Chuyện gì đang xảy ra

chuye%cc%a3n

Dù là một người đầy cá tính nhưng tôi chưa bao giờ cố gắng thể hiện mình như một người yêu nước trước mọi người dù rằng trong thâm tâm tôi luôn cho mình là người yêu nước.

Không biết lòng yêu nước của tôi như thế nào nhưng vào cái năm tôi 18 tuổi, tôi đã hăng hái xung phong nhập ngũ khi quân Polpot tàn sát người Việt nam ở Xa mát. Rồi tháng 2 năm 1979, khi đang chuẩn bị đi du học, tôi cũng đã hết sức thật tâm xung phong đi bộ đội để đánh nhau với giặc Tàu vừa tràn qua biên giới phía Bắc. Thế nhưng, chỉ vài năm sau, tôi lại cố gắng thuyết phục cha tôi thông cảm cho đứa em trai của tôi đào ngũ khi đơn vị của nó được điều động sang Căm pu chia. Rất nhiều cơ hội để cho tôi vào Đảng, nhưng tôi cứ bỏ qua, thậm chí là né tránh dù rằng cái lí lịch của tôi hết sức là lí tưởng cho việc vào Đảng và thăng quan tiến chức, mà cái đầu của tôi cũng không đến nỗi ngu dốt đến mức không biết phải làm sao để đạt được những điều ấy. Mặc dù có những phát biểu thể hiện tư tưởng mà những kẻ ác miệng sẵn sàng qui kết tôi là chống chế độ, là thân Phương Tây hay thân Mỹ nhưng tôi vẫn luôn tự hào về những chiến thắng của dân tộc Việt nam trước các triều đại Trung quốc, Thực dân Pháp và cả Đế quốc Mỹ.

Hậu quả là trong mắt một số người, tôi là kẻ phản động, đôi khi còn có vẻ là kẻ chống cộng vì những phát biểu của tôi về những biểu hiện không bình thường của bộ máy lãnh đạo, đối với họ, khi tôi được coi là phản động do không thần phục chính quyền đồng nghĩa với việc tôi không yêu nước. Trong mắt một số người khác, tôi lại là thằng Bắc kì đáng ghét, Bắc kì 75, có nghĩa là cộng sản, không thì cũng hơi hướng cộng sản, trong khi người ta thân Mỹ thì lại tự hào là thắng Mỹ. Thế là về mặt đời sống chính trị, tôi cứ cô đơn trong cái xã hội đang ngày càng lộn xộn, rối rắm.

Thế nhưng, sâu trong tâm khảm, tôi hiểu rằng tôi là người yêu nước. Chỉ là khác với những người xung quanh, tôi không đồng nhất chuyện yêu nước với việc nhiệt tình ủng hộ những gì chính quyền bảo. Khi đất nước lâm nguy, tôi sẵn sàng mang thân mình ra giữ nước (dù rằng tôi chưa bao giờ thực sự làm được việc này), nhưng khi chính quyền đi quá xa trong một cuộc chiến hi sinh nhiều máu thịt của người Việt nam, tôi lại sẵn sàng thông cảm cho đứa em của mình khi nó đào ngũ. Tôi luôn mong muốn học hỏi được những kĩ thuật tiên tiến, những công nghệ hiện đại từ các nước Phương Tây, từ Mỹ nhưng tôi vẫn tự hào vì dân tộc Việt nam đã từng thắng Mỹ, kẻ bất khả chiến bại. Nếu như bây giờ có một cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, Pháp, Nga, Trung quốc, kể cả của Bắc triều Tiên hoặc Hàn quốc hoặc bất cứ nước nào, cộng sản hay tư bản, tôi sẽ luôn luôn làm mọi cách để mang chiến thắng về cho đất nước, cho tổ quốc Việt nam thân yêu của tôi.

Năm 1974, dù đang ở Miền Bắc, cha tôi vẫn thường mở đài BBC để nghe tin tức, đặc biệt là những tin tức về Hoàng Sa. Lúc đó, tôi không biết gì về Hoàng Sa, không ai dạy cho tôi về Hoàng Sa hay Trường Sa, cả ở trong nhà trường và ngoài xã hội. Thế nhưng tôi được biết Hoàng Sa là máu thịt của Việt nam qua cha tôi. Cha tôi, một người đã từng đổ máu cho đất nước, để lại một phần thân thể nơi chiến trường để bảo vệ Tổ quốc, đã dám nói ngược lại những gì xung quanh vẫn thường nói, dám cho là Trung quốc cướp đất của Việt nam trong khi ai cũng coi đó là đồng chí, là anh em. Hồi đó, chỉ một lời nói không đúng những gì thuộc về chủ trương, chính sách cũng có thể là nguyên nhân để cuộc sống biến thành địa ngục. Tôi đã được hiểu về bản chất bành trướng của Trung quốc ngay từ khi mà tôi luôn được dạy rằng “Việt nam có Bác Hồ, Trung hoa có Bác Mao, nhi đồng cả hai nước yêu hai Bác như nhau”.

Khi cả xã hội xôn xao vì chuyện bô xít, tôi thấy rằng có gì đó không rõ ràng, không lí giải nổi. Tâm sự với một anh bạn, cũng là người có chút ít trọng trách, anh ấy nói chắc có điều gì chứ không lẽ tất cả xúm nhau bán nước. Anh bạn coi đó là những hệ lụy tiêu cực của chuyện tham nhũng và mức độ ảnh hưởng của bô xít không đến nỗi như người ta cảnh báo. Đến khi Trung quốc bắt đầu quấy rối ở Biển Đông, bắt bớ ngư dân, cướp tàu thuyền và ngư cụ của ngư dân… dư luận xôn xao, hầu hết người dân đều bức xúc. Khi đó tôi đang chuẩn bị mua một số thiết bị cho Phòng khám của mình và tôi đã chọn một số thiết bị của Trung quốc, chất lượng đảm bảo, phù hợp với nhu cầu, dễ tìm mua, giá rẻ hơn nhiều lần so với thiết bị của Mỹ mà nhu cầu của tôi lại không cần đến mức như vậy. Mọi chuyện gần xong, chỉ còn đặt bút kí và chuyển tiền nữa thôi thì chuyện Trung quốc cắt cáp tàu Bình Minh xảy ra. Là một người yêu đất nước Việt nam, tôi ngưng ngay chương trình mua sắm hàng Trung quốc này và cho đến nay đã hơn 1 tháng tôi vẫn chưa tìm được nhà cung cấp nào thay thế vì thị trường gần như chỉ có hàng Trung quốc mà thôi.

Tôi không phải người dễ biểu lộ tình cảm, không sẵn lòng đến những nơi ồn ào, và tôi lại không có nhiều thời gian để tham gia các cuộc biểu tình chống Trung quốc. Tuy nhiên, trong thâm tâm, tôi luôn ủng hộ những người biểu tình chống Trung quốc. Tôi đồng ý với họ rằng cần phải có tiếng nói phản đối, và nếu Trung quốc leo thang trong việc xâm chiếm biển đảo của nước ta, không chỉ có tiếng nói mà còn phải đưa cả nắm đấm ra nữa. Tôi cũng đồng ý rằng thế và lực của chúng ta yếu hơn Trung quốc, và chúng ta phải khôn khéo, lôi kéo đồng minh để chống Trung quốc nhưng tôi cứ thắc mắc hoài về sự im lặng của chính quyền Việt nam. Mặc dù trong vài ngày gần đây, một số cán bộ lãnh đạo cao nhất bắt đầu lên tiếng về quan điểm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, Quốc hội cũng đã đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận chính thức, nhưng những gì đang diễn ra làm cho tôi thật sự e ngại, không biết đâu là quan điểm thật sự của chính quyền, của Đảng.

Việc tìm cách giải tán người dân biểu tình chống Trung quốc không thể coi là đúng được chứ không nói đến việc trấn áp người biểu tình. Tôi đã xem đi xem lại đoạn video quay cảnh một người mặc thường phục đứng ở cửa xe buýt giơ chân đạp thẳng vào mặt một công dân khi đang bị 4 cảnh sát khác khiêng lên xe buýt. Không thể nói gì khác ngoài hành động cố ý đạp vào mặt người ta. Nếu chỉ có vậy thôi thì có thể hiểu đây là một hành động thái quá của một cảnh sát chứ không phải là chủ trương của chính quyền. Nhưng những thông tin chính thức của chính quyền đưa ra, đăng tải trên các báo, bào chữa cho hành vi này, cho rằng đó là do anh ta định bước xuống xe mới thật sự đáng lo ngại. Ai đã xem đoạn  video trên và được nghe lời giải thích của chính quyền cũng nhận thấy rõ ràng đây là sự bao che một cách trắng trợn.

Mong sao đây chỉ là việc bao che cho một kẻ con ông cháu cha nào đó chứ không phải là bao che cho kẻ thực hiện đúng chủ trương của Đảng, của chính quyền.

Tôi cứ phân vân hoài. Chuyện gì đang xảy ra? Chuyện gì vậy? Sắp tới là gì? Liệu chúng ta có giữ được chủ quyền của đất nước hay không? Liệu chúng ta có làm cho xương máu của tổ tiên ta, cha ông ta trở thành vô nghĩa hay không?

Theo : Trung Dũng