Những ngày đầu, khi bệnh viện Ung thư Đà nẵng đi vào hoạt động, trong khi dư luận đang ồn ào khen ngợi, người bệnh đang vui vẻ, hoan hỉ… thì một số Giám đốc các bệnh viện công lớn cùng một vài quan chức ngành y âm thầm đến thăm. Họ sử dụng những mối quan hệ cá nhân để có thể thâm nhập được vào cách thức tổ chức, cơ chế hoạt động của bệnh viện.
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150622/benh-vien-tu-thien-gap-kho/764919.html
Một câu hỏi được đặt ra: Bệnh viện sẽ lấy nguồn kinh phí nào để hoạt động? Tất cả những người thuộc nhóm đã đến thăm bệnh viện này mà tôi nói ở trên đều có chung một câu hỏi, và không ai có câu trả lời. Một năm sau, HĐNDTP Đà Nẵng đã có ý kiến về việc lấy ngân sách chi cho hoạt động của bệnh viện này. Và bây giờ, một bệnh viện hiện đại với đội ngũ nhân viên hùng hậu, lại sẵn sàng miễn phí cho người nghèo, đã phải chịu cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Trong khi cách đó không xa, người bệnh chen chúc nhau, nằm 2 người một giường.
Đọc bài báo cho thấy, mặc dù BHYT đã tích cực chi trả, bất chấp qui định của BHXH, nhưng người dân vẫn chưa biết, hoặc chưa tin tưởng đến khám, thu vẫn không đủ bù chi, chưa nói đến chuyện duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị. Đà Nẵng đã phải lấy ngân sách ra để bù đắp chi phí cho bệnh viện. Và đáng buồn là điều này vi phạm Luật Ngân sách. Tóm lại: rối, gỡ rối, tiếp tục rối.
Từ câu chuyện này, tôi muốn nói đến một số vấn đề để chúng ta hiểu thêm về y tế.
Y tế rất cần tiền, và cần rất nhiều tiền. Tiền quyết định chất lượng dịch vụ, tiền quyết định chất lượng chuyên môn, và trong một chừng mực nào đó, tiền quyết định cả vấn đề lương tâm, y đức. Vậy nên, hãy đừng ai chửi bới bệnh viện khi bệnh viện yêu cầu đóng tiền, khi bệnh viện áp dụng các biện pháp để không bị quịt tiền.
Theo học thuyết của Marx, ở xã hội cộng sản chủ nghĩa, không phải người ta không cần tiền, mà là khi ấy, của cải vật chất được sản xuất thừa mứa, vượt qua khỏi nhu cầu, trình độ tự giác của con người đã rất cao, không cần phải chế tài. Còn khi chưa đạt được cái trình độ phát triển cộng sản chủ nghĩa đó, thì dù có là XHCN, hay định hướng XHCN, tiền vẫn là vô cùng quan trọng đối với y tế (và mọi thứ). Cứ như là ông bà ta đẻ ra Marx ấy, trong khi ông bà ta nói “có thực mới vực được đạo”, thì Marx nói “vật chất quyết định ý thức”.
Vấn đề tiếp theo là tính thực tế trong kế hoạch và hành động. Chúng ta có thể có lãng mạn cách mạng, có thể làm thơ ca ngợi cảnh giam cầm, tù đày, ca ngợi vẻ đẹp của chiến tranh… nhưng khi xây một cái bệnh viện, và quyết định làm một điều tốt là miễn phí cho người nghèo, chúng ta phải cân nhắc xem có thể lấy tiền từ đâu ra để làm việc đó. Ngoài ra, cần phải xem xét cả các yếu tố về pháp lí, qui định chuyên môn…
Không biết rồi đây, khi ban lãnh đạo Đà nẵng có vấn đề gì, hoặc khi “cơm không lành, canh không ngọt”, có ai đó sẽ bị xử lí vì vụ làm trái Luật Ngân sách hay không? Ngay cả việc BHXH chi cho bệnh viện đó một cách bất chấp nguyên tắc cũng rất có thể là lí do cho những cuộc thanh tra, kiểm tra. Khi đó, ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm? Chắc chắn người ta sẽ phải luồn, lách sao đó để cho cái bệnh viện ấy có thể tồn tại và hoạt động được. Có ai dám bảo đảm trong quá trình luồn lách ấy không có điều gì đi chệch ra ngoài mục tiêu phục vụ người nghèo hay không?
Và tôi cứ thắc mắc mãi, tại sao không thể chuyển cái Bệnh viện Ung thư Đà nẵng thành bệnh viện công, để có thể sử dụng ngân sách cho người nghèo hỗ trợ một phần kinh phí? Có lí do gì để bắt nó cứ phải là bệnh viện tư hay không? Tại sao nó cứ phải chịu cái số phận dở dở ương ương, không phải chuột, chẳng phải dơi như bây giờ?
Người viết : TS. BS Võ Xuân Sơn