Câu chuyện năm căn

cau-chuye%cc%a3n

Câu chuyện BS Tú ở Năm Căn do tắc trách mà góp phần gây ra cái chết của cô bé 17 tuổi thật sự đã gây ra sự bức xúc rất lớn trong xã hội. Trên các trang mạng, không có bất cứ một ý kiến nào bênh vực cho BS Tú, trong các buổi trò chuyện của các bác sĩ, cũng không có lời nào tỏ ra thông cảm hay bênh vực cho cái anh chàng bác sĩ vừa dốt vừa vô trách nhiệm kia. Ai cũng nhìn thấy cái trớ trêu là BS Tú không bị bắt, trong khi những người bức xúc với việc do bác sĩ Tú gây ra lại bị bắt.

Sự yếu kém về chuyên môn và tắc trách của anh chàng bác sĩ ở Năm căn đã làm dấy lên một làn sóng phản đối cả trong và ngoài ngành y. Ai cũng bức xúc với những người vô trách nhiệm làm cho cô gái kia phải thiệt mạng. Nhưng gần như không mấy ai nhớ đến tại sao cô gái kia lại phải vào bệnh viện, không ai nhớ đến nguyên nhân đầu tiên và cũng là nguyên nhân chính yếu dẫn đến cái chết của cô gái. Chỉ những người công an ở Năm căn là nhớ đến điều này. Đó là tội phạm, và như vậy thì phải bắt giam. Mọi phẫn nộ của xã hội tập trung vào BS Tú và những nhân viên y tế, họ quên đi thủ phạm chính của cái chết thương tâm, đó là tên yêu râu xanh, đó là con quỷ. Với sự yếu kém về chuyên môn của mình, với sự thờ ơ, lãnh cảm của mình, BS Tú đã cùng với những nhân viên y tế khác ở Năm căn trở thành đồng phạm với con quỷ râu xanh đó. Nhưng vì họ là những người được ăn học, được giao cho trọng trách cứu người nên họ bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ hơn, được xếp xuống bên dưới cả con quỷ râu xanh kia.

Việc trình độ kém và vô trách nhiệm dẫn đến cái chết của người bệnh là một việc cần phải lên án, nếu ở mức độ cao có thể cần phải bỏ tù, đấy là lẽ thường tình. Tuy nhiên, để xác định được những vấn đề đó cần phải có thời gian và có sự điều tra đầy đủ, chính xác, công bằng. Còn những người bức xúc bị bắt kia có thực sự là bị bắt do bức xúc không? Hay họ bị bắt vì tội ăn cướp? Bức xúc có thể dẫn đến giết người chứ bức xúc đâu có thể dẫn đến phá két lấy tiền bạc, tư trang. Họ có bức xúc thật không hay họ chỉ thừa nước đục thả câu?

Thế rồi trên các trang mạng cũng vang lên vô số ý kiến. Ý kiến nào cũng lên án bác sĩ Tú và nhóm nhân viên y tế ở Năm căn. Đồng thời cũng có rất nhiều người gọi là thằng Tú, người khác phát triển lên thành thằng bác sĩ, người khác còn hơn nữa, cái lũ bác sĩ, bọn bác sĩ, thậm chí có người còn cho rằng đây là do chế độ cộng sản. Không biết có bao nhiêu người là bức xúc thật sự trước cái chết của một cô gái do sự cẩu thả, vô trách nhiệm của một nhóm nhân viên y tế ở Năm căn gây ra?

Hãy công tâm khi phát biểu. Hãy để cho pháp luật trừng trị những người vô trách nhiệm gây nên hậu quả nghiêm trọng. Cá nhân tôi mong rằng bác sĩ Tú phải bị trừng trị, sự kém cỏi trong chuyên môn và sự tắc trách trong công việc đều đáng bị lên án. Hơn ai hết, những người thầy thuốc phải luôn trau dồi khả năng chuyên môn vì khả năng của họ liên quan đến tính mạng con người. Không thể nói rằng trình độ chuyên môn kém mà mang xử lí nội bộ, xử lí hành chính. Ngoài bác sĩ Tú và các nhân viên y tế trực tiếp liên quan, những quan chức lãnh đạo của ngành y tế từ bệnh viện huyện đến phòng y tế… cũng phải chịu trách nhiệm một phần do việc để cho các bác sĩ có trình độ chuyên môn kém và tinh thần trách nhiệm cực kì kém hành nghề. Tuy nhiên, đấy là những người phải chịu trách nhiệm về cái chết của cô gái 17 tuổi. Còn những người khác? Hãy công tâm với họ. Ngay ở Năm căn thôi, nếu không có những con người lặn lội đi phòng chống dịch bệnh thì cư dân vùng này có được yên thân mà làm ăn hay có đủ sức mà đi đập phá nhà của các bác sĩ không? Bệnh viện Năm căn là nơi để xảy ra cái chết thương tâm của cô gái xấu số kia, nhưng nó đâu chỉ có làm mỗi một việc đó, nó cũng đã cứu sống bao nhiêu người, đã mang lại niềm vui cho bao nhiêu gia đình. Rồi những người thầy thuốc khác ở ngay cái huyện Năm căn đó thôi, họ có đáng bị mạt sát khi sẵn sàng làm việc tại một nơi heo hút, có thể gọi là vùng sâu, vùng xa, chịu đựng sự thiếu thông tin, thiếu phương tiện hành nghề?

Muốn gì thì muốn, câu chuyện ở Năm căn đã làm ô uế cho ngành y, cho những người thầy thuốc, cho các bác sĩ. Đang là thầy mà được đặc cách thành thằng, đang là thầy mà được gọi là bọn, là lũ. Không hiểu những người sẵn sàng gọi thằng bác sĩ, bọn bác sĩ, lũ bác sĩ nghĩ như thế nào? Họ có nghĩ rằng khi họ bệnh, hoặc ngay cả khi họ không bệnh, thì những người phục vụ cho sức khỏe của họ vẫn là những thằng, những lũ, bọn mà họ đang mặc sức mạt sát. Tôi suy nghĩ mãi về chuyện này và thật tình cờ, tôi nhận được câu trả lời.

Có một bệnh nhân cần phải mổ, chúng tôi đã hội chẩn và quyết định mổ nội soi cho bệnh nhân. Những người thân trong gia đình người bệnh hỏi rất nhiều về cuộc mổ, khả năng rủi ro cũng như các vấn đề liên quan. Ở một cơ sở y tế tư nhân, chúng tôi đã quen với những chuyện như vậy. Khi chuẩn bị mổ, tôi được các bác sĩ và nhân viên khác báo cáo là người nhà có những đòi hỏi rất vô lí. Hỏi ra thì vô lí thật, nhưng vẫn trong khả năng chấp nhận được, hơn nữa, mình đã tự nhận là phục vụ chuyên nghiệp nên chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện các bước để chuẩn bị mổ cho bệnh nhân. Không may là bác sĩ gây mê yêu cầu điều chỉnh huyết áp cho bệnh nhân tốt hơn rồi hãy mổ, đồng nghĩa với việc phải hoãn cuộc mổ lại 1 – 2 ngày. Chúng tôi quyết định chuyển bệnh nhân đến một cơ sở y tế lớn hơn của nhà nước để mổ cho bệnh nhân. Thật tình tôi rất áy náy khi quyết định như vậy vì chỉ có chúng tôi mới có mổ nội soi, một cuộc mổ có rất nhiều tiện ích, đặc biệt là đối với người bệnh có vấn đề về tim mạch. Đành phải tự an ủi rằng ở bệnh viện kia, người bệnh sẽ được các bác sĩ tim mạch giỏi hơn trực tiếp kiểm soát. Mặc dù đã tự an ủi như vậy nhưng trong lòng vẫn có gì đó không yên. Người bệnh thì lo lắng rất nhiều khi chuyển sang bệnh viện công, nào là chỗ nằm chật chội, thủ tục rườm rà, chờ đợi mòn mỏi… Sau khi trấn an người bệnh hết mức thì lại một nỗi lo lắng khác, đó là EXSON không mổ thì qua đó, người ta có chịu mổ cho không? Tôi đang không biết trả lời thế nào thì cô con gái của bệnh nhân nhanh nhảu trả lời thay cho tôi: “Mẹ lo gì, cứ tiền vào thì chúng nó mổ hết”. Tôi ngỡ ngàng. Thế mà mới trước đó có vài giây tôi còn áy náy, còn suy nghĩ đến trách nhiệm, đến lương tâm.

Tôi hiểu ra rồi, với những người đó, thật sự chúng tôi chỉ là những thằng, lũ, bọn, chúng nó… Khi chúng tôi có sai sót, họ mặc sức mạt sát, mà không phải mạt sát người gây ra sai sót, họ mạt sát tất cả cái lũ bác sĩ chúng nó, tất cả những thằng bác sĩ, cứ như là họ căm thù chúng tôi đến tận xương tủy. Còn khi cần đến, họ bỏ tiền ra mua, chúng tôi chỉ là những món hàng mà họ muốn mua thì mua, muốn chà đạp thì chà đạp, muốn mạt sát thì mạt sát. Đó là sự suy đồi về đạo đức, đó là sự suy đồi về nhân cách. So với những người gây ra cái chết của cô gái ở Năm căn, họ cũng đâu có hơn gì, chẳng qua họ đang không phải là đối tượng bị lên án nên họ mặc sức chửi rủa mà thôi.

Theo : Trung Dũng