Thói quen ăn đêm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn như thế nào?
Thói quen ăn đêm, cụ thể là ăn muộn hơn 20 giờ sẽ có những tác động xấu đến sức khỏe con người. Trước hết, nó sẽ gây quá tải cho hệ thống tiêu hóa của cơ thể. Bởi về mặt sinh lý thì ban đêm là lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi.
Nếu chúng ta ăn đêm thì hệ tiêu hóa sẽ phải tiết ra dịch vị, các cơ quan nội tạng như ruột, gan, tụy, dạ dày và kể cả khoang miệng cũng đều phải tiết ra các men tiêu hóa, tiếp tục hoạt động.
Phần lớn ít ai chịu đựng được cơn đói vào buổi đêm bởi lúc này bụng sẽ cồn cào rất khó ngủ. Do đó, bạn thường phải kiếm gì đấy để lấp đầy cái bụng đói vào thời điểm này. Nếu bạn thường xuyên có thói quen ăn khuya, sẽ gây ra những vấn đề tai hại cho sức khỏe.
1. Gây mất ngủ
Các chuyên gia cho biết, cơ thể con người sẽ trở nên chậm chạp hơn khi hoàng hôn buông xuống. Và việc bạn ăn tối quá muộn sẽ khiến dạ dày phải tăng cường hoạt động để tiêu hóa thức ăn. Từ đó làm bạn trở nên khó đi vào giấc ngủ.
Nếu việc ăn đêm diễn ra nhiều lần trong tuần thì bạn sẽ bị rối loạn đồng hồ sinh học, dẫn tới mất ngủ giữa chừng. Tình trạng thiếu ngủ kéo dài sẽ làm tăng nồng độ cortisol và dẫn đến tăng cân, hình thành mỡ bụng.
Các chuyên gia khuyên bạn, nếu cảm thấy đói vào ban đêm thì chỉ nên ăn các thực phẩm làm từ yến mạch, sữa ít béo… Cần tránh xa đồ cay nóng và đồ ăn nhiều đạm hay nước giải khát. Vì chúng làm bạn đi tiểu nhiều lần khiến giấc ngủ gián đoạn. Những đồ uống chứa cafein và nước tăng lực cũng có thể gây nên triệu chứng mất ngủ.
2. Nguy cơ mắc bệnh tim
Có khá nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, ăn uống vào thời điểm muộn trong ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Một ví dụ điển hình là các nhà khoa học của Đại học Dokuz Eylul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã khảo sát hơn 700 người trưởng thành bị huyết áp cao, nhằm tìm ra mối quan hệ giữa việc ăn khuya và khả năng mắc bệnh tim mạch, huyết áp.
Theo đó, thời gian ăn bữa tối sẽ tác động rõ rệt nhất tới huyết áp sau một đêm. Nếu bạn ăn tối trước khi đi ngủ khoảng 2 tiếng thì sẽ gây hại cho sức khỏe nhiều hơn so với những người ăn trước khi ngủ từ 3 – 3,5 tiếng. Nghiên cứu từ 700 người cho thấy, 24,2% số người ăn tối trước khi đi ngủ 2 tiếng sẽ bị huyết áp cao và không hề giảm xuống sau một đêm.
3. Gây trào ngược dạ dày
Thói quen ăn đêm, đặc biệt là các thức ăn khó tiêu sẽ là một trong những nguyên nhân gây trào ngược dạ dày khi ngủ. Thông thường, thức ăn sau khi vào dạ dày sẽ mất khoảng vài tiếng để tiêu hóa.
Nếu bạn ăn no xong rồi ngủ thì dễ khiến axit trong dạ dày lọt vào thực quản và dẫn tới hiện tượng đau tức ngực. Nếu tình trạng axit trào ngược lặp đi lặp lại thì đó lại là mối nguy hại dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe.
Để tránh xảy ra hiện tượng trào ngược dạ dày, bạn không nên ăn đêm bằng những thực phẩm chua và chứa nhiều chất béo.
4. Ảnh hưởng tới thần kinh
Kết quả của một nghiên cứu thuộc Đại học California, Mỹ cho thấy việc ăn đêm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của con người
Cụ thể, các nhà khoa học đã nuôi 2 nhóm chuột và cho chúng ăn vào những thời điểm khác nhau. Một nhóm ăn vào ban ngày và nhóm còn lại ăn vào buổi đêm như thường lệ. Kết quả cho thấy, những chú chuột được ăn uống vào ban ngày ít bị phá vỡ nhận biết hơn so với nhóm chuột tiếp tục ăn uống như bình thường vào buổi đêm.
Không những vậy, những người có thói quen ăn đêm còn sẽ liên tục có những giấc mơ lạ, ám ảnh.
Năm 2015, một nhóm chuyên gia tâm lý người Canada đã điều tra việc thói quen ăn uống của con người có thể tác động tiêu cực đến những giấc mơ. Khảo sát được thực hiện bởi 400 sinh viên đại học, họ đã trả lời một bảng câu hỏi về chế độ ăn, ngủ và những giấc mơ của họ.
Ăn đêm quá no gây áp lực lên các cơ quan xung quanh, khiến chúng hoạt động kém đi và cũng sẽ gây ra hiện tượng truyền thông tin đến não kém, ảnh hường nghiêm trọng tới hệ thần kinh, làm suy nhược thần kinh.
5. Tăng cân
Đây là hệ quả hàng đầu khi bạn là người thường xuyên ăn đêm. Ăn đêm sẽ làm cho calo tích tụ và không được tiêu thụ, nhất là khi ăn xong ngủ ngay tức khắc, sẽ càng khiến bạn tăng cân. Vì vậy, nên tránh ăn muộn về đêm.
6. Tiểu đường
Ăn tối muộn cùng với việc ăn quá nhiều sẽ làm giảm lượng insulin sinh ra, đây là loại chất giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Và khi insulin bị giảm, bạn rất dễ mắc tiểu đường.
7. Bạn dễ đói hơn vào ngày hôm sau
Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do hàm lượng insulin mà tuyến tuỵ tiết ra sau một bữa ăn. Kết quả, thêm nhiều glucose được sản sinh, dẫn tới việc kích hoạt hormone có tên “Ghrelin” chịu trách nhiệm tạo ra cảm giác đói.
Ghrelin thường sử dụng những cơn nhịn ăn diễn ra một cách tự nhiên từ khoảng 8 giờ tối tới 8 giờ sáng để tự điều chỉnh, nhằm đảm bảo bạn chỉ cảm nhận được mức độ đói thông thường vào buổi sáng. Tuy nhiên, nếu bạn ăn khuya, chu trình trên sẽ tiếp diễn và bạn thấy đói hơn thường lệ. Từ đó, nguy cơ tăng cân là khó có thể tránh khỏi.
Do đó, theo lời khuyên của các nhà nghiên cứu thì tốt nhất là bạn không nên ăn đêm. Nếu đói thì chỉ nên ăn trước giờ ngủ ít nhất 3 tiếng. Tức là nếu bạn thường ngủ lúc 11 giờ thì chỉ nên ăn trước 8 giờ để thức ăn có đủ thời gian tiêu hóa hết mới không gây hại sức khỏe. Nhờ đó sẽ tránh được các tác hại của việc ăn khuya rất hiệu quả. Hãy xây dựng một lối sống tốt để bảo vệ sức khỏe bạn nhé!
Tổng hợp từ nhiều nguồn.
Phòng khám Quốc tế EXSON
722 Sư Vạn Hạnh, P12, Q10.
Điện thoại: 028 38 570 670