Bác sĩ giẫm chân lên giường bệnh

gia%cc%83m-chanThoạt nhìn, tôi bật phì cười vì cái tư thế không giống ai của anh ấy. Và cảm xúc của tôi cũng chỉ dừng lại ở đấy mà thôi. Mấy ngày sau, thấy tấm hình lưu truyền khá rộng rãi, tôi hơi lo lắng cho anh ấy.

Mấy ngày nay, trên mạng lan truyền bức hình anh bác sĩ của bệnh viện Lâm Thao, Phú thọ giẫm lên giường trong khi khám cho bệnh nhân.

Thoạt nhìn, tôi bật phì cười vì cái tư thế không giống ai của anh ấy. Và cảm xúc của tôi cũng chỉ dừng lại ở đấy mà thôi. Mấy ngày sau, thấy tấm hình lưu truyền khá rộng rãi, tôi hơi lo lắng cho anh ấy. Xem kĩ lại tấm hình thì thấy tư thế khám như vậy không được đẹp lắm, nhưng thể hiện rõ sự tập trung của người bác sĩ đối với người bệnh. Và nhìn mãi tôi cũng không thấy lí do gì để cho câu chuyện ấy trở nên ầm ĩ như vậy. Đã lâu không còn làm trong nhà nước, tôi mất cái phản xạ nhìn nhận sự việc từ góc độ tư tưởng, quan điểm.

Hôm nay, đọc được tin anh ấy bị kỉ luật và xin từ chức, tôi chợt có suy nghĩ: liệu tấm hình kia có ngẫu nhiên được đưa lên báo và lên mạng không? Không biết anh ấy có phải là nạn nhân của một âm mưu nào đó không? Theo nguyên tắc không suy đoán một cách thiếu căn cứ, tôi không bàn đến chuyện có một âm mưu ở đây. Mặc dù không chắc chắn việc có một âm mưu hay không, nhưng tôi lại chắc chắc về việc anh ấy là nạn nhân trong câu chuyện này.

Nếu không có âm mưu nào thì cuộc họp Hội đồng kỉ luật của bệnh viện kéo dài 2 giờ để kỉ luật một bác sĩ trưởng khoa của bệnh viện ấy vì tội giẫm chân lên giường bệnh thể hiện điều gì?

Có lẽ không khó để nhận thấy Ban Giám đốc và Hội đồng kỉ luật của bệnh viện này đã bị hệ thống mạng tác động như thế nào. Không biết là chỉ có Ban Giám đốc bệnh viện này và Hội đồng kỉ luật của bệnh viện hay cả cấp trên của họ bị tác động bởi tốc độ lan truyền của tấm hình, bởi những bình luận xung quanh tấm hình?

Và, vì lo lắng cho cái danh dự của bệnh viện đang bị đe dọa, lo lắng cho danh dự của ngành y (cũng có thể có cả lo lắng cho cái ghế của họ), họ đã họp và kỉ luật anh ấy. Kỉ luật vì một tấm hình hết sức vớ vẩn, tấm hình thể hiện sự tận tâm với công việc gấp hàng trăm lần so với hình ảnh mấy ông nghị ngủ gật trên Hội trường Ba Đình.

Câu chuyện này có thể gặp ở bất cứ cơ quan nào thuộc hệ thống công lập, trực tiếp chịu sự quản lí của nhà nước. Ở đó đầy rẫy những lãnh đạo hiểu biết kém, thiếu bản lĩnh, sợ đủ thứ, sẵn sàng vùi dập cấp dưới cũng như tìm mọi cách lấy lòng cấp trên, những lãnh đạo sẵn sàng loại trừ những nguy cơ, dù nhỏ nhất, có thể ảnh hưởng đến danh dự hão của mình, bất chấp điều đó ảnh hưởng như thế nào đến số phận của một con người.

Ở những nơi đó, không mấy lãnh đạo quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng cũng như cảm xúc của nhân viên cấp dưới. Họ chỉ quan tâm đến tiếng tăm, đến sự thăng tiến của mình. Những câu chuyện về một người lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước sẵn sàng tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, chia sẻ khó khăn với nhân viên đang dần lui vào dĩ vãng.

Đấy là tôi đang nói về những lãnh đạo vô tư, không có ý trù dập, chỉ do trình độ nhận thức kém, bản lĩnh không vững vàng. Những vấn đề tôi phân tích trên đây chỉ là hệ lụy của một hệ thống luôn chạy theo những điều vớ vẩn mà không coi trọng yếu tố con người, luôn suy tôn tập thể, cho dù đó có là một đám đông ngu dốt hay điên loạn, mà coi thường cá nhân.

Quay trở lại vấn đề nạn nhân mà tôi nói ban đầu. Nếu không phải là nạn nhân của một âm mưu, anh bác sĩ H. này thực sự là nạn nhân của cái hệ thống lạnh lùng, thiếu nhân văn, nơi mà những biểu hiện của tình người được diễn giải là lập trường không vững vàng, nơi mà việc đấu tranh vì tính nhân văn rất dễ bị gán cho cái tội phản động, giống như câu chuyện đang diễn ra ở Phú Yên, giữa cái ông Tỉnh Ủy viên Nguyễn Thái Học và Luật sư Võ An Đôn cùng với gia đình của nạn nhân bị công an đánh.

Thành thật chia sẻ với bác sĩ H., và xin chia buồn với tất cả chúng ta, những con người, dù muốn hay không, đều bị cuốn đi trong cái guồng máy vận hành một cách lạnh lùng, vô cảm.

Theo : TS. BS Võ Xuân Sơn