Báo Tuổi Trẻ đưa tin về các vụ án mạng xuất phát từ việc va quẹt xe ở Việt nam và Ấn Độ. Không biết ở cái xứ Ấn Độ xa xôi ra sao chứ ở Việt nam, cái vụ cự cãi nhau khi va quẹt xe trên đường là chuyện hết sức thường tình.
Va quẹt xe khi lưu thông là sự việc rất dễ xảy ra khi lưu thông trên đường phố ở thành phố chúng ta. Tuy nhiên, nếu như không có các yếu tố khác làm cho người đi đường luôn ở trong trạng thái căng thẳng thì ít khi nào có lí do để những vụ va quẹt nhỏ dẫn đến án mạng. Nhưng ở cái thành phố này, có mấy ai ra đường mà không bị căng thẳng. Lô cốt, kẹt xe, kèn xe, khói xe, nước ngập, lưu thông loạn xạ, mạnh ai nấy chạy, mạnh ai nấy đi, bất chấp tất cả các luật lệ… Tất cả những lí do có thể dẫn đến stress khi ra đường đều xuất hiện trên các đường phố ở thành phố chúng ta, như vậy thì làm sao mà con người ta có thể kềm chế được những cơn nóng giận?
Khoa học đã chứng minh, nóng giận thực chất là một hiện tượng có nguyên nhân thực thể, tức là có các yếu tố thực (không phải chỉ có yếu tố tinh thần) làm cho cơn nóng giận bùng phát và làm giảm khả năng kềm chế. Hậu quả của những cơn nóng giận là tù tội, là tàn tật hoặc mất mạng. Các nhà tâm lí, các quan tòa nói rằng phải biết kềm chế. Đương nhiên là mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm nhưng không lẽ xã hội đứng bên ngoài những chuyện này? Không ai phiền trách các nhà quản lí, không ai truy tố họ vì tội để cho người dân cứ thế mà nóng giận, mà đâm chém nhau. Tình trạng nước ngập bây giờ được qui trách nhiệm cho trời, hay là do hiệu ứng nhà kính, do biến đổi khí hậu, tình trạng kẹt xe là do dân mua xe nhiều quá, quá sức chứa của các con đường, tình trạng lưu thông bát nháo, bất chấp luật lệ là do ý thức của người dân quá kém… Đúng là người dân có đủ thứ tội, là ngọn nguồn của mọi vấn đề.
Nhưng dân chính là cái gốc. Dù chế độ nào đi nữa, việc chăm lo cho đời sống cho người dân, việc tạo ra một xã hội an lành, thịnh vượng phải là cái gốc của vấn đề, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhiệm vụ trọng tâm của chế độ đó. Việc các ông quan chỉ lo tìm cách giữ ghế của mình, không hoàn thành công tác dự báo, qui hoạch, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, giáo dục ý thức tôn trọng luật lệ giao thông cho người dân, để cho người dân luôn luôn phải ở trong một tình trạng căng thẳng dẫn đến những án mạng đáng tiếc, phải bị lên án. Những ông quan đang hàng ngày xài tiền của dân mà không làm được cái việc lẽ ra phải làm cho dân, phải chịu trách nhiệm về những việc này. Họ cần phải bị truy tố, phải đi tù hoặc chí ít thì phải về vườn khi có những sự việc như vậy xảy ra, nhường chỗ cho người có khả năng thực sự, có tâm huyết thực sự làm việc, để không phải cứ có chuyện gì cũng đổ hết mọi tội lỗi và mọi sự đau khổ lên đầu người dân.
Chỉ khi nào các vị quan thực sự làm cái việc cần làm, thực sự coi dân là gốc, chứ không phải chỉ hô khẩu hiệu rồi thì suốt ngày chăm bẳm cho việc giữ ghế và thu vén cho cá nhân mình, chỉ khi ấy thì tình trạng căng thẳng trên đường phố mới giảm, không còn những cái chết lãng xẹt, những gia đình tan nát chỉ vì những vụ va quẹt xe trên đường.
Theo: T.D