm việc dưới sự dẫn dắt của các đàn anh, hai bác sĩ trẻ lại khăn gói đi học Chuyên khoa cấp I. Mất 3 năm lăn lộn theo các thầy, cả hai bác sĩ lại cùng lúc trở về Bệnh viện Quận với tấm bằng Bác sĩ Chuyên khoa cấp I trong tay. Lúc này bệnh viện đang phát triển chuyên môn, hai bác sĩ lại khăn gói lên Bệnh viện Chợ Rẫy học nội soi tiêu hóa để về phục vụ cho dân trong quận nhà.

        Sau gần 12 năm học hành quên cả chuyện vợ con, hai bác sĩ bắt đầu được đứng độc lập để làm việc. Hàng ngàn ca đã được BS Nội nội soi dạ dày, hàng trăm bệnh nhân đã được BS Nội cứu sống khi kịp thời cầm máu chảy từ dạ dày, thực quản. BS Cảm cũng đã gây mê bảo đảm cho các bác sĩ ngoại khoa mổ hàng ngàn ca, cùng với hàng trăm ca nội soi tiêu hóa. Câu chuyện chắc chẳng có gì nếu không có một chuyện xảy ra.

        Vào một ngày kia, một cháu bé 10 tuổi bị xuất huyết tiêu hóa nặng được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Không đành lòng chuyển lên tuyến trên trong khi tình trạng cháu đang nặng, bệnh viện hội chẩn và các bác sĩ đầy lòng trắc ẩn đã quyết định nội soi cho cháu. Mọi công việc được chuẩn bị kĩ càng, cháu có tiền sử bị hở van 3 lá nhẹ nhưng các chỉ số đều ổn định. Khi đang tiến hành nội soi, bé đột nhiên bị trụy mạch và sau đó tử vong. Người nhà vây kín bệnh viện đòi công lý. Bệnh viện phải nhờ đến công an để bảo vệ tính mạng cho các bác sĩ.

        Anh nhà báo nghe tin. May quá, tháng này anh còn chỉ tiêu 1 bài chưa hoàn tất, đây lại là đề tài nóng. Thế là các bác sĩ trở thành kẻ giết người. Mấy đồng nghiệp hồi xưa đi học chung toàn nói chuyện bá láp được một phen hỉ hả. Cao trào nhất là trên các trang mạng, họ đòi “giết mẹ mấy thằng bác sĩ đó đi”, “bác sĩ giết người”, “bác sĩ vô lương tâm”…

        Cả Nội và Cảm đều bị đình chỉ công tác, chờ kiểm điểm trách nhiệm. Cuối cùng thì mọi chuyện cũng qua, chỉ trừ nỗi đau buồn của gia đình cháu bé và vết thương trong tâm hồn hai bác sĩ Nội và Cảm. Từ đó, lượng bệnh nhân nội soi trong Bệnh viện Quận giảm hẳn, ca nào không thật “ngon” đều được chuyển lên tuyến trên.

        Đến một ngày kia, lại có một cháu bé 10 tuổi bị xuất huyết tiêu hóa vào viện. Các bác sĩ cho truyền dịch và truyền máu rồi chuyển lên tuyến trên. Sự đông đúc của tuyến trên làm cho cháu bé không được nội soi ngay, nguyên nhân xuất huyết không được khắc phục sớm, cháu ra đi. Lần này không ai bố ráp bệnh viện quận, cho đến khi một anh nhà báo thiếu bài đặt vần đề về trách nhiệm của Bệnh viện Quận, tại sao không xử lí mà lại chuyển lên tuyến trên? Và các bác sĩ lại trở thành “bác sĩ vô cảm”, “bác sĩ vô lương tâm”, “bác sĩ trình độ kém”… Người ta lại đòi “giết mẹ mấy thằng bác sĩ đó đi”. Lại đình chỉ công tác để kiểm điểm. Lần này thì chẳng phải chờ đến các cuộc họp dài lê thê, các bản kiểm điểm phải viết đi viết lại nhiều lần, BS Nội và BS Cảm đồng thời nộp đơn xin nghỉ việc. 12 năm đèn sách cùng với 3 năm kinh nghiệm, Cảm sang Căm-pu-chia kiếm cơm, còn Nội thì mua trả góp được một chiếc Vios thanh lí, mang ra chạy taxi trước cổng bệnh viện. Kể từ đó, Bệnh viện Quận không còn nội soi nữa.

        Một ngày kia, Nội chở một người đang ôm bụng kêu đau từ trong khoa cấp cứu đi ra. Hỏi mới biết, khi người bệnh vừa vào tới cấp cứu thì một người nhà gọi điện bảo ở đó toàn bọn giết người, hãy đến bệnh viện khác. Trên xe họ bàn nhau, các bệnh viện ở Việt Nam đều toàn bọn giết người, không thể tin được. Vậy là họ tìm đâu đó được số điện thoại của một bệnh viện Singapore. Khi gọi đến đó thì không may là người biết tiếng Việt vắng mặt, mà cả nhà thì chẳng có ai biết tiếng Anh. Dù những gì họ nói với nhau làm cho Nội tức điên lên, nhưng thấy người bệnh ôm bụng kêu đau trong khi họ không chịu khám ở Việt Nam, máu bác sĩ cứu người lại nổi lên, Nội phiên dịch cho họ. Thế là Nội được người nhà nhờ đưa người bệnh qua Singapore. Khi biết Nội là bác sĩ, bệnh viện Singapore đã “lại quả” cho Nội vài trăm đô la, lại được ở khách sạn sang.

        Về Việt Nam, Nội mở phòng khám, chuyên giới thiệu bệnh nhân qua Singapore kiếm hoa hồng. Khỏe! Cũng có lúc máu bác sĩ nổi lên, nhất là khi mấy đồng nghiệp bên Sing hơi “quá tay” hoặc đôi khi chuyên môn của họ có vấn đề. Nhưng rất may là Nội kịp kìm nén cảm xúc, vì vậy nên người bệnh nào cũng vui lòng, bệnh viện vui vẻ. Công việc làm ăn của Nội ngày càng khấm khá.

        Một ngày kia, Cảm đến thăm Nội. Sau 3 tháng làm việc ở Căm-pu-chia, Cảm đã nhận ra được cái chân lí của việc làm ăn: tất cả đều phải “qui ra thóc”. Cảm trở về Việt Nam, đi học làm bác sĩ giải phẫu thẩm mĩ. Thế là vừa mổ vừa gây mê. Thu tiền nhiều nhiều. Cảm “bật mí” với Nội: Phải dành ra một khoản phòng thân, khi có bất cứ vấn đề gì là phải “qui ra thóc” liền. Như vậy thì nhà báo, người bệnh, thân nhân đều để cho mình được yên thân. Với các đồng nghiệp hay hỉ hả khi có đồng nghiệp khác gặp nạn thì cần phải tiếp cận thường xuyên, thầy thầy bà bà, quà cáp lúc cần, họ cũng sẽ để cho mình được yên thân.

        Kể từ đó không ai nói động gì đến hai bác sĩ của chúng ta nữa. Họ không còn là “bác sĩ giết người”, cũng chẳng ai bảo họ là “bác sĩ vô lương tâm”, chẳng ai đòi chém, đòi giết họ cả. Cuộc sống của họ cũng khấm khá, họ lấy vợ, có con, lại còn cho con đi du học ở Anh, ở Mỹ, toàn học ngành quản trị kinh doanh hay luật, chẳng có đứa nào dại mà học y cả.

Theo : T.D