HOẠI TỬ CHỎM XƯƠNG ĐÙI

HOẠI TỬ CHỎM XƯƠNG ĐÙI

Chỏm xương đùi là một thành phận cấu tạo nên khớp háng.

Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng chỏm xương đùi bị hư do không đủ máu nuôi ,hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào trong cơ thể: các xương cổ chân, các xương cổ tay…. nhưng thường gặp nhất là ở chỏm xương đùi.

Nguyên nhân gây hoại tử chỏm xương đùi: chấn thương gây gãy cổ xương đùi, trật khớp háng. Viêm khớp háng điều trị không triệt để. Sử dụng nhiều rượu, dùng thuốc corticoid liều cao trong một thời gian dài .

Thường xảy ra ở độ tuổi thanh niên và trung niên

Bệnh hoại tử chỏm xương đùi đòi hỏi sự điều trị tốn kém, bệnh xuất hiện rất thầm lặng. Khi chúng ta bắt đầu thấy đau khớp háng có nghĩa là bệnh đã bị một thời gian rồi.

*  Triệu chứng của bệnh Hoại tử chỏm xương đùi:

– Giai đoạn đầu:

+ Triệu chứng không rõ rệt, người bệnh có cảm giác đau mỏi vùng khớp háng, đôi khi lan xuống đùi.

+ Đau xuất hiện từ từ, đau tăng lên khi đi nhiều hoặc đứng lâu, giảm khi nghỉ ngơi. Đau có thể ở một hoặc hai bên khớp háng, khoảng 70% các trường hợp đau xuất hiện một bên.

+ Cử động khớp háng không hạn chế.
Trong giai đoạn này, người bệnh chỉ có cảm giác mỏi, đau nhẹ vùng khớp háng khi đi lại nhiều, đau giảm khi nghỉ ngơi.

– Giai đoạn muộn (Chỏm xương đùi đã bị hư nhiều):

+ Đau liên tục tại vùng khớp háng, làm ảnh hưởng vận động khớp háng. Người bệnh bị hoại tử ở mức độ nặng đi lại rất khó khăn, dáng đi khập khiễng và khó dạng chân khi lên xuống xe máy.

+ Ở giai đoạn này cần phân biệt với lao khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp do vi khuẩn. viêm khớp dạng thấp…
Thời gian từ lúc khởi bệnh đến khi mất chức năng khớp háng có thể từ vài tháng đến hơn một năm tùy thuộc từng người bệnh.

* Các cận lâm sàng trong chẩn đoán Hoại tử chỏm xương đùi:

Xét nghiệm: Các xét nghiệm thường có kết quả bình thường

Trên phim X-Quang thường qui: có thể thấy được những ổ tiêu xương trong lòng chỏm xương đùi, hình dạng chỏm xương đùi bị xẹp lại, bề mặt khớp bị sụp xuống. Dấu hiệu sớm nhất thấy được trên X-Quang là dấu trăng lưỡi liềm.
Tuy vậy X-Quang không đủ nhạy để phát hiện được giai đoạn sớm của bệnh.

Trên phim CT-scaner: Dấu hiệu sớm nhất có thể phát hiện được trên phim CT là thưa xương. Các dấu hiệu khác gồm các nốt tăng tỷ trọng không đều hoặc những giải tăng tỷ trọng với bề dầy khác nhau; đường sáng dưới sụn; vỡ xương dưới sụn và biến dạng chỏm.

Trên phim cộng hưởng từ (MRI): MRI là phương tiện chẩn đoán hình ảnh có khả năng phát hiện sớm và nhạy nhất hoại tử chỏm xương đùi. Tổn thương trên MRI gồm hình ảnh vùng giảm tín hiệu ở chỏm xương đùi phía ngoài và tăng tín hiệu phía trong.

* Để dễ phân loại mức độ nặng nhẹ, người ta chia thành 7 giai đoạn- theo phân loại ARCO (1993):

+ Giai đoạn 0: người bệnh có yếu tố nguy cơ, không phát hiện được tổn thương trên chẩn đoán hình ảnh kể cả MRI.

+ Giai đoạn 1: phát hiện được bằng MRI, xạ hình xương, không phát hiện được bằng X Quang thường. Bệnh nhân bắt đầu than đau âm ỉ không liên tục ở vùng háng bị tổn thương cũng có thể đau khớp gối.

+ Giai đoạn 2 đến 6: bắt đầu có biểu hiện trên Xquang thường ở các mức độ từ nhẹ đến nặng. Mức độ thay đổi từ khu trú ở chỏm xương đùi (xơ hóa, tiêu xương xen kẽ, đặc xương, xẹp chỏm) đến các thay đổi ở khe khớp và ổ cối.

*Có 2 hình thức điều trị là:

+ Không phẫu thuật : dùng thuốc giảm đau kháng viêm, giảm cân (nếu thừa cân), tập vận động khớp, kích thích điện. Bỏ thói quen sử dụng nhiều rượu và hút thuốc lá.

+ Phẫu thuật: thay khớp nhân tạo.

Hoại tử chỏm xương đùi không chỉ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày mà quá trình điều trị cũng tốn kém thời gian và tiền bạc vì vậy hãy tạo cho mình một lối sống lành mạnh, an toàn như hạn chế thuốc lá, bia rượu, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để có một sức khỏe tốt.

Phòng khám Quốc tế EXSON
722 Sư Vạn Hạnh, P12, Q10.
Điện thoại: 028 38 570 670